Lương công chức có thể đạt 10 triệu đồng/tháng
Tại Hội thảo, đại diện Bộ Nội vụ, ông Đoàn Cường - Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ đưa ra nhiều phương án cải cách ở từng hợp phần, gồm: Mức lương tối thiểu; quan hệ lương tối thiểu, trung bình, tối đa; thang bảng lương và các chế độ phụ cấp, cơ chế quản lý lương…
|
Cải cách tiền lương sẽ sớm giúp công chức yên tâm công tác. |
Về lương tối thiểu khối công chức viên chức, điểm nhấn đặc biệt của Bộ Nội vụ là đề xuất mức lương này không thấp hơn mức của lao động trong các doanh nghiệp trên cùng địa bàn.
Chẳng hạn công chức vùng 4 sẽ có mức lương tối thiểu là 1,4 triệu đồng (thay vì 1.050.000 đồng như hiện nay) nhân với hệ số (ví dụ hưởng hệ số 3,33 thì nhân với 1,4 triệu đồng). Nếu mức lương này được tán thành, công chức ở vị trí trung bình ở Hà Nội có thể đạt 8-10 triệu đồng/tháng (hệ số từ 4-5 nhân với lương tối thiểu 2.000.000 đồng vùng 1), cao gấp đôi hiện nay.
Về khoảng dãn cách lương tối thiểu - trung bình - tối đa, Bộ Nội vụ đề xuất 2 phương án: 1-3,2-15 và 1-3,5-15 (hiện hành là 1-2,34 và 10). Nghĩa là sinh viên đại học mới ra trường sẽ hưởng hệ số lương ban đầu là 3,5 (thay vì 2,34) và nhân với lương tối thiểu. Về thang bảng lương, Bộ Nội vụ đưa ra phương án tách riêng 2 nhóm là: Lương dành có cán bộ công chức giữ các chức danh lãnh đạo và lương cho công chức chuyên môn, nghiệp vụ. Mỗi nhóm lại có 2 cách tính lương khác nhau
Tuy nhiên, điểm đề xuất gây chú ý và gây tranh cãi nhiều nhất là về quản lý tiền lương và thu nhập. Bộ này đề xuất xây dựng 3 loại hình dịch vụ sự nghiệp: Loại dịch vụ từng bước tính đủ lương và các chi phí khác; loại dịch vụ tính đủ ngay tiền lương và các chi phí khác; loại tính đủ ngay cả lương, chi phí và tài sản cố định.
Về đề xuất này, rất nhiều ý kiến lo ngại bởi hiện nay, lương giáo viên, nhân viên y tế do ngân sách chi trả, nếu chuyển khoản chi này vào giá dịch vụ, chắc chắn giá viện phí, học phí sẽ tăng bất thường, quá khả năng chi trả của người dân. Vì vậy, phương án cải cách này cần phải được bàn thảo kỹ lưỡng.
Tranh cãi về lương của lao động
Tại Hội thảo, vấn đề lương tối thiểu cho người lao động trong khối doanh nghiệp cũng được đặt ra. Về phía Bộ LĐTBXH, ông Hoàng Minh Hào - Vụ trưởng Vụ Lao động Tiền lương cho biết, quan điểm xây dựng lương tối thiểu của Bộ là mức trả cho lao động giản đơn làm trong điều kiện bình thường, đảm bảo mức sống tối thiểu cho họ.
Theo Bộ Nội vụ, trong 10 năm (từ 2003-2012), Chính phủ đã có 8 lần điều chỉnh tăng lương cho công chức, viên chức: Từ 210.000 lên 1.050.000, tăng 400%, cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (154%). Tuy vậy, mức lương tối thiểu hiện hành (1.050.000 đồng) mới chỉ đạt 37,5% nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.
Còn với lao động có trình độ thì chủ sử dụng và lao động sẽ thoả thuận về tiền lương. Bộ này cũng sẽ xây dựng lương tối thiểu theo ngành (ngành độc hại lương sẽ cao hơn), theo giờ (cho lao động tự do, làm việc ngắn hạn…). Hình thành hội đồng tiền lương quốc gia (3 bên, trong đó có đại diện lao động) để xác định lương tối thiểu. Và theo lộ trình tiền lương, mỗi năm mức lương tối thiểu này sẽ được tăng theo tỷ lệ nhất định.
Tuy nhiên, các đề xuất cải cách này vẫn chưa được các đại biểu tán thành. Ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam đặt câu hỏi: Lương tối thiểu giờ có đảm bảo đủ sống tối thiểu không, thế nào là sống tối thiểu, cần phải làm rõ. Còn đại diện UBTVQH thì cho rằng Bộ LĐTBXH vẫn chưa làm rõ được vấn đề tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước, có nhiều doanh nghiệp lỗ nhưng lao động, nhất là lãnh đạo doanh nghiệp lương vẫn cao. Chẳng hạn như Tập đoàn Điện lực. Vì vậy, cần có phương án cải cách việc quản lý tiền lương trong khối doanh nghiệp nhà nước.
Hiện các phương án đang được tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến để xây dựng Đề án tổng thể cải cách chính sách tiền lương, BHXH và trợ cấp ưu đãi người có công tới năm 2020 để trình Hội nghị T.Ư 7 khoá XI.
Lê Huyền - Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.