Phong trào nông dân SXKD giỏi được Hội ND tỉnh Bắc Giang phát động từ năm 1996, nhằm khuyến khích ND đẩy mạnh phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên tất cả các lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp và dịch vụ.
|
Anh Hoàng Văn Đức (phải) trong buổi giao lưu trao đổi kinh nghiệm với các nông dân SXKD giỏi giai đoạn 2005-2011 do Hội ND tỉnh vừa tổ chức. |
Hướng đi đúng
Mục tiêu mà phong trào đặt ra là ở mỗi lĩnh vực sẽ hình thành một vùng chuyên canh, dựa trên thế mạnh của vùng như: Vùng chuyên canh vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP (Lục Ngạn); vùng nuôi gà đồi (Yên Thế, Tân Yên); chuyên canh na dai, cam Đường Canh, bưởi Diễn (Lục Nam), vùng lúa thơm, lúa hàng hóa chất lượng cao (Yên Dũng)…
Từ định hướng trên, Hội ND tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai rộng rãi đến các cơ sở Hội, khuyến khích, hỗ trợ ND phát triển sản xuất, dựa trên liên kết "4 nhà", từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng NTM... Để thực hiện các mục tiêu trên, Hội đã vận động ND dồn điền đổi thửa, chuyển các vùng trồng lúa một vụ không ăn chắc, vùng chiêm trũng sang nuôi trồng thủy sản.
Với cách làm này, 5 năm qua (2006-2011), nông nghiệp - nông thôn Bắc Giang có bước phát triển vượt bậc. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa, nhiều cánh đồng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Nhiều trang trại, gia trại có thu nhập 500-600 triệu đồng/năm. Đời sống của ND ngày càng nâng cao, nhiều nhà cao tầng mọc lên, đường làng ngõ xóm được bê tông kiên cố...
Những nhân tố mới
Theo ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Giang: "Làm kinh tế giỏi chính là xây dựng NTM, những hộ SXKD giỏi chính là nhưng nhân tố tạo nên bộ mặt NTM trong tương lai".
Năm 2005, được Hội ND huyện tư vấn, anh Hoàng Văn Đức (dân tộc Hoa) ở thôn Thủm, xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động bắt tay vào làm trang trại với việc trồng 3ha vải thiều, na dai và nuôi gà đồi ở Yên Thế. Ban đầu anh nuôi 500 con gà/lứa, rồi tăng lên 1.000 - 2.000 con/lứa. Mỗi năm anh nuôi 4 lứa, trừ chi phí mỗi lứa anh còn lãi 60 triệu đồng.
Anh Chu Thanh Niêm ở xã Đồng Phúc, huyện Yên Dũng chọn mô hình nuôi cá. Năm 2001, anh nhận 22ha đồng trũng rồi cải tạo để thả cá, khi đó ai cũng bảo là anh “hâm". Sau vài năm cải tạo, cánh đồng này đã trở thành những vuông ao đẹp, mỗi năm cho thu hơn 20 tấn cá, lãi từ 300-400 triệu đồng/năm. Trên bờ ao, anh nuôi gà, mỗi năm cũng thu hơn 100 triệu đồng.
Làm kinh tế giỏi chính là xây dựng NTM, những hộ SXKD giỏi chính là nhưng nhân tố tạo nên bộ mặt NTM trong tương lai.
Ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Giang
Ông Lưu Trọng Khánh (thôn Phú Cường, xã Ngọc Vân, Tân Yên) sở hữu tới 6,5ha đất trồng lúa lai, hoa màu và đào ao thả cá, theo mô hình "góp đất chung". Ông Khánh tâm sự: "Bây giờ chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ là hỏng, còn trồng diện tích lớn, sản lượng lớn rất dễ liên kết với các nhà máy, cơ sở chế biến để tiêu thụ mà không bị ép giá. Hơn nữa áp dụng máy móc, KHKT vào sản xuất cũng dễ hơn, giảm chi phí, tăng thu nhập". Ngoài cấy lúa, ông Khánh còn trồng bí xanh, khoai tây, đậu tương...
" Tổng thu nhập từ lúa, cá, hoa màu mỗi năm của tôi khoảng 600 triệu đồng và tạo việc làm cho 6 lao động, với thu nhập 2- 2,5 triệu đồng/người/tháng" - ông Khánh cho biết. Anh Đức, anh Niêm, ông Khánh chỉ là ba trong số hàng chục nghìn hộ ND SXKD giỏi ở Bắc Giang. Họ đang góp phần tạo nên bộ mặt làng xã quê nhà ngày càng giàu đẹp, đạt các tiêu chí nông thôn mới.
Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.