Lùm xùm BOT, thất thu BĐS, Tasco của ông Phạm Quang Dũng kinh doanh “èo uột”

Huyền Anh Thứ hai, ngày 05/11/2018 12:43 PM (GMT+7)
Thu phí BOT gặp phản đối của người dân, trong khi bất động sản lại không phải miếng mồi dễ “nuốt” như Tasco kỳ vọng. Kết quả, lợi nhuận thu về của ông trùm BOT Tasco của ông Phạm Quang Dũng ngày càng “èo uột”.
Bình luận 0

Lợi nhuận “èo uột”

Công ty cổ phần Tasco (HNX: HUT) của ông  Phạm Quang Dũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III.2018 với doanh thu thuần quý đạt hơn 164 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ và cũng là mức doanh thu thấp nhất trong hơn 5 năm qua, kể từ quý II.2014.

Trong khi đó, tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của HUT trong quý này tăng mạnh 27% so với cùng kỳ năm trước lên gần 37 tỷ đồng. Kết quả, lãi gộp trong kỳ giảm mạnh gần 60% so với cùng kỳ.

img 

Kết quả kinh doanh quý III/2018 của Tasco

Theo như thuyết minh trên BCTC, doanh thu hoạt động tài chính của HUT chủ yếu đến từ việc chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Tasco Năng Lượng. Tại thời điểm lập BCTC, HUT chỉ còn sở hữu 29% vốn điều lệ của công ty kể trên.

Nếu không nhờ doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ tăng vọt gần 450% so với cùng kỳ, lên 80 tỷ đồng thì có lẽ lãi gộp của ông trùm BOT Phạm Quang Dũng trong quý III.2018 còn ghi nhận mức sụt giảm mạnh hơn. 

Mặt khác, chi phí tài chính trong quý của Công ty cũng giảm 13% về còn gần 36 tỷ đồng. Kết quả, quý III.2018, lợi nhuận trước thuế tăng 6% so với cùng kỳ, lên mức 54,33 tỷ đồng. Lũy kế trong 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của HUT giảm 46% về 759 tỷ đồng, trong khi đó lợi nhuận trước thuế giảm 59% về hơn 110 tỷ.

Mặc dù đã đặt kế hoạch lãi sau thuế năm 2018 giảm hơn 32% so với thực hiện năm trước, 9 tháng đầu năm, HUT của ông Phạm Quang Dũng cũng mới chỉ thực hiện được chưa tới 40% kế hoạch lợi nhuận.

Cuối quý III.2018, tổng tài sản của HUT đạt hơn 10.776 tỷ đồng, không biến động nhiều so với đầu năm. Nợ phải trả vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu nguồn vốn của Công ty. Đáng chú ý, vay nợ dài hạn của Công ty tại thời điểm này lên tới gần 5.343 tỷ đồng. Phải thu khách hàng của Công ty cũng giảm hơn 33,3% so với đầu năm về mức 407,5 tỷ đồng.

Trước đó, Tasco của ông Phạm Quang Dũng đặt mục tiêu tài chính năm 2018 với tổng doanh thu dự kiến là 2.100 tỷ đồng giảm nhẹ so với năm 2017; lợi nhuận sau thuế là 207 tỷ đồng, giảm 30,5%. Tuy nhiên, với con số vừa công bố thì Tasco khó mà đạt được mục tiêu như đã đề ra.

Kết quả kinh doanh Tasco bắt đầu giảm mạnh và gây bất ngờ từ quý II và III.2017 với doanh thu thuần quý III chỉ còn 380 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ. Lợi nhuận chỉ còn 43 tỷ, không còn ở mức “trăm tỷ” như các quý trước đó.

“Lùm xùm” BOT, BĐS hụt thu

Tasco được biết đến như "ông trùm" trong lĩnh vực các dự án BOT, chuyên xây dựng các tuyến đường giao thông, sau đó thu phí. Tasco sở hữu hàng loạt dự án BOT, BT như dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 10 đoạn qua thành phố Hải Phòng; dự án xây dựng cải tạo nâng cấp quốc lộ 1; Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 10 đoạn qua tỉnh Thái Bình; dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới đoạn Phủ Lý - Mỹ Lộc…

img 

Dự án BOT giao thông do Tasco đầu tư xây dựng

Tuy nhiên, những dự án BOT “gà đẻ trứng vàng” như thu phí tuyến đường bộ mới đoạn Phủ Lý - Mỹ Lộc, vốn giúp lợi nhuận của Tasco tăng hàng chục lần năm 2014 thời gian vừa qua liên tục bị người dân phản đối. BOT Mỹ Lộc có dấu hiệu lặp lại sự cố ở Tân Đệ, liên tục phải xả trạm do tài xế tập trung phản đối trạm thu phí. Nhiều lái xe đã lập chốt ở Trạm BOT Mỹ Lộc trên tuyến đường này, để phản đối việc thu phí. Tasco của ông Phạm Quang Dũng cũng đã phải dừng hoạt động, ngừng thu phí đối với 2 dự án BOT này.

Hay việc triển khai thi công xây dựng dự án đường Trần Hữu Dực theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) trong 8 năm mới hoàn thiện dù tuyến đường chỉ dài 3,5 km cũng là 1 trong những tai tiếng của Tasco.

Trong khi BOT dính phải những thương vụ “lùm xùm”, đầu tư bất động sản (BĐS) theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng (đầu tư các dự án BT hạ tầng giao thông) của Tasco cũng không phải là "miếng pho mát dễ ăn" như lãnh đạo Tasco hằng mong muốn.

Hàng loạt dự án BĐS của Tasco thu hút sự quan tâm của dư luận như: Dự án Foresa Villa (khu nhà ở sinh thái Xuân Phương rộng 38ha), Dự án văn phòng cho thuê và chung cư cao cấp 48 Trần Duy Hưng, Dự án đầu tư xây dựng nhà ở South Building - Pháp Vân, dự án  Xuân Phương Residence...

img 

Dự án Xuân Phương Residence của Tasco

Thế nhưng, nhiều dự án của Tasco trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, ở cả Xuân Phương Residence và Foresa Villa đều nằm trong danh sách dự án sai phạm về trật tự xây dựng cũng như quy hoạch.

Trong năm 2017, công ty vẫn chưa bán hàng dự án Foresa Mỹ Đình như dự kiến. Thủ tục điều chỉnh quy hoạch 1/500 kéo dài so với dự kiến, dẫn đến tiến độ toàn dự án bị chậm. Có dự án chưa ký được hợp đồng mua bán với khách hàng.

Ngoài ra, lĩnh vực y tế cũng là mảng mới của Tasco. Năm 2015, Tasco đã cùng Bộ Y tế đầu tư Bệnh viện mắt Hà Nội 2 (hoạt động từ 4/2017). Tasco đang có kế hoạch hợp tác với bệnh viện Nhi và bệnh viện Phụ sản Trung ương đầu tư các dự án mới tại Pháp Vân.

Với những bước đi nửa vời cùng việc sa đà vào nhiều lĩnh vực nhưng chưa hiệu quả đang khiến cho kết quả kinh doanh của Tasco ngày càng đi xuống, lĩnh vực trọng tâm là bất động sản cũng như triển vọng các mảng khác vẫn đang là dấu hỏi lớn và cần thời gian trả lời về hiệu quả kinh doanh của "ông trùm" BOT một thời này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem