Lý do đưa tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Thị Lệ trở thành doanh nhân quyền lực

Nguyên Phương Thứ tư, ngày 25/09/2019 06:00 AM (GMT+7)
Hai nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo và Trần Thị Lệ đều có những triết lý khác biệt đối với ngành kinh doanh đã tạo nên thương hiệu cho bản thân họ cũng như doanh nghiệp họ đang điều hành: Vietjet Air và NutiFood.
Bình luận 0

img

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo và Trần Thị Lệ lọt vào danh sách 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2019.

Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2019 (Asia's Power Businesswomen). Trong đó, Việt Nam có 2 đại diện là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nhà sáng lập và CEO hãng hàng không Vietjet và bà Trần Thị Lệ, CEO NutiFood.

Theo giới thiệu của Forbes, trong khi phụ nữ từ lâu đã tham gia vào ngành hàng không với tư cách là phi công, thậm chí là CEO của các hãng hàng không, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã làm nên lịch sử trong ngành kinh doanh thường dẫn dắt bởi nam giới này. Bà Thảo là người phụ nữ duy nhất thành lập và điều hành một hãng hàng không riêng.

Hiện tại, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam và nữ tỷ phú tự thân giàu nhất Đông Nam Á với tài sản 2,5 tỷ USD.

Còn bà Trần Thị Lệ là Tổng Giám đốc kiêm phó chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm dinh dưỡng NutiFood, công ty dẫn đầu thị trường nội địa về dòng sữa đặc trị.

Cả hai nữ doanh nhân đều đã trải qua một chặng đường khởi nghiệp dài, trước khi vươn tới thành công. Đặc biệt, cả hai đều thể hiện những góc nhìn khác biệt về ngành kinh doanh đã tạo nên thương hiệu cho bản thân họ cũng như doanh nghiệp họ đang điều hành.

Nguyên tắc "4 xin, 4 luôn" của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air

Hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air được tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và các cộng sự thành lập năm 2007, hiện đã lớn hơn cả Vietnam Airlines về số lượng hành khách vận chuyển.

Theo đó, mấu chốt thành công của Vietjet Air là bán vé với giá rẻ. Chi phí vận hành tính theo số ghế cung ứng trên mỗi km của Vietjet là 2,3 cent – mức được đánh giá là hiệu quả trong ngành. Con số này của AirAisa là 3,1 cent. Vietjet nhắm tới việc thu hút được nhiều hành khách hơn nữa khi họ đón dòng máy bay Airbus A321neo.

Những năm gần đây, khi thị trường chung của ngành hàng không có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, còn miếng bánh thị phần cũng bị chia nhỏ bởi sự xuất hiện của Bamboo Airways – hãng hàng không do ông Trịnh Văn Quyết sáng lập, Viejet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu khá ấn tượng nhờ dịch vụ phụ trợ.

Theo đó, sau 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu từ vận chuyển hành khách của Vietjet đạt 18.984 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu phụ trợ vận chuyển hàng không (ancillary) bao gồm suất ăn và hàng lưu niệm, đạt 5.429 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu từ sự gia tăng vận chuyển hành khách các tuyến quốc tế. Tỷ trọng doanh thu phụ trợ chiếm 27% trong tổng doanh thu vận tải hàng không của Vietjet.

Theo báo cáo CarTrawler YearBook 2019 với dữ liệu thống kê từ báo cáo tài chính kiểm toán của hơn 100 hãng hàng không thế giới, hãng bay của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đang giữ vị trí thứ 12 về tỷ lệ doanh thu phụ trợ trong tổng doanh thu vận tải hàng không.

img

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.

Không chỉ xây dựng hình ảnh bản thân thông qua những bước phát triển của Vietjet Air, mà tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng khiến nhiều người ấn tượng bởi những nhìn nhận của bà về cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

"Chúng tôi huy động nhân viên luôn học tập 4 xin, 4 luôn. 4 xin là xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép và 4 luôn là luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ. Dù trong cuộc cách mạng 4.0 sẽ không còn nhân lực để thực hiện 4 xin, 4 luôn nhưng người làm dịch vụ vẫn phải học tập và làm sao dạy cho máy cũng phải biết cười”, Bà Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ.

Theo bà Thảo, không phải công nghệ làm thay đổi thế giới mà là ước mơ của con người, bởi công nghệ vẫn là công cụ, được tạo ra bởi suy nghĩ con người.

Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, bà Thảo nhấn mạnh rằng, đừng tiết kiệm giấc mơ, thay vào đó, hãy mơ ước và hành động để hiện thực hóa nó.

"Trong mỗi hành động, quyết định của mình hãy them vào đó yếu tố số hóa, tự động hóa, tinh thần của cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất lao động. Như vậy, làn sóng 4.0 sẽ không làm mất đi công việc, thay vào đó, nó tạo ra việc làm mới, giảm đi những lao động chân tay và mang lại giá trị to lớn không chỉ cho cá nhân mà còn cho xã hội”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết.

Với ngành hàng không, bà Thảo cho rằng, Một sân bay thời 4.0, có thể không còn người phục vụ, do vậy, dù vẫn phổ biến tinh thần biết cảm ơn, xin lỗi cho nhân viên nhưng phải dạy cho máy móc biết cười.

Lấy chữ “Tâm” để xây dựng “Tầm”

Trái ngược với tưởng tượng về một nữ tướng đầy quyền lực, những cuộc trò chuyện của Tổng giám đốc Nutifood Trần Thị Lệ thường đem lại cho người nghe ấm áp, gần gũi.

“Từ nhỏ tôi đã có một mơ ước là làm sao để đóng góp được cho xã hội, cho cộng đồng”, bà Trần Thị Lệ tâm sự.

Vốn là bác sĩ, từ nhỏ, bà Trần Thị Lệ đã nuôi ước mơ được làm gì đó để có đóng góp cho xã hội và cộng đồng. May mắn, trước khi tốt nghiệp đại học ngành y khoa, bà được một người thầy dạy rằng việc điều trị bệnh rất quan trọng nhưng phòng bệnh cũng quan trọng không kém.

“Ra trường, khi được mời về làm việc tại cơ sở thực phẩm Đồng Tâm, tiền thân của NutiFood và làm việc trong lĩnh vực về dinh dưỡng cộng đồng, tôi rất vui”, Bà Trần Thị Lệ cho biết.

img

Bà Trần Thị Lệ.

Tại đây, vị CEO sau này của NutiFood mong ước sản xuất những sản phẩm có thể đóng góp vào sự phát triển về thể chất, trí tuệ cho trẻ em Việt Nam, để có nhiều thế hệ trẻ cao lớn, khỏe mạnh, thông minh, thật sự đóng góp cho sự phát triển trong tương lai của đất nước.

Bà Trần Thị Lệ cho biết, khi bước chân vào cơ sở thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm, bản thân bà được truyền cảm hứng bởi lịch sử hình thành, quá trình phát triển của NutiFood, xuất phát từ câu chuyện nhân văn thông qua chiếc máy xay sinh tố ở trong bệnh viện.

“Tôi nhớ, những năm 90, mỗi buổi sáng tại bệnh viện nhi TP.HCM, cứ 8-10 em điều trị bệnh thì có đến 2-3 tử vong, nguyên nhân các bé không có đủ dinh dưỡng đáp ứng với bệnh tật, để lành vết thương sau điều trị.

Để khắc phục thực trạng này, một vị bác sĩ khi ấy đã dùng chiếc máy xay sinh tố để xay nhuyễn nhiều loại thực phẩm, bỏ men tiêu hóa vào giúp nuôi ăn cho các em qua ống thông dạ dày. Việc làm tưởng chừng rất đơn giản ấy cùng với tâm huyết của chị đã giúp cứu sống hàng ngàn trẻ em lúc bấy giờ. Sau này vị bác sĩ ấy cũng chính là người sáng lập ra NutiFood và tôi may mắn có cơ hội làm việc và học hỏi rất nhiều từ vị bác sĩ đặc biệt này”.

Và câu chuyện nhân văn về chiếc máy xay sinh tố cũng là khởi nguồn cho triết lý kinh doanh mà bà Trần Thị Lệ kiên định theo đuổi cho đến ngày hôm nay. Đó là  "Mỗi sản phẩm làm ra không phải để tìm kiếm lợi nhuận, mà trước hết, phải đáp ứng được những về nhu cầu dinh dưỡng của cộng đồng”.

Từ năm 2013, khi trở thành cổ đông lớn của Nutrition Food, bà Trần Thị Lệ cùng chồng là ông Trần Thanh Hải đã đưa NutiFood trở thành nhà sản xuất sản phẩm dinh dưỡng từ sữa hàng đầu của Việt Nam.

Năm 2018, doanh thu của công ty đã tăng gấp 3 lần lên 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế lên tới 828.000 tỷ đồng. NutiFood hiện vận hành 4 nhà máy tại Việt Nam, sản xuất hầu hết các sản phẩm sữa như sữa bột trẻ em và thực phẩm bổ sung khác.  

Vợ chồng bà Trần Thị Lệ đặt mục tiêu mở rộng NutiFood ra ngoài Việt Nam bằng cách đầu tư ra nước ngoài thông qua liên doanh, sáp nhập và mua lại. Gần đây, NutiFood đã thành lập một liên doanh với công ty Asahi của Nhật Bản để cung cấp thực phẩm bổ sung và các sản phẩm dành cho trẻ em tại Việt Nam dưới thương hiệu Wakodo NutiFood.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem