Lực lượng Đặc nhiệm tình báo trên không của Mỹ có gì đặc biệt?

H.P (theo MiliPol, ANTT) Thứ bảy, ngày 23/05/2020 19:32 PM (GMT+7)
Lực lượng Đặc nhiệm tình báo trên không (TFIA) của Mỹ là đơn vị hành động phối hợp giữa NSA, CIA và Cơ quan Tình báo của Bộ Quốc phòng (DIA) nhằm đảm bảo thu thập thông tin tình báo từ trên không, gây rối hệ thống thông tin liên lạc của đối phương, phát động chiến tranh tâm lý bằng thông tin.
Bình luận 0

Trung tâm đầu não của TFIA không đặt tại Langley - trụ sở chỉ huy của Cục Tình báo trung ương (CIA) - mà tại Fort Meade, trụ sở của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), vì tại đây có những hệ thống xử lý thông tin hiện đại có thể giải mã hình chụp không ảnh hay sóng vô tuyến của đối phương chỉ trong vòng vài phút trước khi được gửi đến văn phòng NIC. Trong cuộc chiến chống khủng bố hiện nay do Mỹ phát động, hầu hết những "quả đấm" mạnh của TFIA đều được huy động trực chiến trên bầu trời nước Mỹ, Tây Âu, Trung Đông, Vùng Vịnh và Nam Á.

Lực lượng Đặc nhiệm tình báo trên không của Mỹ có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Máy bay không người lái Global Hawk.

Một trong những đơn vị chủ chốt của TFIA là Phi đoàn Không quân số 55. Về danh chính ngôn thuận, Phi đoàn 55 trực thuộc Bộ Quốc phòng nhưng thực chất lại được điều hành bởi NSA - một trong những thành viên của TFIA - và được thành lập vào tháng 12/1985. Căn cứ chính của Phi đoàn 55 đặt tại Offutt, bang Nebraska, trông giống như một căn cứ không quân bình thường, nhưng được bảo vệ rất nghiêm ngặt bởi một hệ thống đài quan sát liên hoàn sử dụng tia hồng ngoại để phát lệnh báo động khi có kẻ lạ mặt thâm nhập.

Suốt ngày đêm luôn có một nửa phi đội trực thăng vũ trang tuần tra trên không phận căn cứ Offutt để kiểm tra mọi hoạt động khả nghi trong bán kính từ 10 đến 15km. Sự bảo vệ nghiêm ngặt này cũng có nguyên do vì từ căn cứ Offutt, các máy bay đặc chủng của Phi đoàn 55 tỏa khắp nơi trên thế giới để thực hiện nhiệm vụ tình báo trên không. Hiện nay, Phi đoàn 55 có tất cả 21 máy bay đặc chủng loại Boeing 707, 777 và U-2 được chia thành 3 phi đội là Rivet Joint, Combat Sent và Cobra Ball.

Phi đội Rivet Joint được xem là nòng cốt của Phi đoàn 55, gồm 16 máy bay đặc chủng loại AWACS và U-2 có nhiệm vụ thu thập mọi thông tin, tín hiệu từ lãnh thổ đối phương phát qua các trạm mặt đất, từ mặt đất lên vệ tinh và ngược lại. Thường thì có từ 2 đến 3 chiếc AWACS cùng một chiếc U-2 của Phi đội Rivet Joint trực chiến trên các điểm "nóng" của thế giới như Vùng Vịnh, Trung Đông, Nam Á, Bắc Á, vùng Caspi và các điểm nhạy cảm là Nga, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và  mới nhất là Iran.

Từ đầu thập niên 90 đến nay, do các cuộc tranh chấp quân sự khu vực phát triển mạnh nên hoạt động của Phi đội Rivet Joint cũng tăng cao về cường độ xuất phát để đảm nhiệm nhiệm vụ phối hợp với các vệ tinh tình báo hướng dẫn các cuộc không kích của không quân Mỹ và đồng minh vào lãnh thổ đối phương như tại chiến trường Bosnia vào năm 1994, Kosovo vào năm 1999, Afghanistan vào năm 2001, Iraq vào năm 2003. Từ năm 1995,  để đảm bảo liên tục hoạt động của Phi đội Rivet Joint, NSA đã cho xây dựng tại căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ và Okinawa ở Nhật các hệ thống tiếp liệu phục vụ cho hoạt động của các chiếc AWACS và U-2 thuộc Phi đội Rivet Joint. Hiện nay, căn cứ Incirlik và Okinawa cũng được TFIA sử dụng để chỉ huy các hoạt động tình báo trên không của mình ở châu Á và Vùng Vịnh.

Riêng Phi đội Combat Send, mới được bổ sung 2 máy bay đặc chủng loại B777 để thay thế cho loại B707 cũ kỹ, nhưng có nhiệm vụ quan trọng là phát hiện, truy tìm các tín hiệu điện tử của đối phương đang hoạt động. Các tín hiệu thu thập được sẽ được phân tích tức thì nhằm đề ra những biện pháp gây nhiễu đa năng để vô hiệu hóa hệ thống rađa của đối phương trên mặt đất, trên không hay trên biển.

Để giám sát các vụ bắn thử nghiệm tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của các quốc gia có tiềm lực hạt nhân như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, CHDCND Triều Tiên và Iran hiện nay, Phi đoàn 55 sử dụng các máy bay đặc chủng của Phi đội Cobra Ball bao gồm 3 máy bay loại B777. Các máy bay này được trang bị hệ thống thiết bị ghi hình bằng tia hồng ngoại để có thể quan sát hành trình bay của một tên lửa từ nơi phóng đến mục tiêu. Một hệ thống tinh vi và nhạy đặt trên máy bay sẽ phân tích loại nhiên liệu mà tên lửa đang sử dụng nhằm tính toán chính xác tốc độ bay và nơi đến của nó.

Tất cả 21 máy bay đặc chủng của Phi đoàn 55 đều sử dụng hệ thống liên lạc bằng mã hóa đặc biệt để gửi thông tin về trung tâm ở Fort Meade và nhận lệnh bằng mã hóa từ đây để thực hiện nhiệm vụ của mình. Trong trường hợp khẩn cấp do máy bay bị tấn công, bị trục trặc về kỹ thuật thì sẽ được hướng dẫn cách hủy các thông tin, phá hỏng thiết bị sử dụng và xử sự sau đó như một máy bay không quân bình thường đang làm nhiệm vụ của không quân Mỹ.

Vào giữa thập niên 90, nhận thấy một số quốc gia châu Á, Vùng Vịnh và Bắc Phi đẩy mạnh việc phát triển lực lượng hải quân của mình qua việc hiện đại hóa các căn cứ quân sự, tàu ngầm, tàu chiến có thể mang tên lửa tầm xa nên NIC quyết định bổ sung cho TFIA 2 phi đội máy bay đặc chủng loại EP-3 có tên Aries và P3-C có tên Orion nhưng mang phiên hiệu của hải quân. Nhiệm vụ của 11 chiếc EP-3 thuộc Phi đội Aries là thu thập thông tin phát qua sóng liên lạc, qua các giàn rađa của đối phương dọc theo vùng biển Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á và vùng Thái Bình Dương cùng hoạt động của tàu chiến, tàu ngầm đối phương trong lãnh hải quốc nội và quốc tế. Trong khi Phi đội Aries hoạt động ở châu Á thì 6 chiếc P3-C Orion lại hoạt động với nhiệm vụ tương tự tại Vùng Vịnh và Bắc Phi.

Một "quả đấm" mạnh khác của TFIA là đoàn máy bay do thám không người lái (UAV) trực thuộc DIA bao gồm loại UAV Predator, Hunter và mới nhất là Global Hawk (đưa vào hoạt động từ năm 2006). UAV Predator có sải cánh dài 3m, có thể bay ở độ cao từ 3.000 đến 5.000m với vận tốc 215km/giờ trong phạm vi hoạt động rộng 300km suốt 8 giờ liền. Tính năng của loại UAV Predator có thể đáp ứng được yêu cầu tình báo quốc phòng phục vụ cho cả lục quân, không quân và lực lượng đặc nhiệm. Do được điều khiển từ một trung tâm chỉ huy dã chiến nên Predator có thể "nhìn" rõ hình ảnh di chuyển của quân đội cùng hệ thống bố phòng của đối phương rồi chuyển về trung tâm nhờ thiết bị ghi hình bằng tia hồng ngoại chuyển phát qua vệ tinh tình báo.

Global Hawk là thế hệ UAV hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay có chiều dài 22m với sải cánh 12m. Global Hawk có phạm vi hoạt động từ 1.250 đến 1.500km và mang theo 350 kg thiết bị điện tử có thể ghi hình mọi hoạt động dưới mặt đất của đối phương ở độ cao từ 2.000 đến 2.500m trong suốt 24 giờ liền. Ở độ cao thích hợp, UAV Global Hawk có thể ghi hình hoạt động dưới mặt đất trong diện tích từng 50km2 với độ nét rõ đến từng chi tiết nhờ hệ thống camera quang học và hồng ngoại, vì vậy nó có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm. Do thiết kế bằng sợi thủy tinh nên UAV Global Hawk không bị sóng rađa của đối phương phát hiện. Ngoài ra, do được thiết kế hệ thống giảm thanh ở động cơ và sử dụng nhiên liệu đặc biệt hòa tan nhanh khí thải vào không khí nên rất khó bị phát hiện và bắn hạ bởi tên lửa phòng không tầm nhiệt của đối phương.

Một trong những đơn vị đặc biệt của TFIA trực thuộc CIA là Phi đội 193 gồm 6 máy bay đặc chủng loại Hercules EC-130E có nhiệm vụ phát sóng những chương trình chiến tranh tâm lý tác động đến tinh thần của binh lính đối phương, gây nhiễu các làn sóng phát thanh và sóng truyền hình của đối phương, thả truyền đơn kêu gọi dân chúng nổi dậy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem