Đỗ Văn Nhân (tỉnh Kon Tum)
Chủ nhật, ngày 07/11/2021 08:31 AM (GMT+7)
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn hạn chế nạn trộm chó thì phải luật hóa việc cấm ăn thịt chó. Nhiều nước trên thế giới cũng có quy định cấm ăn thịt chó như Ấn Độ, Mỹ, Úc.
Hiện nay, tình trạng trộm chó đã và đang hoành hành ở nhiều địa phương, gây bức xúc, bất bình cho người dân.
Nhiều vụ trộm chó xảy ra, gây hoang mang dư luận. Đối tượng trộm chó manh động, liều lĩnh, chống trả quyết liệt khi bị vây bắt.
Mặt khác, khi người dân tự tổ chức vây bắt đối tượng trộm chó và hành xử theo kiểu "luật rừng" khiến nhiều đối tượng trộm chó bị thương tích nặng, có trường hợp tử vong.
Bên cạnh đó, việc chăn nuôi, giết mổ, sử dụng thịt chó chưa qua kiểm dịch, kiểm soát, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe do thịt có thể nhiễm các vi sinh vật gây bệnh, đặc biệt là virus gây bệnh dại.
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn hạn chế nạn trộm chó thì phải luật hóa việc cấm ăn thịt chó. Nhiều nước trên thế giới cũng có quy định cấm ăn thịt chó như Ấn Độ, Mỹ, Úc.
Tại Việt Nam, thịt chó từ lâu đã trở thành thức ăn ưa chuộng của không ít người dân. Nhiều hàng quán mở ra phục vụ thực khách có nhu cầu thưởng thức thịt chó.
Theo tìm hiểu, một số nhà hàng đã quán "móc nối" với nhiều đối tượng trộm chó để được cung ứng nguồn thực phẩm ổn định.
Do vậy, việc đề xuất cấm ăn thịt chó để hạn chế nạn trộm chó là thiếu tính khả thi và không nhận được sự đồng tình ủng hộ của một bộ phận người dân.
Xuất phát từ thói quen, cho nên việc ăn thịt chó hay không là quyền của mỗi người dân, người dùng cứ dùng, người không ăn thì không ai ép. Vấn đề ở chỗ là phải kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, sử dụng thịt chó.
Người buôn bán thịt chó phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc thực phẩm, không buôn bán thịt chó bị dịch bệnh hoặc do trộm cắp mà có.
Hàng quán đăng ký buôn bán thịt chó phải văn minh, lịch sự, không giết mổ, bày bán tràn lan ở vỉa hè gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị.
Cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hành vi mất vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cơ sở giết mổ, cũng như các cửa hàng kinh doanh, buôn bán thịt chó,…
Người tiêu dùng thịt chó cần nắm rõ kiến thức, nhận biết nguồn thực phẩm sạch để sử dụng an toàn, phòng tránh dịch bệnh. Đồng thời phải lên tiếng tẩy chay những hàng quán mất vệ sinh, mua bán thịt chó không rõ nguồn gốc.
Việc vận động, tuyên truyền người dân không nên sử dụng thịt chó có lẽ chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo chứ không thể ban hành quy định cấm, bởi nếu cấm sử dụng thịt chó thì sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ người dân.
Vì vậy, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng thịt chó, tác hại của việc sử dụng thịt chó không an toàn. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm để bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.