Trần Lực (giữa) và các nghệ sĩ trẻ biểu diễn khai màn trong vở “Cơn ghen của lọ lem”.
Quyết định ra mắt đoàn kịch LucTeam của Trần Lực khá bất ngờ và táo bạo giữa bối cảnh sân khấu đang gần như “thoi thóp”, các nhà hát phải hết sức linh hoạt, căng mình tìm tòi những cách làm mới để kéo khán giả đến rạp. Quá nhiều các loại hình giải trí hiện nay đang “bủa vây” nhan nhản mà người xem dễ dàng tiếp cận từ phim truyền hình, game show, phim điện ảnh… với mức chi phí vừa phải. Cũng có người sẵn sàng bỏ ra vài triệu mua một chiếc vé ca nhạc, nhưng được mấy người sẵn sàng bỏ ra đến nửa triệu cho một chiếc vé xem kịch?! Điều này càng thắp lên tò mò rằng vậy sân khấu ước lệ của Trần Lực hẳn phải có gì đó đặc biệt để có thể “hút khách”…
“Chúng tôi là doanh nghiệp”
Tự tin rằng sân khấu cũng như mỗi loại hình nghệ thuật khác đều có giá trị hấp dẫn riêng và bản thân sân khấu cũng có tính giải trí cao và sâu sắc, người sáng lập LucTeam khẳng định: “Quan trọng là mình làm thế nào, có oánh trúng thị hiếu của khán giả đương thời, oánh trúng cái mà các vị ấy đang thèm muốn hay không thôi”. Cơ sở để Trần Lực đặt niềm tin vào sự ra đời của LucTeam trước hết là vì họ có sự khác biệt, khác lạ với các sân khấu khác. “Cái khác” mà thầy trò Trần Lực đang theo đuổi, đó là trường phái biểu hiện ước lệ, không giống với kịch hiện thực tâm lý của đại đa số sân khấu.
Sân khấu ước lệ là hướng đi mới mẻ mà thầy trò LucTeam đang theo đuổi
“Nhiệm vụ của chúng tôi là phải chứng minh rằng sân khấu kịch có giá trị về nghệ thuật, về giải trí mà không môn gì thay được. Sân khấu có sự kỳ bí của nó. Đi xem kịch cũng là hình thức giải trí cực “sang chảnh”, “xả stress” ngay.”
– đạo diễn Trần Lực
|
Sân khấu ước lệ của LucTeam mở ra những bối cảnh tối giản hết mức về hình thức bài trí và đòi hỏi sự sắc bén tối đa trong biểu hiện của từng nghệ sĩ từ nét mặt, ánh mắt, cách giải phóng cơ thể. Ngôn ngữ biểu hiện ước lệ khiến không chỉ người biểu diễn mà cả người xem cũng khơi gợi được tối đa trí tưởng tượng, liên tưởng đến mọi thứ, cuốn họ vào dòng chảy của câu chuyện chung. Như cách mà nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng nói về kịch của LucTeam: “Đầu tiên, người ta thấy ngỡ ngàng, thấy lạ, sau mới quyến rũ người ta bằng sự hay”.
Nghe qua có vẻ “bay bổng diệu kỳ” là vậy, nhưng quyết định “ngược dòng” này của Trần Lực lại hoàn toàn không phải một sự chủ quan duy ý chí. Đã đành Trần Lực là con nhà nòi sân khấu với tình yêu và kỹ năng sân khấu ngấm vào máu ngay từ nhỏ (cha anh là GS, NSND Trần Bảng - tác giả, nhà lý luận, đạo diễn của sân khấu chèo, mẹ là diễn viên chèo Trần Thị Xuân), nhưng khi mở ra đoàn kịch tư nhân đầu tiên trên đất Bắc, Trần Lực vẫn dùng tư duy của một nhà quản lý doanh nghiệp song hành với con người nghệ sĩ trong mình.
Đạo diễn Trần Lực đổ nhiều năng lượng và tâm huyết vào cú "chạm ngõ" sân khấu kịch.
Về hoạt động của LucTeam, Trần Lực quan niệm: “Là một doanh nghiệp thì phải duy trì và tồn tại, sản phẩm kế tiếp sản phẩm. Trong đó, chất lượng là yếu tố hàng đầu: Phải lạ, hấp dẫn, hay, cuốn hút người xem. Chúng tôi không có nhà hát, không có khách quen nên phải tự tạo ra. Chúng tôi phải chuyên nghiệp”.
Sự chuyên nghiệp của LucTeam không chỉ ở đầu tư cho chất lượng vở diễn mà còn mới mẻ ở cách tiếp thị sản phẩm tới công chúng. Cũng như các nhà hát khác, việc bán vé của LucTeam vẫn phải kết hợp với các đơn vị chuyên nghiệp về phát hành vé. Ngoài ra, mỗi thành viên từ thầy đến trò lại là một kênh phát hành vé, sẵn sàng tự mình “ship” vé như một cách thể hiện sự tôn trọng của nghệ sĩ đối với khán giả. Trên trang cá nhân của đạo diễn Trần Lực (với lượng người theo dõi tới 200.000) vẫn thường xuyên có những lời giới thiệu hấp dẫn về các vở “Cơn ghen của lọ lem”, “Quẫn”, kèm chi tiết lịch diễn, giá vé, số hotline bán vé...
“Nhân hòa” của Trần Lực
Đạo diễn Trần Lực cùng các thành viên trẻ của LucTeam
“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” - Có thể lần “chạm ngõ” sân khấu kịch này của Trần Lực không hẳn là thời điểm thuận lợi khi mà tình hình sân khấu đang lệch khỏi “điểm rơi” phong độ. Yếu tố “địa lợi” thì cũng chưa, bởi trong giai đoạn khởi sự, thầy trò LucTeam còn chưa xây dựng được một địa điểm sân khấu riêng để tập luyện và biểu diễn cũng như có một địa chỉ cố định để khán giả nhớ tới.
Thế nhưng, với yếu tố “nhân hòa” thì Trần Lực hoàn toàn có quyền yên tâm. Những diễn viên có tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ trong LucTeam đa số là những học trò do thầy Lực đào tạo khi còn là sinh viên trường sân khấu, dưới sự dẫn dắt và dựng vở của thầy mà đoạt được những giải thưởng danh giá khi tham dự Liên hoan sân khấu Thủ đô lúc còn chưa tốt nghiệp. Ra trường, họ lập tức đầu quân về LucTeam, tiếp tục được bồi dưỡng và làm nghệ thuật trong sự hào hứng, đam mê.
LucTeam đã giành được nhiều giải thưởng danh giá khi lần đầu đưa vở “Quẫn” đi tham dự Liên hoan sân khấu Thủ đô
Nếu như với đạo diễn Trần Lực, LucTeam là giấc mơ từ thời trẻ thì với những diễn viên vừa mới ra trường này, LucTeam là cả bầu trời cao rộng để thỏa sức vẫy vùng. Chỉ cần nghe cách các bạn trẻ nói về công việc, về thầy Lực, về ước mơ sân khấu kịch ước lệ… đủ thấy rằng đạo diễn Trần Lực đã không chỉ truyền nghề mà cao hơn là truyền cho họ cảm hứng, sự tự tin và quyết tâm vào con đường chinh phục đỉnh cao nghệ thuật.
Bên cạnh đó, thái độ văn minh của khán giả thưởng thức cũng là một yếu tố “nhân hòa” có tác dụng cổ vũ và hỗ trợ to lớn cho LucTeam. Tôi biết có những khán giả với vị thế và quan hệ của mình hoàn toàn dễ dàng có được những tấm vé mời đi xem kịch của LucTeam. Nhưng không, họ lại muốn tự đi xem bằng những tấm vé mua, để ủng hộ thầy trò Trần Lực, để ủng hộ một hướng đi mới mẻ của hoạt động sân khấu nghệ thuật. Và cũng có những người lần đầu đến thưởng thức kịch ước lệ đã bày tỏ rằng họ thấy lạ lạ và chưa quen lắm, nhưng thay vì “một đi không trở lại” thì họ vẫn muốn thử xem tiếp, để cảm nhận và khám phá, để hiểu thêm nữa những sản phẩm của LucTeam.
Cuối năm 2016, LucTeam đã giành được nhiều giải thưởng danh giá khi lần đầu đưa vở “Quẫn” đi tham dự Liên hoan sân khấu Thủ đô: Trần Lực được trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan; “Quẫn” giành HCB cho vở diễn toàn Liên hoan; Mạnh Đạt giành HCV; Ngọc Trâm, Phương My giành HCB… Nhưng tạm quên đi thành công ban đầu đó, những học trò của Trần Lực vẫn xác định mình là “lính mới” và phải rèn luyện thêm rất nhiều kỹ năng với một tinh thần cầu thị và tràn đầy nhiệt huyết, hứng khởi:
Diễn viên Ngọc Trâm: “Cường độ luyện tập của chúng tôi kinh khủng khiếp với các bài tập về cơ sinh lý, bổ trợ về xiếc, hát, vũ đạo, tiếng nói… nhiều khi đạo diễn ép chúng tôi vào guồng tập luyện mệt đến mức rơi nước mắt. Nhưng tôi vui và hạnh phúc vì được đi theo con đường mình ước mơ chinh phục: sân khấu biểu hiện ước lệ”.
Diễn viên Mạnh Đạt: “Bắt buộc bản thân người diễn viên phải nghiêm túc với bản thân mình, nghiêm túc với nghề nghiệp của mình. Với LucTeam, tính kỷ luật phải đặt lên hàng đầu. Vẫn còn trước mắt những thử thách nhưng toàn bộ LucTeam hừng hực khí thế trong người, sẵn sàng chinh phục đỉnh cao của nghệ thuật bằng sân khấu ước lệ”.
Diễn viên Phương My: “Bản thân chúng tôi là những diễn viên trẻ, mới ra trường và được tự do sáng tạo nên tính cách nhân vật của mình, được thầy Trần Lực cho mình một bầu trời tung tăng để thoái mái thì đó là niềm hạnh phúc vô cùng”.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.