Vở kịch “Quẫn” của cố tác giả, nhà soạn kịch nổi tiếng Việt Nam - Lộng Chương, và được dựng lại bởi bàn tay đạo diễn Trần Lực nhưng lại thông qua một cách thể hiện hiện mới, cách nhìn mới là ngôn ngữ biểu hiện ước lệ. Có thể nói, cùng với “Cơn ghen của Lọ Lem” và “Quẫn”, đạo diễn Trần Lực dường như đã đoạn tuyệt với hình thức sân khấu cũ, đã trở nên già cỗi và đơn điệu.
Vở diễn "Quẫn" được đạo diễn Trần Lực dàn dựng năm 2016.
Nam đạo diễn tạo ra sự hấp dẫn bằng thứ ngôn ngữ sân khấu giản đơn, minh bạch và thậm chí hoang sơ của chủ nghĩa "Biểu hiện - Ước lệ". Đó là sự tối giản về ánh sáng, trang trí, thậm chí cả cốt truyện kịch cũng sửa lại để đơn giản hơn, và những điều này lại đòi hỏi một trình độ biểu diễn rất cao cường điêu luyện của diễn viên. Thứ ngôn ngữ mới mẻ này đang lôi cuốn và chinh phục khán giả bằng việc kích thích sự tò mò, trí tưởng tượng và niềm hứng khởi.
Điều đặc biệt, vở “Quẫn” được đạo diễn Trần Lực dựng từ trước, khi mà các diễn viên trẻ của đoàn kịch LucTeam vẫn còn là những sinh viên năm cuối của trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội như là tác phẩm tốt nghiệp.
Một điều bất ngờ hơn nữa, cũng có thể nói là dám “chịu chơi” đó là đạo diễn Trần Lực đã tự bỏ tiền túi để dựng vở diễn. Liều lĩnh khi một mình tìm hướng đi khác cho sân khấu kịch nói.
Chia sẻ điều này, đạo diễn Trần Lực cho biết: “Có nhà báo hỏi tôi thế thì LucTeam lỗ thì như thế nào, đến bao giờ cắt lỗ? Chúng tôi chuẩn bị sẵn tinh thần ấy rồi, để cái gì đó mới mẻ ra đời chắc chắn sự đón nhận của khán giả e dè. Chúng tôi nhìn thấy điều ấy, chuẩn bị tinh thần trong 5 buổi không phải đầy ắp khán giả, nhưng dần dần khán giả đông dần, khán giả xem trường phái kịch ước lệ này thì đại đa số thích thú.
Điều quan trọng chúng tôi sống khỏe, vé bán được, tất nhiên không phải như ca nhạc. Trước đấy, khi chuẩn bị tâm thế chấp nhận. Có 1 người mua vé cũng diễn, phải diễn. Ngày qua ngày, đêm này qua đêm khác chinh phục khán giả. Trong 5 buổi diễn vừa rồi tôi vui mừng thông báo với các bạn, với phong cách lạ, được sự đón nhận của khán giả, bắt đầu quen với phong cách mới”.
Theo đạo diễn Trần Lực vở “Quẫn” 2 sẽ được diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội tới đây sẽ có một chút mới mẻ, có thêm sự tham gia của NSND Lê Khanh. Đồng thời, các diễn viên của LucTeam trưởng thành hơn với kỹ năng điêu luyện hơn, vở diễn cũng được bổ sung những mảng miếng công phu hơn.
LucTeam được xây dựng từ đạo diễn Trần Lực với mong muốn theo đuổi trường phái biểu diễn mang phong cách sân khấu đương đại, sử dụng phương pháp ước lệ, mang đậm tính cá nhân của đạo diễn Trần Lực. Sân khấu ước lệ của LucTeam mở ra những bối cảnh tối giản hết mức về hình thức bài trí và đòi hỏi sự sắc bén tối đa trong biểu hiện của từng nghệ sĩ. Ánh sáng sử dụng trên sân khấu cũng đơn sắc cơ bản, nghệ sĩ trên sân khấu ước lệ luôn sử dụng nét mặt, ánh mắt, giải phóng cơ thể và tự kiểm soát quỹ đạo di chuyển trong từng phân cảnh để chạm được đến cảm xúc của công chúng cũng như khơi gợi trí tưởng tượng trong mỗi người, cuốn họ vào dòng chảy của câu chuyện chung theo nhận định riêng.
Một vở kịch theo lối “biểu hiện ước lệ” hội tụ ba yếu tố: Câu chuyện đơn giản; Bối cảnh sân khấu cùng đạo cụ tối giản; Khả năng biểu đạt, tương tác của diễn viên rất cao. Nói cách khác, ba yếu tố mà khán giả cảm nhận được khi xem trường phái “Biểu hiện ước lệ” đó là: Hồn nhiên, ngây thơ và tươi trẻ.
Sân khấu ước lệ khác với sân khấu hiện thực tâm lý ở chỗ: sân khấu hiện thực tâm lý là tả thực trong khi sân khấu ước lệ là tả ý. Trong phương pháp ước lệ, bản thân đã mang yếu tố của sự đương đại, khác với phương pháp tả thực.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.