Luật pháp đang 'bóp nghẹt' nguồn hiến tạng

Bạch Dương Thứ hai, ngày 22/03/2021 16:11 PM (GMT+7)
Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có hiệu lực từ 1/7/2007 còn nhiều bất cập, khiến cho nguồn tạng hiến vẫn khan hiếm trong khi nhu cầu được ghép tạng ngày càng cao.
Bình luận 0
Luật pháp đang "bóp nghẹt" nguồn hiến tạng - Ảnh 1.

Tri ân người chết não hiến tạng và bộ phận cơ thể.

Năm 1992, Việt Nam bắt đầu thực hiện ghép tạng từ người cho sống và đến năm 2010 triển khai ghép tạng từ người cho chết não. Tại Hội thảo về tăng cường nguồn hiến mô, bộ phận cơ thể người diễn ra ngày 22/3 tại TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, tính đến tháng 12/2020, Việt Nam thực hiện được 5.587 ca ghép các bộ phận cơ thể người như thận, gan, tim, phổi, tụy, chi trên, ruột… và hơn 40.000 trường hợp đăng ký hiến tạng.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2007 vẫn còn nhiều điều hạn chế đã khống chế nguồn tạng được hiến tặng từ người cho chết não như cấm người dưới 18 tuổi được hiến tạng; cơ chế chẩn đoán chết não của Luật rất phiền phức và cứng nhắc. Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, đây chính là nguồn tạng tiềm năng có thể tiến hành ghép tạng.

Luật pháp đang "bóp nghẹt" nguồn hiến tạng - Ảnh 3.

GS Trần Đông A khẳng định, Luật hiến, ghép tạng vẫn chưa đi vào cuộc sống

GS Trần Đông A, cố vấn cấp cao về ghép tạng cho biết, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người đã có nhưng không đi vào thực tế, đặc biệt với đối tượng cho là người chết não. "Luật pháp phải vừa chặt chẽ vừa thông thoáng để người chết não có thể cho tạng nhanh, không mất đi thời gian vàng. Khi tham gia góp ý xây dựng luật, tôi đã mời chuyên viên pháp y đến nói rõ rằng, pháp y không chẩn đoán được người đó có chết não hay không, họ chỉ xác định bệnh nhân đã chết rồi. Tuy nhiên, khi Luật được ban hành vẫn yêu cầu phải có pháp y xác nhận các trường hợp chết não. Vấn đề hiến tạng của người dưới 18 tuổi cũng vậy. Luật ưu tiên trẻ em nhưng không ưu tiên trẻ em chết não cho tạng, mặc dù tôi đã chứng minh thế giới đã ghép tim của bé 4 tuổi chết não cho người sống mà đến giờ người ghép 36 tuổi vẫn sống vẫn sống khỏe mạnh. Nếu được người giám hộ, gia đình đồng ý, nên cho phép trẻ dưới 18 tuổi chết não được hiến tạng".

Cùng đồng tình với quan điểm này, ThS. Trần Thị Cẩm Tú, Phó Giám đốc Trung tâm ghép tạng – Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, trên thế giới việc quy định độ tuổi hiến tạng khá cởi mở, tạo nên nguồn tạng hiến rất "dồi dào". Đơn cử như ở Anh, việc ra đời hệ thống chọn không tham gia hiến tạng đồng nghĩa với việc người trên 18 tuổi đồng ý hiến tạng, trừ khi họ không muốn hiến thì sẽ chọn không tham gia. Người dưới 18 tuổi vẫn có thể đăng ký hiến tạng ở mọi lứa tuổi và có thể thay đổi hoặc cập nhật quyết định bất cứ lúc nào. Còn tại Hà Lan, Đạo Luật hiến tặng nội tạng quy định rằng những người từ 12 tuổi trở lên có thể đăng ký hiến tạng sau khi qua đời; người dưới 12 tuổi muốn hiến tạng phải có sự cho phép của cha mẹ hoặc người giám hộ. Tại Pháp, người chưa thành niên không được phép hiến mô, tạng khi còn sống nhưng người đủ 13 tuổi trở lên được quyền hiến tạng sau khi qua đời. Trong khi đó, Việt Nam quy định tuổi hiến tạng đối với người chết não là trên 18 vẫn còn quá cứng nhắc.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận định: "Luật cũ cần phải được sửa đổi để tạo hành lang mới cho công tác hiến tạng được thông thoáng trong thời gian tới như xem lại độ tuổi có thể hiến tạng; tạo hành lang pháp lý thông thoáng để tạo cơ hội cho người chết não, chỉnh sửa cơ chế để chẩn đoán chết não "mở" hơn; cần giảm bớt các thủ tục mang tính hình thức".

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, cần phải có hành lang pháp lý mới, tạo sức bật cho công tác hiến, ghép tạng, đồng thời kỳ vọng đến năm 2022 sẽ trình Quốc hội bộ Luật sửa đổi về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem