Được Tam quốc diễn nghĩa 'nâng lên mây', nhưng Lưu Bị thực chất là người giả nhân giả nghĩa?

Minh Nhật (theo Sgzhee) Chủ nhật, ngày 05/09/2021 07:00 AM (GMT+7)
Lưu Bị được ca ngợi hết lời trong "Tam quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung, nhưng một số người cho rằng, người sáng lập ra Thục Hán là kẻ đạo đức giả, giả nhân giả nghĩa.
Bình luận 0
Lưu Bị thực chất là người giả nhân giả nghĩa? - Ảnh 1.

Lưu Bị bị một số người chỉ trích là đạo đức giả, giả nhân giả nghĩa. Ảnh Yuwen360.

Theo Sgzhee, sở dĩ Lưu Bị bị một số người cho là "giả nhân giả nghĩa", đạo đức giả là vì trong "Tam quốc diễn nghĩa" ông... "khóc" quá nhiều, thậm chí nhờ "khóc" mà làm nên đại nghiệp.

Vì thế mới có câu mô tả việc Lưu Bị thường hay khóc lóc rằng: "Một là khóc vì chiếm Kinh Châu, hai là khóc vì nhân từ, chính nghĩa, ba là khóc để làm vua, bốn là khóc để bóp nghẹt dã tâm (nếu có) của Gia Cát Lượng".

Vậy, Lưu Bị có thực sự là kẻ giả nhân giả nghĩa như một số người chỉ trích hay không?

Theo Sgzhee, việc lấy sự hay "khóc lóc" của Lưu Bị để quy chụp ông là kẻ đạo đức giả là chưa đầy đủ.

Theo đó, năm 193, khi Tào Tháo mang quân tấn công Từ Châu báo thù cho cha, Lưu Bị đã mang quân đến cứu thứ sử Từ Châu Đào Khiêm. Sau đó không lâu, Đào Khiêm bị ốm nặng, cảm kích Lưu Bị liền phó thác cả Từ Châu cho ông. Từ đó có thể thấy trong lòng Đào Khiêm phải rất tin tưởng vào con người của Lưu Bị. Bởi chẳng ai lại giao cả cơ nghiệp của mình cho một kẻ giả nhân giả nghĩa.

Kiến An năm thứ 12, Tào Tháo đánh xuống phía Nam, công kích Kinh Châu. Thứ sử Kinh Châu là Lưu Biểu bệnh mất, Lưu Tông không đánh mà hàng, Kinh Châu lúc này ngàn cân treo sợi tóc, Lưu Bị không chống đỡ nổi nhưng không muốn bỏ chạy một mình, mà lựa chọn đưa bách tính trong thành cùng vượt sông tới Tương Dương nương náu.

Bách tính trong thành người già trẻ nhỏ, phải rời bỏ nhà cửa, tình cảnh vô cùng thê thảm. Lưu Bị đứng trên thuyền trông thấy cảnh này, vô cùng đau xót, không kìm được khóc lớn: "Chỉ vì ta mà bách tính rơi vào cảnh đại nạn như này, ta còn sống để làm cái gì!". Nói xong, Lưu Bị định quay người nhảy xuống sông.

Những người xung quanh vội vàng ngăn lại, khuyên Lưu Bị nên lấy đại nghiệp làm trọng, đừng coi nhẹ mạng sống như vậy. Lưu Bị tuy không chết, nhưng hành động của ông cũng đã cảm động được cả những người mạnh mẽ nhất. Nước mắt của Lưu Bị lúc này, không phải là yếu đuối, cũng không phải là sợ hãi, mà là sự đồng cảm với bách tính. Bách tính phải lưu lạc, Lưu Bị cảm thấy bất lực…

Lưu Bị thực chất là người giả nhân giả nghĩa? - Ảnh 2.

Lưu Bị trong tiểu thuyết "Tam quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung được mô tả là người nhân từ nhưng khá mềm yếu, hay... khóc nhè. Nhưng Lưu Bị thật trong lịch sử có giống trong tiểu thuyết hay không? Ảnh Sgzhee

Nước mắt của Lưu Bị, là nước mắt của kẻ nhân từ, mỗi một giọt đều có thể lay động lòng người. Rõ ràng, một kẻ đạo đức giả không thể nào khiến bách tính tình nguyện đi theo như vậy. Mà Lưu Bị đứng trước tình thế bị quân địch truy kích, lại mang theo hàng nghìn người dân, tốc độ di chuyển vì thế sẽ chậm chạp, rất có thể sẽ bị địch đuổi kịp. Nếu là kẻ giả nhân giả nghĩa, ông hoàn toàn có thể bỏ lại bách tính. Nhưng Lưu Bị đã không làm vậy.

Ông nói: "Nam tử hán muốn nên nghiệp lớn phải lấy dân làm gốc, nay người dân đều nguyện một lòng theo ta, ta làm sao có thể nỡ lòng bỏ họ mà đi!".

Theo "Lễ kí", quân tử gặp lợi không bỏ nghĩa, dù có chết cũng vẫn luôn trung thành", Lưu Bị chính là người như vậy.

Có rất nhiều ví dụ chứng minh rằng Lưu Bị không phải là một kẻ đạo đức giả. Một kẻ đạo đức giả, giả nhân giả nghĩa làm sao có thể giữ chân được Quan Vũ , Trương Phi, Triệu Vân hay người thông minh tuyệt đỉnh như Gia Cát Lượng?

Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", La Quán Trung đã mô tả Lưu Bị mềm yếu, hay khóc như vậy nhằm làm nổi bật hơn tính cách nhân từ của ông. Nhưng thực tế trong lịch sử, Lưu Bị là một anh hùng hào kiệt mạnh mẽ, khôn ngoan. Thụy hiệu "Chiêu Liệt đế" của Lưu Bị cũng đã nói lên tất cả. "Chiêu" là minh, là sáng suốt; liệt là mạnh mẽ, quyết liệt.

Khôn ngoan và mạnh mẽ, chính là hai tính từ để miêu tả Lưu Bị rõ nét nhất. Lưu Bị đầu quân cho Tào Tháo, Tào Tháo "đi cũng cho cùng kiệu, ngồi cũng ngồi cùng ghế", còn gọi Bị là "anh hùng thiên hạ".

Lưu Bị đầu quân cho Viên Thiệu, Viên Thiệu lập tức đích thân ra ngoài Nghiệp Thành nghênh đón. Lưu Bị đầu quân cho Lưu Biểu, Lưu Biểu tiếp đãi với lễ tiết của thượng binh, ngay cả các hào kiệt Kinh Châu cũng âm thầm đứng về phía của Lưu Bị.

Tào Tháo, Viên Thiệu, Lưu Biểu đều là những kẻ mạnh, từng nắm trong tay một phần thiên hạ, nhưng đều tôn trọng Lưu Bị đến như thế. Người như vậy, không thể nào là kẻ đạo đức giả, giả nhân giả nghĩa được.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem