Lưới cá trên Sông Trăng

Võ Thị Xuân Hà Thứ sáu, ngày 27/01/2023 13:00 PM (GMT+7)
Tiếng chim vùng biên viễn rộn ràng tới nỗi cứ có cảm giác đoàn đoàn lũ lũ nhà chim đang mở ra lần lượt những bộ cánh, rúc rỉa cho đẹp, rồi thi nhau khoe đến vui tai. Bốn giờ chiều qua, chúng lại về đông đủ như thường ngày.
Bình luận 0

Sáng sớm.

Tiếng chim vùng biên viễn rộn ràng tới nỗi cứ có cảm giác đoàn đoàn lũ lũ nhà chim đang mở ra lần lượt những bộ cánh, rúc rỉa cho đẹp, rồi thi nhau khoe đến vui tai. Bốn giờ chiều qua, chúng lại về đông đủ như thường ngày. Ngày nào cũng vậy, sáng ra là rủ nhau bay đi kiếm ăn ở đâu đó. Khi chúng bay đi, kiểu gì cũng phải lượn chao xuống bờ kênh Sông Trăng một liệng, như soi cánh bay. Những đôi cánh vỗ rợp cả góc trời, cứ như thể làm nghiêng luôn cả cái góc trời ấy…

Là Hội kể với tôi như vậy.

***

xuan/Lưới cá trên sông trăng - Ảnh 1.

xuan/Lưới cá trên sông trăng - Ảnh 2.

Bơi thuyền hái sen, bông điên điển... trên kênh Sông Trăng. Ảnh: V.X.H

Và con kênh Sông Trăng kia, đã bao đời chở nặng sản vật và nước nguồn nối kết nuôi sống người dân hai nước, bao đời gắn kết nghĩa tình.

Trung tá đồn trưởng Đồn biên phòng Sông Trăng Nguyễn Văn Hội - người Thái Bình, được phân vào miền Tây sau khi học xong Học viện Biên phòng. Rồi duyên định, miền Tây trở thành quê hương thứ hai. Lãnh cái vị trí quan trọng là Đồn trưởng Đồn biên phòng Sông Trăng (xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, Long An), mà viết văn hay, xứng danh chàng trai chuyên văn thuở học trò. Mấy hôm trước Hội nhắn: Chị vào đi, kẻo qua mất mùa nước nổi.

Mùa nước nổi là mùa đẹp nhất trong năm đối với dân miền Tây Nam Bộ. Bởi gắn với mùa tôm cá đầy khoang. Tôi mới vào. Nhìn đâu cũng thấy khác biệt, cũng háo hức khám phá. Khi nhìn nước mênh mông xăm xắp quanh các nếp nhà hai bên tỉnh lộ, những nơi chiếc xe riêng của Đồn trưởng Hội đưa tôi vùn vụt qua, tôi cứ có cảm giác những gì nhìn thấy nơi đây mới là thực, còn mình thì như đang từ trong mộng bước ra.

xuan/Lưới cá trên sông trăng - Ảnh 4.

Tác giả và trung tá Nguyễn Văn Hội. Ảnh: N.V

Dòng kênh Sông Trăng sớm nay như chiều lòng khách xa về, nước lên khá lớn, cuộn theo vô vàn phù sinh. Dòng kênh chảy chậm rãi nhẩn nha, ánh lên màu đùng đục muôn sắc. Phía trên nguồn, nước vẫn đang đổ về.

***

Hội đưa tôi ra cái căn chòi của đôi vợ chồng già sống bám vào sản vật của kênh. Bên trong chòi, lơ thơ vài vật dụng. Thứ gì cũng cũ mèm, mốc thếch, y như đôi tay nhăn nheo và gương mặt lơ thơ gió cát. Vậy mà nụ cười của họ thật thanh thản. Hội hỏi ông già: - Đi được 3 người trên thuyền chứ bác?

- Được chớ.

Vậy là bước xuống cái thuyền ba lá, ngồi thăng bằng. Ông già chèo thuyền nhẹ nhàng, ý chừng sợ tôi chưa quen ngồi thuyền nhỏ. Cuống lên là nghiêng thuyền, là nhào xuống nước như chơi. Chiếc thuyền nhỏ xuôi dòng. Rồi chòng chành dừng lại ở những nơi có cây cột nhỏ cắm bên dòng. Ông già lần lưới, kéo lên.

Tôi reo khẽ: - Có cá kìa.

xuan/Lưới cá trên sông trăng - Ảnh 5.

Anh Hội được người dân tặng cá. Ảnh: N.V

Cá lấp lóa nhảy trong lưới. Có mấy loại cá (trước khi vào, tôi đã tra trên mạng, vùng miền Tây có những loài cá trong sách đỏ: cá còm, cá mang hổ, cá ngựa nam…). Chừng vài hơi, lại dừng thuyền kéo lưới đặt. Một đôi chỗ cá vào hơi nặng lưới. Nhưng hôm nay nước về lớn, cá ít vướng vào lưới để mắc cứng trong đó.

Tôi thắc mắc:

- Sao lại gọi là kênh Sông Trăng?

Hội hỏi ông già: - Bác biết không?

Ông già lắc đầu: - Tui đâu biết. Tui miệt dưới về. Hỏi ông trưởng ấp Sông Trăng thì chắc biết...

Giây phút này tôi tạm cho mình được tận hưởng cái không khí man mác thơm mùi kênh rạch, hay đó là mùi hương của những bông lục bình trôi bập bềnh trên dòng kênh? Mùi của cá tôm và rong rêu của một vùng trầm tích? Mà như Hội từng viết trong một tản văn "một vùng đầm lầy, trũng thấp với bạt ngàn rừng tràm, mù u, trôm, khuynh diệp, năng, lác, sen, súng, lúa trời… trải rộng khoảng 700 ngàn héc ta…".

Rồi trên con thuyền nhỏ chạy dọc kênh có cái tên thơ mộng Sông Trăng đó, tôi nghe Hội kể về nơi này.

"Đồn Biên phòng của chúng tôi nằm giữa mênh mông đồng nước, đồng lúa, đồng sen, vùng Đồng Tháp Mười. Điểm đóng quân chính của đơn vị ở đầu ngọn kênh Sông Trăng nên tên đồn được đặt tên theo địa danh đó. Trải qua bao nhiêu năm chiến tranh loạn lạc, ly tán, chẳng mấy ai biết chính xác nghĩa của hai từ Sông Trăng.

xuan/Lưới cá trên sông trăng - Ảnh 6.

Bộ đội Biên phòng Đồn Sông Trăng tuần tra trên kênh Sông Trăng. Ảnh: N.V.H

Người thì giải thích, hồi kháng chiến chống Mỹ, một đoàn quân của ta đi trong đêm tối, xuyên những cánh rừng thâm u trên đất Chùa Tháp về tấn công đồn địch. Khi ấy gặp ánh trăng sáng vằng vặc lấp lánh trên con kênh chảy vào đất Việt, người chỉ huy cho đơn vị dừng lại nghỉ. Trận đánh năm ấy, đoàn quân đại thắng. Từ đó, điểm dừng chân được gọi với cái tên thơ mộng "ngọn Sông Trăng" và con kênh cũng được gọi là Sông Trăng.

Nhưng cũng có người bảo, hồi xa xưa, ở đầu ngọn con kênh này, những đêm cuối tháng, tối trời, người ta nghe tiếng nước réo oàm oạp. Từng bầy trăn nối đuôi nhau từ phía Cao Miên bơi về. Có người lại giải thích, con kênh này ngoằn ngoèo, khúc khuỷu như hình dáng con trăn đang bò. Sông Trăn, lâu ngày đọc trại đi thành Sông Trăng.

Cuối năm 2008, tại đầu ngọn Sông Trăng, cột mốc đôi 230 - 1 và 230 - 2 làm bằng đá hoa cương nguyên khối được hai nước Việt Nam - Campuchia xây dựng. Đường biên giới chạy ngang ngọn Sông Trăng, dọc theo trung tuyến dòng chảy chính của sông Cái Cỏ. Phía bên kia biên giới, con kênh Crăng Liêu chia đôi hai tỉnh Svay Riêng và Prey Veng của Campuchia. Khi đến biên giới, nó chạy cắt qua kênh Cái Cỏ, chảy vào lãnh thổ nước ta, thành kênh Sông Trăng".

xuan/Lưới cá trên sông trăng - Ảnh 7.

Chào cột mốc biên cương (mốc số 230 -2). Ảnh: N.V.H

Vậy là đầu nguồn của kênh Sông Trăng lại bắt nguồn từ bên nước bạn. Kênh tuy nhỏ và chảy khá hiền hòa, đặc trưng sông nước miền Tây, nhưng trong dòng chảy là cá tôm và phù sinh, hai bên dòng đặc kín lục bình, nơi trú ngụ và kiếm ăn lý tưởng cho những loài thủy sinh.

Tôi vục nước lên lòng tay. Nước lóng lánh chảy dưới ánh ban mai đang lên phía xa. Những tia nắng đang nâng dần cánh chim bay xa tít tắp trên bầu trời. Những hạt nước bắn tung lên bên mạn thuyền soi những vảy cá lấp loáng bạc.

Tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ thần của Lê Thái Tổ mà Hội đã cho khắc vào phiến đá đặt ở cổng Đồn biên phòng Sông Trăng. "Biên phòng hảo vị trù phương lược. Xã tắc ưng tu kế cửu an". (tạm dịch: Bảo vệ biên giới cần có chiến lược tốt. Giữ nước phải tính kế sách lâu dài…).

***

Ông già cười lớn khi bất ngờ lưới được con cá tra to. Lúc lên cân được tới 9 ký.

Tôi thấy hai ông bà già lúi húi lấy cái thùng đổ cá vào, rồi trao cho mấy chàng lính của đồn mang về đơn vị. Tôi nghĩ không có bút mực nào tả cho đủ tình quân dân nơi miền biên viễn này.

Tôi thầm hẹn với dòng kênh: Tôi để lại trên dòng nước này hình bóng của tôi nhờ kênh cất giữ. Hẹn một ngày trở lại nhé, Sông Trăng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem