Thoái vốn tại Gang thép Thái Nguyên sẽ gây thiệt hại lớn cho Nhà nước
Chiều 31.10, Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên Chính phủ. ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) tiếp tục chất vấn việc xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương. Trong đó, có việc chậm triển khai dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.
ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình). (Ảnh: Lê Hiếu)
Theo đó, văn bản kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ngày 19.12.2017 đã chỉ đạo việc thoái vốn khói dự án Gang thép Thái Nguyên trong quý I.2018. Tuy nhiên, thời gian đã bước sang quý IV.2018, hoạt động thoái vốn vẫn chưa được triển khai thực hiện.
“Sự chậm trễ ở đây là gì? Có lợi ích nhóm trong việc kéo dài quá trình cổ phần hóa tại Gang thép Thái Nguyên để trục lợi hay không? Việc xử lý vi phạm tại 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ có nghiêm minh không?”, ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Lê Hiếu)
Tiếp tục trả lời chất vấn về 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành công thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã dành phần lớn thời gian để trả lời vấn đề chậm triển khai dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận: “Dự án Gang thép Thái Nguyên đang có sự chậm trễ so với tiến độ chúng ta đặt ra cho dự án này. Nhưng việc này đã được xác định trong tiến độ thực hiện dự án là sẽ có nhiều vấn đề phức tạp. Có hai vấn đề lớn đặt ra với dự án Gang thép Thái Nguyên.
Một là các tranh chấp pháp lý, tương tự trường hợp của nhà máy Đạm Ninh Bình, có những tranh chấp pháp lý giữa Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL - PV) và Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO - PV) với tổng thầu EPC thực hiện dự án tới từ nước ngoài.
Thứ hai là câu chuyện thoái vốn Nhà nước khỏi Tổng công ty Thép Việt Nam, đơn vị chủ sở hữu của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, đồng thời là chủ dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2”.
Một góc dự án Gang thép Thái Nguyên. (Ảnh: I.T)
Đối với các tranh chấp pháp lý xảy ra tại dự án Gang thép Thái Nguyên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, có khả năng phải giải quyết bằng tranh chấp pháp lý quốc tế với tổng thầu. Bởi có nhiều vấn đề, tồn đọng xuyên suốt quá trình thực hiện dự án qua nhiều giai đoạn.
“Có rất nhiều việc làm không đúng với trách nhiệm của chủ đầu tư và tổng thầu trong quá trình thực hiện dự án”, ông Tuấn Anh cung cấp thông tin.
Về việc thực hiện thoái vốn Nhà nước khỏi Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt. Song sau khi có quyết định của Thủ tướng và văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo vấn đề này, Bộ Công Thương và Ban chỉ đạo Chính phủ về xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ kéo dài của ngành Công Thương đã rất tích cực rà soát, nhằm triển khai việc thoái vốn Nhà nước.
“Theo quy định pháp luật, lại vướng phải những vấn đề mới. Trong đó, có phần liên quan tới cam kết bảo lãnh của Tổng công ty Thép Việt Nam đối với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên trong dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Với khoản vay hơn 1.800 tỷ của Viettinbank.
Nếu chúng ta tiến hành thoái vốn sẽ gây thiệt hại lớn cho tài sản Nhà nước vì Tổng công ty Thép Việt Nam đã cam kết bảo lãnh 100% khoản vay này cho dự án. Giải quyết cho xong khoản giải chấp của Tổng Công ty Thép Việt Nam với khoản bảo lãnh của TISCO thì mới có thể tiến hành thoái vốn. Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo Chính phủ và xin phép triển khai phương án thoái vốn mới theo hướng đảm bảo thoái vốn đúng quy định luật pháp”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình thêm.
Công nhân gang thép Thái Nguyên kêu cứu
Trước đó, trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 27.10, ĐBQH Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cũng từng chia sẻ về dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.
ĐBQH Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên)
Cụ thể, công nhân lao động gang thép Thái Nguyên đã gửi tâm thư tới đoàn đại biểu Quốc hội Thái Nguyên, đề nghị với Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ đạo quyết liệt, dứt điểm việc thoái vốn nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương nhưng đến nay tiến độ triển khai còn quá chậm, không đạt hiệu quả, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của công ty và đời sống của công nhân lao động.
Giai đoạn 2 gang thép Thái Nguyên dừng từ năm 2013 đến nay, tính đến thời điểm 31.5.2018, công ty đã phải trả gốc và lãi là 1.313 tỷ đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, mỗi tháng công ty phải trả cho ngân hàng khoảng 47 tỷ đồng.
“Đây là số tiền rất lớn đang phải gánh trên vai của công nhân lao động. Thực tế, về sản xuất kinh doanh, trong những năm qua, công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất ổn định, có lợi nhuận, lợi nhuận lũy kế đến nay là 155 tỷ, lãi năm 2016 là 207 tỷ, lãi năm 2017 là 109 tỷ, lãi năm 2018 dự kiến trên 100 tỷ đồng. Từ năm 2013 đến nay, công ty đã nộp ngân sách 1961,8 tỷ đồng, ổn định việc làm thu nhập cho 5000 lao động và góp phần ổn định đời sống khoảng 20000 người trong gia đình họ. Ngoài ra, công ty còn liên doanh hợp tác cung ứng dịch vụ với hơn 500 doanh nghiệp trong nước, với hơn 30000 lao động”, ĐBQH Hoàng Văn Hùng nói.
Theo đại biểu Hùng, tại buổi tiếp xúc cử tri, đại diện cho 5.000 công nhân lao động công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, đã tha thiết đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện ngay việc thoái vốn nhà nước để công ty còn có cơ hội chủ động kêu gọi nhà đầu tư hợp tác với công ty chủ động xử lý giai đoạn 2, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục thực hiện hoàn thành dự án.
“Nếu tiếp tục kéo dài một thời gian nữa, có lẽ công nhân lao động Gang thép Thái Nguyên không còn cơ hội để kiến nghị”, ĐBQH Hoàng Văn Hùng nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.