Luồng lạch Cửa Việt bị bồi lấp “bóp nghẹt” kinh tế Quảng Trị

Ngọc Vũ Thứ hai, ngày 28/08/2017 13:00 PM (GMT+7)
Đã có nhiều nhà đầu tư đến Quảng Trị nhưng lại lắc đầu bỏ đi vì luồng lạch Cửa Việt cạn chỉ 1,2 mét, tàu khó lòng vào cảng vận chuyển hàng hóa. Có thể nói, Quảng Trị là tỉnh khó khăn về kinh tế, nay còn bị “bóp nghẹt” bởi luồng lạch vào cảng bị bồi lấp.
Bình luận 0

Luồng chính vào cảng biển chỉ 1,2 mét

Vai trò của cảng biển được cả thế giới công nhận là vô cùng quan trọng. Trên thế giới có rất nhiều cảng biển lớn như cảng Thượng Hải (Trung Quốc), cảng Singapore (Singapore), Cảng Jebel Ali - Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất… Ở Việt Nam có cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn… Những nơi có cảng biển lớn, thuận lợi đều góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển.

img

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra cảng Cửa Việt và cho rằng Bộ GTVT cần trao quyền cho tỉnh để chủ động nạo vét, duy tu cảng được tốt hơn. Ảnh: Ngọc Vũ

Thế nhưng, tại Quảng Trị - điểm đầu của tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây với rất nhiều lợi thế lại có cảng biển Cửa Việt chưa được quan tâm đúng mức, làm giảm tiềm năng vốn có của cảng.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, những năm gần đây tỉnh tích cực kêu gọi đầu tư bằng nhiều chính sách ưu đãi. Đã có nhiều nhà đầu tư đến Quảng Trị tìm hiểu nhưng lại lắc đầu bỏ đi vì luồng lạch vào cảng Cửa Việt bị bồi lấp, tàu lớn không thể cập cảng vận chuyển hàng hóa.

“Đầu tư sản xuất mà không có cảng để vận chuyển hàng hóa xuất đi bán buôn nên nhà đầu tư lắc đầu bỏ đi là điều dễ hiểu” – ông Đồng nói.

Ông Đỗ Hùng Đức, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quảng Trị cho biết, tại Cửa Việt hiện nay có hai luồng cảng, một luồng chính là luồng hàng hải theo chuẩn tắc thiết kế của Cục hàng hải (Bộ GTVT) và một luồng tự nhiên hình thành vào khoảng năm 2013.

Ông Đức cho hay, chuẩn tắc thiết kế luồng hàng hải Cửa Việt rộng 60 mét, sâu 5,6 mét nhưng hiện nay luồng cảng này chỉ sâu 1,2 mét. Với độ sâu này thì tàu cá, tàu hàng và tàu công vụ của lực lượng biên phòng, cảnh sát biển… đóng trên địa bàn Quảng Trị không thể lưu thông trong nhiều năm qua. Dự án nạo vét luồng vào cảng Cửa Việt thuộc dự án của công ty cổ phần đầu tư BKG (BKG) hiện nay đang thực hiện quá chậm chạp.

“Dù đã được gia hạn đến 30.9 nhưng với tiến độ thực hiện chậm như hiện nay của BKG thì dự án này khó lòng hoàn thành đúng hạn” – ông Đức nói.

Theo nhận định của các chuyên gia tại Quảng Trị, hết tháng 9 đến mùa mưa bão, nếu dự án nạo vét của BKG không hoàn thành thì cảng Cửa Việt đứng trước nguy cơ bị “đóng băng”, không một tàu nào có thể ra vào.

Cần nạo vét những điểm cạn cục bộ

Không thể di chuyển bằng luồng chính chỉ sâu 1,2 mét, tàu thuyền ở Cửa Việt phải tìm cách di chuyển ở luồng tự nhiên có một số điểm cạn khá nguy hiểm.

Ngư dân Đoạn Văn Dũng (thị trấn Cửa Việt, Gio Linh, Quảng Trị) có con tàu vỏ thép đóng theo nghị định 67 cho biết, không thể di chuyển tàu cá của mình trên luồng chính mà phải chờ thủy triều lên rồi mon men theo luồng tự nhiên để ra vào cảng. Chính vì điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý ngư dân khi vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ tổ quốc.

img

Luồng vào cảng Cửa Việt bị bồi lấp khiến tàu Trung Thành 05 thuộc công ty TNHH thương mại và dịch vụ vận tải tàu biển Trung Thành bị mắc cạn vào năm 2015 khi chở 1.300 tấn tinh bột sắn. Ảnh: Ngọc Vũ

Trung tá Nguyễn Đức Tuyên, Hải đội trưởng Hải đội 202, Bộ tư lệnh vùng cảng sát biển 2 cho biết, tàu cảnh sát biển của đơn vị có mớn nước 3,15 mét nên không thể di chuyển ở luồng chính được vì sẽ bị mắc cạn. Trước khi ra vào cảng, chiến sĩ hải đội phải dùng tàu nhỏ cùng thiết bị đo độ sâu ở luồng tự nhiên, lập nên một bản hành trình mới dám xuất phát. Luồng cảng Cửa Việt quá cạn gây khó cho việc cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Theo trung tá Tuyên, vận tải biển có chi phí rẽ, an toàn, bảo vệ môi trường… Kinh tế của Quảng Trị có cải thiện hay không phụ thuộc lớn vào cảng biển. Vì vậy, việc nạo vét luồng cảng Cửa Việt là vô cùng quan trọng, cần được quan tâm đúng mức.

Hiện nay, Quảng Trị có khoảng 20.000 ha cao su, 5.000 ha cà phê chè, 68.000 ha rừng trồng sản xuất, bên cạnh đó còn có nhiều hàng hóa cần vận chuyển như thạch cao, than đá, xi măng… nên nhu cầu sử dụng vận tải biển là vô cùng lớn. Tiếc thay, đa số hàng hóa đều phải vận chuẩn vào cảng biển ở Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng hoặc Quảng Bình vì luồng Cửa Việt bị cạn.

img

Một góc cầu cảng số 3 của công ty Hợp Thịnh được Quảng Trị xây dựng theo hình thức xã hội hóa rất thành công, có thể đón tàu 5.000 đến 8.000 tấn nếu luồng vào cảng Cửa Việt thuận lợi. Ảnh: Ngọc Vũ

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, luồng lạch Cửa Việt bị bồi lấp đang gây bức xúc lớn bởi tỉnh đã quy hoạch 4 cầu cảng phục vụ vận chuyển hàng hóa nhưng tàu thuyền đi lại gặp khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế. Nguyên nhân do Bộ GTVT quản lý luồng hàng hải Cửa Việt nhưng lại chưa quan tâm đầu tư nạo vét, duy tu đúng mức. Theo ông Đồng, rất có khả năng việc nạo vét luồng chính sẽ không thể hoàn thành trước 30.9 nên trước mắt Cục Hàng hải thuộc Bộ GTVT và Cảng vụ hàng hải Quảng Trị cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cầu cảng tại Cửa Việt nạo vét những điểm cạn cục bộ ở luồng tự nhiên để tàu thuyền đi lại thuận lợi hơn. Về lâu dài, Bộ GTVT cần trao quyền quản lý luồng hàng hải Cửa Việt cho tỉnh để địa phương chủ động nạo vét, duy tu tốt hơn.

“Quảng Trị vừa thực hiện xã hội hóa thành công khi giao cho công ty TNHH MTV Hợp Thịnh xây dựng bến cảng biển số 3 đã đi vào hoạt động. Chúng tôi tin sau khi được trao quyền nạo vét, duy tu luồng cảng Cửa Việt thì tỉnh sẽ làm tốt” – ông Đồng nói.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cho biết, khi được trao quyền thì tỉnh sẽ thực hiện xã hội hóa bằng cách giao việc nạo vét, duy tu luồng cảng Cửa Việt cho doanh nghiệp có cầu cảng tại đó để gắn liền quyền lợi và trách nhiệm, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem