Ai lên xứ Lạng cùng anh...

Gia Tưởng Thứ tư, ngày 25/01/2023 11:13 AM (GMT+7)
Từ bé, tôi đã được ru bằng câu ca dao “ai lên xứ Lạng cùng anh”… Rồi lớn lên một chút, cũng chưa hiểu biết gì về xứ Lạng, nhưng tôi mường tượng cái xứ đó chắc xa xôi, lạ lùng và đẹp lắm…
Bình luận 0

Rồi lớn chút nữa, có những đêm mà khi đó quê tôi chưa có điện, lũ trẻ chúng tôi ngồi quanh chiếc chiếu trải giữa sân nhà, nghe mấy anh mấy chú kể về xứ Lạng trong các trận chiến bảo vệ biên giới. Những địa danh như Đồng Đăng, Cao Lộc, Lộc Bình, rồi Nam Sầm, Đình Lập… nghe đến thuộc lòng mà chả biết ở đâu… Sau bao năm, giờ vì duyên công việc, tôi lại "đóng quân" ở Lạng Sơn. Và tôi đã có những tháng ngày vui phơi phới và thích thú khám phá xứ Lạng.

***

Có sống đủ lâu ở xứ Lạng thì ta mới thấy được TP.Lạng Sơn như một bông hoa hồi, tỏa cánh đi các hướng khác nhau. Ngay trong thành phố thôi, cũng có nhiều danh thắng để người ta thưởng lãm: Động Tam Thanh với lầu Vọng Thị mà đứng ở đây nhìn sang hướng đông nam, ta thấy phiến đá nhô ra từ đỉnh núi rõ hình người phụ nữ ôm con, với câu chuyện nàng Tô Thị chờ chồng đến hóa đá. Sông Kỳ Cùng xanh ngắt chảy lững lờ qua thành phố, như là một ranh giới mềm phân chia TP.Lạng Sơn thành khu buôn bán sầm uất bên phía chợ Đông Kinh, và bên này là khu trung tâm tỉnh với những cơ quan công sở.

tat/Ai lên xứ Lạng cùng anh... - Ảnh 1.

Nông dân Tràng Định thu hoạch cây thạch đen. Ảnh: Châu Long

Xứ Lạng thế đó, 4 mùa đều khiêm nhường nhưng mạnh mẽ, và vẫn chỉ gói gọn trong những câu mời gọi từ xa xưa: Ai lên xứ Lạng cùng anh - Bõ công bác mẹ sinh thành ra em… Thế là đủ và quá đủ để người ta lên với xứ Lạng.

Lại nói về Lạng Sơn như bông hoa hồi thì đúng là ở lâu mới thấy. Theo hướng Quốc lộ 1 lên thì Hữu Lũng là huyện đầu tiên chào đón lữ khách, giáp với đất Bắc Giang. Hữu Lũng còn như là một bước đệm chuyển tiếp giữa vùng trung du và miền núi, huyện này đang được đầu tư làm trung tâm công nghiệp của Lạng Sơn. Có lần chúng tôi trò chuyện với anh Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, anh tâm sự: "Cứ sau tết, nhìn nam thanh nữ tú của tỉnh mình ba lô khăn gói tìm về những khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang mà mình tâm tư lắm. Nên Đảng bộ và chính quyền Lạng Sơn sẽ quyết tâm làm khu công nghiệp Hữu Lũng để giải quyết công ăn việc làm cho bà con, và cũng thu hút đầu tư để Lạng Sơn phát triển công nghiệp một cách ổn định, bền vững".

Hết Hữu Lũng là đến Chi Lăng, kể mảnh đất oai hùng này thì sử sách đã ghi lại nhiều lắm rồi: Từ dãy Lũy Thầy đến ải Chi Lăng với bao phen chặn giặc dữ. Nhưng giờ Chi Lăng được biết đến với sản phẩm na dai nổi tiếng, được trồng trên núi đá. Na Chi Lăng đi theo những chuyến xe đến khắp các tỉnh thành, sang nhiều nước khiến cho nhiều người biết đến Chi Lăng thêm nữa, nhờ quả na núi đá với hương vị của nắng, của sương và đất của một vùng được mệnh danh là cổng thành lũy đá của đất Việt.

***

Lên xứ Lạng tìm đường dễ lắm, các huyện đều nối với nhau bằng một tuyến đường xương sống. Từ TP.Lạng Sơn đi theo Quốc lộ 1B là đến được các huyện Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn. Đến Văn Quan thì đúng là đến với thủ phủ của hoa hồi, ở xứ Lạng hồi nhiều và nổi tiếng nhất là ở đây. Những vựa hồi lớn nhất nhì cả nước cũng tập hợp ở Điềm He - một địa danh của Văn Quan. Nói đến Văn Quan thì người ta còn nhớ đến món cao khô Chợ Bãi nữa. Món mì gạo này có thể ăn thay cơm hàng ngày mà không thấy chán, vì nó vừa giòn lại vừa dẻo rất khó tả và khó quên.

Hết đất Văn Quan đến đất Bình Gia - mảnh đất này đúng là bình yên thật, đi đâu cũng gặp rừng, vì rừng ở đấy chiếm đến 73% diện tích. Ai muốn sự bình yên thì tìm đến Bình Gia, ở đây có những ruộng lúa, những ngôi nhà sàn đặc trưng của người Tày – Nùng với mái ngói âm dương đẹp đến mê lòng. Người Bình Gia hiếu khách lắm, đã có lần tôi đi ngang qua mà một người bạn đang công tác ở UBND huyện đã ra tận đường đón đợi. Anh tâm sự: "Vào Bình Gia cái gì cũng thiếu, nhưng tấm lòng thì rộng mở lắm. Người ở phương xa tới, mình là chủ nhà mà không đón được bạn, mời chén rượu, nâng bát cơm thì thấy bứt rứt lắm. Nên việc mình ra đường đứng đợi bạn bè cũng là rất bình thường".

tat/Ai lên xứ Lạng cùng anh... - Ảnh 3.

Sông Kỳ Cùng giữa lòng TP.Lạng Sơn. Ảnh: Bùi Thuận

Từ thị trấn Bình Gia rẽ trái, qua đèo Tam Canh - con đèo nổi tiếng với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, là đến huyện Bắc Sơn. Có lẽ đây là vùng đất diễm tình nhất xứ Lạng. Bắc Sơn có những thung lũng bằng phẳng với những cánh đồng lúa nước, được bọc bởi những dãy núi đá chạy quanh. Nói về cảnh ở Bắc Sơn thì có lẽ không nên tả thêm nữa. Vì khó mà tưởng tượng ở đâu đó trên dải đất hình chữ S mình lại có một khu vực rộng lớn mà đẹp đến như vậy. Đồng lúa, rừng cây, núi đá cứ quyện vào nhau hài hòa đến không thể gỡ ra được. Chính vì thế mà người Bắc Sơn đẹp nổi tiếng cả vùng, chị em ai cũng có nước da trắng, vóc dáng cân đối. Vào mùa đông thì má người con gái Bắc Sơn lúc nào cũng đỏ hây hây, mắt thì trong veo, họ xuất hiện ở đâu đều thu hút mọi ánh nhìn ở đó. Nói thì hơi chạnh lòng nhưng hình như đa số người đẹp xứ Lạng đều có gốc ở Bắc Sơn.

Từ TP.Lạng Sơn cứ đi thẳng qua thị trấn Đồng Đăng của huyện Cao Lộc, rẽ trái theo Quốc lộ 4B thì biển chỉ dẫn tới huyện Văn Lãng với thị trấn Na Sầm nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp. Bây giờ Na Sầm vẫn nằm khiêm nhường nơi phên dậu biên ải. Đến Văn Lãng, người ta có lẽ nhớ nhất là cửa khẩu Tân Thanh - nơi gọi là cửa ngõ của nông sản Việt Nam đưa sang Trung Quốc. Nhưng Văn Lãng cũng có một thứ quả nổi danh, đó là hồng vành khuyên - cái quả hồng mà ở cuống có một cái vòng tròn không lẫn vào đâu được, ăn vừa giòn vừa ngọt và chỉ một lần thưởng thức là rất khó quên.

Thẳng qua địa phận Văn Lãng hướng sang tỉnh bạn Cao Bằng là đất Tràng Định. Món phở vịt Thất Khê nổi tiếng Lạng Sơn cũng xuất phát ở Tràng Định này, nhưng những năm gần đây, cây thạch đen đã làm bà con ở đây mở mày mở mặt. Thiên nhiên đã ưu đãi người Tràng Định, với giống cây thạch đen dễ trồng, sản phẩm thạch đen cho thu nhập cao mà ăn vào thì mát ruột đẹp da. Chẳng biết có phải vì thế không mà người Tràng Định hiền hòa đến khó lời nào tả được.

tat/Ai lên xứ Lạng cùng anh... - Ảnh 4.

Sương giăng, mây phủ tạo nét đẹp lãng mạn trên đỉnh núi Mẫu Sơn. Ảnh: T.L

Từ bông hoa hồi Lạng Sơn, ta chọn Quốc lộ 4 B đi tới huyện Lộc Bình. Huyện này nổi tiếng nhất Lạng Sơn nhờ có đỉnh núi Mẫu Sơn, nay là khu du lịch cấp quốc gia. Đỉnh núi này quanh năm mát mẻ, mùa đông còn có cả băng tuyết. Có lẽ đa số người ta tìm về Lạng Sơn là đến với Mẫu Sơn, để thưởng thức cái rét lạ lùng ở đây - rất ngọt và rất sắc, uống thêm ly rượu và ăn miếng cá hồi nuôi tại đỉnh núi mẹ này, thì chỉ có thể nói là "sướng nhất đời".

Thẳng hết đất Lộc Bình là huyện biên giới Đình Lập - huyện này vừa giáp với Trung Quốc lại giáp với huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Đình Lập là huyện có dân số ít nhất tỉnh (khoảng 28.000 người), nhưng số bà con có tiền tiết kiệm gửi ngân hàng lại cao nhất tỉnh, nhiều nông dân có tiền tỷ để ở ngân hàng, chủ yếu là nhờ cây thông và cây chè. Chè Đình Lập thơm ngon nổi tiếng, vừa được vị lại được nước xanh, uống chè Đình Lập mà ăn với khẩu si (một dạng bỏng gạo đóng bánh) của Lạng Sơn thì hợp vị lắm.

Giáp ngay Lạng Sơn là huyện Cao Lộc với thị trấn Đồng Đăng. Thị trấn này có thể nói là một thành phố thu nhỏ, có Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, đây là cửa ngõ thông thương mọi hàng hóa của Trung Quốc – Việt Nam và thế giới. Đồng Đăng cũng nổi tiếng với Đền Mẫu - một điểm đến nằm trên con đường du lịch tâm linh của xứ Lạng, cũng là một địa chỉ đánh dấu về văn hóa của người Việt. Cao Lộc là huyện có kinh tế thương mại phát triển nhất Lạng Sơn, cũng là nơi đánh dấu những km đầu tiên của con đường Quốc lộ 1A chạy tít tắp theo chiều dài đất nước tới đất mũi Cà Mau.

***

Kể về xứ Lạng thì còn dài lắm, cả về loài hoa đào mới đây được lấy làm cảm hứng để làm biểu tượng du lịch Lạng Sơn với em bé đào, là sự cách điệu của hoa đào. Cũng tại buổi lễ công bố biểu trưng và khẩu hiệu (slogan) du lịch của Lạng Sơn "Ai Lên xứ lạng cùng anh". Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh - ông Dương Xuân Huyên chia sẻ: Logo du lịch tỉnh Lạng Sơn có gam màu chủ đạo là màu hồng và màu xanh, được tạo nên từ hình ảnh cách điệu của núi Mẫu Sơn hùng vĩ, trùng điệp kết hợp cùng điểm nhấn là hình ảnh hoa đào xứ Lạng. Từ đó, tạo cảm giác mềm mại, rạo rực sức sống của mùa xuân và sự ấm áp, nhiệt thành của người dân khi chào đón khách du lịch. Hình ảnh hoa đào trên đỉnh núi Mẫu Sơn cũng là biểu tượng của mặt trời lúc bình minh. Điều đó thể hiện một khát vọng, niềm tin vào tương lai tươi sáng, một "bình minh mới" sẽ đến với du lịch Lạng Sơn nói riêng và sự phát triển của xứ Lạng nói chung.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem