Lương 3 triệu đồng/tháng
Trong nhiều năm trở lại đây, dư luận không còn “sốc” với mức lương mà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) - Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai nhận được. Sau một năm lao động quần quật, Cường đô la chỉ được trả 36 triệu đồng/năm, tương đương 3 triệu đồng/tháng.
2014 cũng vậy, Cường đô la và các lãnh đạo cấp cao của Quốc Cường Gia Lai không hề được tăng lương. Theo báo cáo thường niên 2014 của Quốc Cường Gia Lai, mặc dù kiêm nhiệm cả chức danh thành viên Hội đồng quản trị, Cường đô la vẫn chỉ nhận được 3 triệu đồng/tháng.
Cùng nhận mức lương bèo bọt 3 triệu đồng/tháng như Cường đô la là ông Lại Thế Hà, thành viên Hội đồng quản trị Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc, ông Hà Việt Thắng, bà Đặng Phạm Minh Loan, hai thành viên Hội đồng quản trị và bà Đặng Thị Bích Thủy, Trưởng ban kiểm soát.
Hai thành viên Ban kiểm soát là bà Nguyễn Thị Diệu Phương, ông Nguyễn Đa Thời thậm chí còn nhận mức lương thấp hơn chỉ 2 triệu đồng/người/tháng.
Cường đô la tiếp tục nhận lương 3 triệu đồng/tháng
Là người đứng đầu công ty Quốc Cường Gia Lai khi kiêm nhiệm hai vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc nhưng thù lao mà bà Nguyễn Thị Như Loan, mẹ Cường đô la nhận được còn khiêm tốn hơn mức lương trung bình của nhân viên ngân hàng nhỏ.
Cụ thể, trong năm 2014, thù lao của bà Như Loan chỉ là 7 triệu đồng/tháng, tương đương 84 triệu đồng/tháng.
Bảng lương bèo bọt của thành viên Hội đồng quản trị và ban kiểm soát Quốc Cường Gia Lai không có chút thay đổi nào trong nhiều năm qua.
Đây là mức lương khá phù hợp với tình hình lợi nhuận của công ty. Dù có số vốn ngàn tỷ nhưng trong những năm gần đây, lợi nhuận sau thuế của Quốc Cường Gia Lai rất khiêm tốn, chỉ đạt 7,8 tỷ đồng, 14,8 tỷ đồng và 32,9 tỷ đồng trong các năm 2012, 2013 và 2014.
So với “đồng hương” Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai có mức lương ở “đẳng cấp” hoàn toàn khác so với công ty của bầu Đức. Trong khi Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai chỉ nhận 84 triệu đồng/năm thì thù lao của bầu Đức là 5,58 tỷ đồng.
Gỡ “bom” nợ ngắn hạn
Mặc dù không có động thái tích cực là tăng lương cho dàn lãnh đạo nhưng công ty nhà Cường đô la đã có bước tiến mới trong việc gỡ “bom” nợ ngắn hạn. Nhiều năm trở lại đây, Quốc Cường Gia Lai luôn “dính” liền với “bom” nợ ngắn hạn – những khoản nợ “khủng” phải chi trả trong khoảng thời gian ngắn ngủi.
Nhưng trong năm 2014, Quốc Cường Gia Lai cơ cấu lại nợ. Tại thời điểm cuối năm, khoản vay ngắn hạn đến hạn phải trả giảm mạnh từ 169 tỷ đồng hồi đầu năm xuống 56 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm. Tổng nợ ngắn hạn của Quốc Cường Gia Lai điều chỉnh giảm xuống 115,3 tỷ đồng thay vì con số 222,5 tỷ đồng.
Nợ ngắn hạn cũng giảm từ 1.804,4 tỷ đồng xuống 1.706,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điểm đáng nói ở đây chính là Quốc Cường Gia Lai giảm nợ không phải do có đủ tiền mặt thanh toán nợ mà do dùng cổ phiếu cấn trừ công nợ. Cuối năm 2014, Quốc Cường Gia Lai đã phát hành 145 triệu cổ phiếu QCG nhằm chuyển đổi trái phiếu và cấn trừ công nợ.
Tổng cổng đã có 20 nhà đầu tư được phân phối cổ phiếu. VOF Limited là nhà đầu tư tổ chức duy nhất được nhận 17 triệu cổ phiếu nhằm chuyển đổi trái phiếu. Còn lại là các cá nhân là "chủ nợ" của Quốc Cường Gia Lai.
2 cá nhân nhận cổ phiếu với số lượng lớn nhất là bà Như Loan (41,3 triệu cổ phiếu) và con gái là Nguyễn Ngọc Huyền My (39 triệu cổ phiếu). Tổng số lượng cổ phiếu bà Loan và Huyền My nhận được đạt 80,3 trriệu đơn vị.
Với mức giá cấn trừ công nợ 10.000 đồng/cổ phiếu, giá trị cổ phiếu mà bà Loan và con gái nhận được có giá trị lần lượt 413 tỷ đồng và 390 tỷ đồng.
Với “cuộc cách mạng này”, Nguyễn Ngọc Huyền My, em gái Cường đô la từ vị thế cổ đông nhỏ lẻ đã vươn lên thành cổ đông lớn của Quốc Cường Gia Lai với tỷ lệ sở hữu 14,32%. Cường đô la ngày càng yếu thế so với em gái trong công ty của gia đình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.