Luồng cảng bẫy tàu ngư dân

Thứ ba, ngày 27/12/2011 23:14 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Luồng chạy tàu của cảng biển Thuận An (Phú Vang) luôn trong tình trạng cạn và hẹp, là hiểm họa đối với hàng nghìn tàu cá ra vào cảng.
Bình luận 0

Nhiều tàu gặp nạn

Luồng chạy tàu của cảng Thuận An là nơi vào ra thường xuyên của hàng nghìn tàu cá của ngư dân thị trấn Thuận An và các xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên (huyện Phú Vang), Hải Dương (huyện Hương Trà), chưa kể tàu cá ngoại tỉnh. Nhiều năm trở lại đây, do bị bồi lấp nặng nên luồng chạy tàu này luôn trong tình trạng cạn, hẹp, khiến tàu cá ra vào cảng thường xuyên đối mặt với sự mất an toàn, nhiều tàu đã gặp nạn.

img
Tàu cá ra vào cảng Thuận An có thể gặp nạn bất cứ lúc nào do luồng chạy tàu quá hẹp và cạn.

Anh Nguyễn Tuấn - chủ tàu xa bờ ở thị trấn Thuận An cho biết, luồng chạy tàu ở cảng theo thông báo rộng 60m nhưng thực tế chỉ rộng 20-30m do bị bồi lấp nặng, chiều sâu của luồng nhiều chỗ chỉ khoảng 1m. Theo anh Tuấn, luồng chạy tàu không đảm bảo nên ngư dân thường cho tàu ra vào cảng trong tâm trạng sợ hãi và trông chờ vào vận may.

“Luồng chạy tàu như cái bẫy nên chỉ cần thiếu may mắn là tàu bị mắc cạn và bị sóng đánh chìm ngay lập tức. Vào ban đêm càng nguy hiểm bội phần do quan sát bị hạn chế”- anh Tuấn nói.

Ông Nguyễn Xuân Hải - Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết, vì luồng chạy tàu bị bồi lấp nặng nên mỗi khi vào cảng, ngư dân thường điều khiển tàu men theo bờ biển để vào, hoặc chờ đến khi có thủy triều mới dám cho tàu vào. Đã có rất nhiều trường hợp tàu cá vào đến cửa biển nhưng không thể cập cảng phải quay ra để cập cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc) hoặc cảng Đà Nẵng, chi phí đánh bắt vì thế bị đội lên rất cao. Nhiều tàu do bất chấp nguy hiểm để vào cảng Thuận An nên đã bị mắc cạn khiến tàu bị chìm, gây thiệt hại lớn về người và của.

Luồng chạy tàu cảng Thuận An cạn và hẹp không chỉ là hiểm họa đối với hàng nghìn tàu cá, mà còn là nguyên nhân khiến lượng tàu hàng cập cảng giảm mạnh. Do đó, từ lượng hàng hóa thông qua cảng đạt trung bình 250 nghìn tấn/ năm giai đoạn 2001 - 2006, nay giảm xuống chỉ còn 50 nghìn tấn/ năm.

Nạo vét không hiệu quả

Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, từ năm 2007 đến nay, luồng chạy tàu của cảng Thuận An đã rất nhiều lần được Cục Hàng hải Việt Nam đầu tư nạo vét, kinh phí mỗi lần lên đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, sau mỗi lần nạo vét, luồng cảng lại cạn như cũ, nên lãng phí rất lớn.

Cuối năm 2010, Cục Hàng hải Việt Nam đầu tư hơn 4 tỷ đồng nạo vét, luồng chạy tàu của cảng rộng 60m, sâu trên 3,5m, đủ điều kiện cho tàu 1.000 tấn vào cảng, nhưng ngay sau đó luồng cảng lại bị bồi lấp nặng.

Ông Nguyễn Xuân Hải cho rằng, nguyên nhân của tình trạng luồng chạy tàu cảng Thuận An nạo vét xong lại cạn là do giải pháp nạo vét chưa ổn. “Giờ muốn nạo vét hiệu quả thì phải nghiên cứu kỹ, nạo vét phải rộng, mặt khác hai bên bờ biển cả phía thị trấn Thuận An và xã Hải Dương đều phải được kè chống sạt lở”- ông Hải nói. Cũng theo ông Hải, cát nạo vét từ luồng cảng không nên đổ ra cửa biển như thời gian qua, vì như vậy cát sẽ bị sóng đánh lấp vào luồng chạy tàu.

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Ân Định - Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế cho biết, việc nạo vét luồng chạy tàu của cảng Thuận An do Cục Hàng hải Việt Nam và Tổng Công ty Bảo đảm hàng hải Việt Nam thực hiện, đơn vị của ông không tham gia. “Luồng chạy tàu ở đây được nạo vét nhiều, nhưng nạo vét xong lại bị bồi lấp là do trời, do đất, làm sao nói được”- ông Định cho hay.

Về tình trạng nhiều tàu cá của ngư dân gặp nạn do mắc cạn khi ra vào luồng cảng, ông Định giải thích là do ngư dân đi liều, đi ẩu, bởi “thời tiết xấu vẫn xách tàu mà đi là bị thôi”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem