Luật sư quốc tế thảo luận tình hình mới ở Biển Đông

Trần Trần Thứ ba, ngày 17/01/2017 13:00 PM (GMT+7)
Các luật sư từ nhiều nước vừa cùng nhau thảo luận về tình hình mới nhất ở Biển Đông và cùng nhau đề xuất các giải pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Bình luận 0

img

Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL) phối hợp Hiệp hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP) và Hội Luật gia Đoàn kết Quốc tế Nhật Bản (JALISA) vừa tổ chức hội thảo quốc tế “Giải pháp hòa bình cho tranh chấp Biển Đông” tại Đại học Aoyama Gakuin, Tokyo, Nhật Bản. Tham dự hội thảo có gần 50 đại biểu là lãnh đạo, thành viên Ban Thường vụ IADL, đại diện các tổ chức luật quốc tế, hội luật gia thành viên cùng đông đảo các luật sư, chuyên gia, học giả các nước Mỹ, Bỉ, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam... 

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Jeanne Mirer, Chủ tịch IADL nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, IADL luôn quan tâm đến vấn đề giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình trên cơ sở pháp luật quốc tế. 

Năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, IADL đã ra Tuyên bố kêu gọi Trung Quốc tôn trọng pháp luật quốc tế và không gây gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Tháng 7 năm 2016, khi Tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết về vấn đề Biển Đông, IADL đã ra Tuyên bố yêu cầu các bên liên quan tuân thủ phán quyết, kiềm chế các hoạt động quân sự ở Biển Đông. 

Tiếp nối những nỗ lực đó, tại cuộc hội thảo lần này, IADL mong muốn các luật gia, các học giả của các nước có liên quan cũng như các nước khác cùng nhau thảo luận về tình hình mới nhất ở Biển Đông và cùng nhau đề xuất các giải pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. 

Tại phiên thứ nhất của hội thảo, các đại biểu đánh giá về tình hình Biển Đông hiện nay, đặc biệt là các hoạt động bồi đắp đảo nhân tảo, quân sự hóa của Trung Quốc, đồng thời đánh giá về tầm quan trọng của phán quyết của Tòa Trọng tài. 

Các đại biểu cho rằng phán quyết đã thu hẹp đáng kể phạm vi tranh chấp và có hiệu lực pháp lý rằng buộc đối với các bên liên quan trực tiếp trong vụ kiện. 

Chia sẻ quan điểm này, Giáo sư Yamagata Hideo – Đại học Nagoya, Nhật Bản khẳng định: Trung Quốc có nghĩa vụ tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài, bởi vì một khi Trung Quốc đã đã gia nhập UNCLOS có nghĩa là Trung Quốc đã đồng ý chấp nhận các cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS, trong đó đó có Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS.


Trong hai phiên tiếp theo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về cơ chế giải quyết tranh chấp theo điều VI Hiến chương Liên Hợp Quốc và các cơ chế giải quyết tranh chấp khác theo luật pháp quốc tế, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy vai trò của các tổ chức luật, giới luật gia, luật sư quốc tế góp phần giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Theo quan điểm của Giáo sư Yoshiro Matsui thuộc Đại học Nagoya, Nhật Bản, các tranh chấp lãnh thổ nói chung và tranh chấp Biển Đông nói riêng đều có tính chất đa chiều với đầy đủ các khía cạnh pháp lý, chính trị, kinh tế, xã hội... do đó việc giải quyết tranh chấp đòi hỏi các bên liên quan phải vận dụng linh hoạt các biện pháp, cơ chế giải quyết hòa bình tranh chấp đã được luật pháp quốc tế quy định, đồng thời thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ của quốc gia trong quá trình giải quyết tranh chấp theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, không có các hoạt động làm phức tạp tình hình, leo thang căng thẳng.

Chia sẻ quan điểm trên, Giáo sư Erik Franckx – Thành viên Tòa Trọng tài Thường trực PCA, Trưởng khoa Luật Quốc tế Đại học Tự do Brussels, Bỉ khẳng định: phán quyết của Tòa trọng tài là một cơ sở qua trọng ban đầu để tiến tới đạt được sự thỏa thuận và hợp tác giữa các bên. Phán quyết đã mở ra những cửa sổ cơ hội mới trong việc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình. 

Nhìn chung, các đại biểu đều nhất trí rằng cơ chế đàm phán đa phương là cần thiết để giải quyết tranh chấp và cần sớm có Bộ quy tắc ứng xử làm cơ sở trong việc ứng xử của các bên ở Biển Đông, giảm bớt căng thẳng tình hình trong khu vực. Các bên cũng thống nhất rằng việc quân sự hóa khu vực Biển Đông sẽ làm ảnh hưởng trầm trọng tới tiến trình đàm phán hòa bình giữa các bên, vì vậy cần kêu gọi các bên, đặc biệt là Trung Quốc, kiềm chế các hoạt động quân sự tại khu vực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem