Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội sáng 31.10, sau khi đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nêu câu chuyện tiền lương hưu của cô giám mầm non Trương Thị Lan (Hà Tĩnh) để nói mức lương hưu thấp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đã giơ biển đề nghị tranh luận.
Ông Lợi cho biết, cô giáo Lan đi dạy 37 năm, nhưng chỉ có 22 năm 8 tháng đóng bảo hiểm (trước đó cô Lan đi dạy theo hình thức tự nguyện và hưởng theo mức đóng góp công điểm của người dân). Với trên 22 năm công tác, mức lương đóng bảo hiểm 1,8 triệu đồng/tháng, tỷ lệ tính lương hưu là 69% mức lương đóng bảo hiểm, nên lương hưu của cô giáo Lan thực chất chỉ được gần 1.270.000 đồng.
"Quốc hội chúng ta rất sáng suốt khi quy định tất cả người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi về hưu mà mức lương thấp hơn mức lương cơ sở thì được tính bằng lương cơ sở. Nên chị Lan được cấp bù thêm 37.000 để được 1,3 triệu đồng", ông Lợi thông tin.
Khẳng định tiền lương cô giáo Lan thấp "không phải do chúng ta làm sai", tuy nhiên lãnh đạo Ủy ban Các vấn đề xã hội cho rằng mức lương này không đủ sống, không thu hút người dân tham gia đóng bảo hiểm xã hội.
Ông Lợi thông tin Luật bảo hiểm xã hội 2014 cải cách theo hướng đóng bảo hiểm xã hội cao thì hưởng lương hưu cao, đồng thời nâng mức đóng trên tổng mức lương và tăng thời gian đóng (nữ là 30 năm, nam là 35 năm) để được hưởng đủ 75% mức lương đóng bảo hiểm khi về hưu.
Sau khi về hưu cô Lan phải làm 7 sào ruộng kiếm sống. Ảnh Hữu Anh.
Trao đổi với báo giới sáng 30.10, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng "các thầy cô hy sinh gần như cả đời, bây giờ về hưu được 1,3 triệu đồng thì sống sao được".
Theo Bộ trưởng Nhạ, trường hơp cô Lan không cá biệt mà phổ biến do thang bảng lương của ngành thấp so với yêu cầu. Bộ đang làm việc với các bộ Nội vụ, Tài chính để các thầy cô được đãi ngộ phù hợp, tạo động lực. Trong sửa Luật Giáo dục tới đây, vị trí của thầy cô phải xứng đáng với yêu cầu, nhiệm vụ.
Trước đó, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lê Duẩn (Hà Tĩnh) đã đăng trên mạng xã hội câu chuyện cô giáo Trương Thị Lan về hưu sau 37 năm công tác nhận lương 1,3 triệu đồng.
Chia sẻ với báo chí sau đó, cô Lan cho biết, khi nhận quyết định về hưu với mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng từ tay nhân viên kế toán "tôi ngã khuỵu xuống nền nhà, nước mắt giàn giụa. Các đồng nghiệp có mặt lúc đó cũng không cầm được nước mắt bèn ôm tôi khóc”.
Câu chuyện của cô Lan đã nhận được nhiều chia sẻ. Trong khi cơ quan bảo hiểm xã hội cho rằng mức lương của cô Lan như vậy là đúng do thời gian đóng bảo hiểm xã hội ít (22 năm 8 tháng) và mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp.
Cách tính lương hưu
Mức lương hưu của người lao động = Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x tỷ lệ % hưởng lương hưu (căn cứ vào thời gian đóng BHXH)
Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định lộ trình tăng dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để hưởng lương hưu tối đa. Cụ thể từ 1.1.2018, lao động nữ nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng BHXH tăng thêm 2%; đóng đủ 30 năm được hưởng lương hưu tối đa 75% thay vì 25 năm như hiện nay.
Lao động nam nghỉ hưu trong năm 2018 đóng đủ 31 năm BHXH hưởng lương hưu tối đa 75% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Nếu lao động nam nghỉ hưu từ năm 2019, 2020, 2021 và 2022 trở đi phải đóng tương ứng từ 32 đến 35 năm BHXH mới được hưởng 75%.
|
Võ Hải (VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.