Lúng túng quản lý thương nhân nước ngoài

Thứ hai, ngày 10/09/2012 07:51 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo nhận định của Bộ Công Thương, thời gian qua, thị trường tiêu thụ nông sản nước ta đã bị ảnh hưởng nặng do bị thương nhân nước ngoài vào thao túng, gây nhiễu thị trường bằng nhiều hình thức khác nhau.
Bình luận 0

Đó cũng là hệ quả của việc buông lỏng quản lý thương nhân nước ngoài...

Thương nhân trong nước “cõng rắn...”.

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản nước ta như: Vải thiều, thanh long, dưa hấu, dứa, gạo... đã bị thương lái nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) sang mua gom theo kiểu vét hàng.

Nhưng chỉ một thời gian sau đó, giá các mặt hàng này đã rớt thê thảm, còn 30-70%. Điển hình là từ cuối năm 2011 đến đầu 2012, các thương nhân Trung Quốc đã sang thu gom hàng loạt các mặt hàng như khoai lang tại Vĩnh Long, dứa tại Tiền Giang, cua tại Cà Mau, hải sản tại miền Trung…

img
Thương nhân Trung Quốc (trái) trực tiếp sang mua vải tại Lục Ngạn, Bắc Giang.

Không chỉ ép giá, một số thương nhân nước ngoài còn có hành vi gian lận như yêu cầu người nông dân trộn gạo trắng với gạo thơm để họ có thể tăng lợi nhuận.

Hoạt động rầm rộ của thương nhân nước ngoài đã làm cho nhiều nhà máy bị mất nguồn nguyên liệu (do dân không bán cho), hoạt động cầm chừng. Chưa kể, còn nhiều nông dân đổ xô đi nuôi, trồng các giống cây, con theo “đơn hàng ngoại” cấp tốc. Thủ đoạn của các thương nhân này là khi lượng hàng hóa còn ít thì họ mua giá cao, đến khi nhiều hàng thì họ hạ giá hoặc mua “gối đầu” rồi quỵt nợ như việc bán cua của người dân ở Cà Mau vừa qua.

Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: “Những hành vi này đã vi phạm pháp luật Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều người nông dân, cũng như gây bức xúc trong dư luận. Việc thương nhân nước ngoài thao túng thị trường đã tác động xấu đến môi trường, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên do đánh bắt, nuôi trồng, khai thác, tận thu trong thời gian ngắn bằng mọi cách, gây thiệt hại cho người sản xuất”.

Đáng chú ý, theo ông Quyền, nguyên nhân chính là do nhu cầu thế giới về hàng nông sản của Việt Nam ngày càng tăng và vì lợi ích riêng nên một bộ phận thương nhân trong nước đã tiếp tay để kiếm lời. “Không ít trường hợp, thương nhân nước ngoài hoạt động trái pháp luật, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như thu mua nông sản ồ ạt, không phân biệt chất lượng, kích cỡ, chủng loại, tạo ra đơn hàng riêng... đã làm ảnh hưởng đến uy tín hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, tạo sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu” - ông Quyền nhận định.

Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường, nhiều thương nhân nước ngoài rất am hiểu pháp luật của nước ta nên đã “núp bóng” dưới hình thức khách du lịch hoặc không ra mặt nên rất khó xác định đối tượng. “Có trường hợp đã bắt được, lập biên bản nhưng thủ tục rườm rà, chưa kịp xử lý thì họ đã về nước”- một lãnh đạo của Cục này cho biết.

Do địa phương quản lý lỏng

Ông Nguyễn Đăng Khoa – Trưởng phòng Pháp chế (Cục Quản lý thị trường) cho biết: “Theo quy định, thương nhân nước ngoài sẽ không được hiện diện tại Việt Nam nếu không có dự án đầu tư trực tiếp hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện tại nước ta. Những thương nhân vào nước ta dưới các hình thức khác như trong thời gian vừa qua, tới đây sẽ bị siết chặt quản lý”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng: Nhiều thương nhân nước ngoài hoạt động chưa đúng pháp luật Việt Nam, gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản trong nước và đời sống của người dân.

Ông Khoa cũng cảnh báo: “Những hậu quả đáng tiếc đã xảy ra trong thời gian vừa qua, trước hết có trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Hiện luật pháp và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn rất đầy đủ, chỉ cần thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành cũng tốt lắm rồi. Những hiện tượng xảy ra vừa qua cho thấy các cơ quan quản lý tại các địa phương đã không xử lý kịp thời”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định: “Trong thời gian tới, Bộ sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động thu mua nông sản của thương nhân nước ngoài tại các địa phương, đặc biệt tại địa bàn trọng điểm. Trong đó, Bộ cũng sẽ tập trung xây dựng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam”.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng cho biết thêm, dể siết chặt quản lý thương nhân nước ngoài, Bộ Công Thương đang tiến hành soạn thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 90 quy định về quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam. Dự kiến việc soạn thảo sẽ hoàn thành trong tháng 9 này.

Có kiểm tra nhưng chưa thể xử lý

Ông Đào Nguyên Sơn- Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết: “Năm 2012, có thời điểm giá vải thiều lên đến 30.000 đồng/kg (tươi), có một phần nguyên nhân là do thương nhân nước ngoài tích cực vào thu mua. Ở Bắc Giang, chúng tôi chưa phát hiện ra một thương nhân nào trực tiếp mặc cả, mua vải thiều với người dân. Họ thu mua thông qua thương nhân, phiên dịch người Việt Nam. Vì vậy, Sở có kiểm tra, giám sát nhưng chưa thể xử lý”.

50 người Trung Quốc mua bán tại Bắc Ninh

Ông Nguyễn Xuân Chín - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh thông tin: “Ở Bắc Ninh hiện có Tập đoàn HDB đang đầu tư Trung tâm Giao thương quốc tế Chợ Lim. Tại đây đang có khoảng 50 thương nhân Trung Quốc làm ăn, buôn bán. Ngoài ra, ở tỉnh Bắc Ninh còn có hai làng nghề lớn là Đồng Kỵ và Đại Bái thường xuyên có thương nhân Trung Quốc sang thu mua sản phẩm dưới dạng thô, sau đó thuê xưởng, thuê người làm rồi chuyển sang Trung Quốc bán. Do họ không trực tiếp thu mua, sản xuất nên cũng khó kiểm soát và xử lý”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem