Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tin chuyên gia kinh tế, luật sư Nguyễn Trần Bạt qua đời vì đột quỵ đến với tôi bất ngờ sau một tin nhắn của Tổng Biên tập. Gọi điện lại cho Thu Hương vào 22:30 tối thì một lần nữa được xác nhận. Dự định làm một bài trò chuyện với ông nhân dịp sắp kết thúc một năm đầy biến động của Việt Nam và thế giới vì đại dịch Covid-19 đã không thành.
Thế là một bộ óc với tư duy độc lập, mẫn tiệp đã bị một cơn đột quỵ cướp đi để rồi không còn có thể đưa ra những nhận định sắc bén cùng cái nhìn đa chiều, gợi mở về các vấn đề của nền kinh tế đất nước.
Bàng hoàng vì sự ra đi đột ngột của ông, Hương kể với tôi: "Cả ngày hôm nay ông làm việc liên tục. Theo kế hoạch sáng 16/12 ông trả lời phỏng vấn. Thế rồi, 18h chiều khi nhân viên Công ty về hết, ông cảm thấy mệt nên gọi cậu giúp việc lên phòng và rồi lịm đi cho đến khi được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai thì được các bác sĩ cho biết cơ thể đã dừng tuần hoàn".
Trong hơn 20 năm làm báo, số lượng chuyên gia đã gặp và phỏng vấn nhiều khó mà nhớ nổi. Nhưng với chuyên gia Nguyễn Trần Bạt thì như có cơ duyên nào đó khiến cho từ khi mới bập bõm đến khi có thâm niên trong nghề báo thì vẫn luôn khiến tôi hào hứng và đầy sự tò mò trước mỗi buổi phỏng vấn. Tò mò là bởi trước mỗi vấn đề được đặt ra, ông đều có lối tư duy để trả lời đầy sự khác biệt.
Có lẽ vì vậy mà trước mỗi đề tài khó, mỗi vấn đề mới cần một lời lý giải thì tôi luôn nghĩ đến ông. Mấy năm nay, sức khỏe ông không tốt vì trải qua trận tai biến, biết vậy nên tôi luôn dè dặt mỗi khi muốn phỏng vấn ông.
Ông vẫn thường chia sẻ: "Cách đặt câu hỏi của phóng viên luôn cho tôi một cách nhìn khách quan để rồi trên cơ sở đó tôi tìm ra câu trả lời cho cá nhân mình trước một vấn đề chung". Vì thế mà tôi tin, mỗi buổi phỏng vấn được thực hiện luôn là một buổi chia sẻ, trao đổi đầy thú vị không chỉ với tôi mà còn với nhiều phóng viên khác.
Tin ông mất đột ngột ở tuổi 74 đem đến cảm giác bàng hoàng xen lẫn tiếc nuối, nhất là với những ai đã từng làm việc, đặc biệt là phóng viên, nhà báo đã hơn một lần được trao đổi, phỏng vấn ông.
Một phóng viên báo bạn khi được tôi báo tin đã " thảng thốt" gọi ông là "một bộ óc đồ sộ" đã ra đi.
Hàng chục năm qua, hàng trăm, hàng nghìn bài báo, bài trò chuyện đã được ông chọn lựa để in thành sách. Bởi với ông, mỗi bài phỏng vấn, hay trò chuyện là một ý tưởng, đúc kết từ những chiêm nghiệm và nghiên cứu một cách nghiêm túc với vai trò là một chuyên gia nghiên cứu.
Phỏng vấn với chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, cho dù bạn là một nhà báo "sắc sảo", hay "nhu mì" thì những nội dung được đặt ra vẫn sẽ được trả lời với cái nhìn "khác biệt". Sẽ luôn làm bạn "thỏa mãn" bởi những lý giải từ một con người với cách tư duy góc cạnh, luôn tự đặt ra những câu hỏi phản biện trước mọi vấn đề của cuộc sống.
Tiếc nhớ và yêu quý một con người làm việc nghiêm túc, khi phải chia tay ông bởi sự ra đi đột ngột vì căn bệnh đột quỵ, xin hãy tìm đọc những tác phẩm đã xuất bản của ông như các cuốn: Cải cách và sự phát triển (NXB Hội nhà văn, 2005) Văn hoá và Con người (NXB Hội nhà văn, 2005) Cội nguồn cảm hứng (NXB Hội nhà văn, 2008) Đối thoại với tương lai (2010)...
Bởi, lý giải về những lựa chọn của mình trong cuộc sống, về quan điểm khi sáng tác, xuất bản những cuốn sách chuyên gia Nguyễn Trần Bạt từng nói: "Tôi yêu cuộc đời một cách chân thật, yêu cả khuyết tật, nhược điểm của nó. Cuộc sống đối với tôi có những khía cạnh khó khăn, khổ sở nhưng cũng có cả những khía cạnh trìu mến, chứa đựng rất nhiều kỷ niệm tinh thần của tôi. Tôi viết sách là để thể hiện tình yêu của tôi đối với cuộc sống, để góp một phần nho nhỏ của tôi vào sự hợp lý hóa đời sống tinh thần của con người và tôi làm việc ấy một cách yên lặng, một cách âm thầm".
Và nói về mình, ông luôn cho rằng: "Tôi không phải là người đối lập, nhưng đem những ý kiến của mình thuyết phục người khác thì tôi làm không mệt mỏi".
Và, ông cũng cho thấy không ngại đụng chạm đến cả những vấn đề nhạy cảm, không ngại đưa ra những chủ kiến, sẵn sàng chịu trách nhiệm về chúng mà không né tránh hoặc phụ hoạ. Nhưng có lẽ điều đáng nói hơn lại ở chỗ ông luôn tìm cách gắn những vấn đề như vậy với tiến trình mở cửa, hội nhập, phát triển để mục tiêu cuối cùng là thịnh vượng của Việt Nam.
Ông Nguyễn Trần Bạt sinh năm 1946 ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Năm 1963 ông tham gia quân đội, đến năm 1973, ông tốt nghiệp kỹ sư xây dựng cầu đường trường Đại học Xây dựng. Ông còn có bằng cử nhân luật.
Năm 1975 đến 1984, ông từng giữ quyền chủ nhiệm một bộ môn nghiên cứu khoa học tại Viện Khoa học Công nghệ giao thông vận tải.
Năm 1987 ông khởi xướng việc thành lập Văn phòng Xúc tiến các hoạt động sở hữu công nghiệp Việt Nam, tiền thân của Công ty Sở hữu Công nghiệp INVESTIP thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ VN.
Năm 1989 dưới sự bảo trợ của Viện Khoa học VN, ông cùng với một số đồng nghiệp đã thành lập Công ty Tư vấn Đầu tư và Chuyển giao Công nghệ (có tên giao dịch là InvestConsult Ltd). Kể từ đó, InvestConsult Ltd. chuyển hướng sang cung cấp dịch vụ tư vấn cho các nhaà đầu tư nước ngoài và trở thành một trong những tổ chức đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Trần Bạt được nêu danh trong cuốn Barons Who's Who in Vietnam và Barons Who's Who in Asia Pacific như một luật sư và nhà tư vấn xuất sắc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.