Không như chính quyền Mỹ Donald Trump, Nga không quá bận tâm trước nguy cơ Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân.
4.7 được xem là ngày tồi tệ đối với chính sách Triều Tiên của Mỹ không chỉ bởi đây là ngày Bình Nhưỡng phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Ngày 4.7 còn có một cuộc họp tại Moscow giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong cuộc họp, 2 lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã thống nhất ủng hộ nỗ lực giảm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiêu bằng đề xuất Triều Tiên ngừng phát triển tên lửa, hạt nhân, đổi lại Mỹ và Hàn Quốc phải ngừng các cuộc tập trận quân sự chung khiêu khích Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, Mỹ tiếp tục cương quyết chọn cách tiếp cận khác, hối thúc Bắc Kinh giúp kiềm chế Triều Tiên trong suốt nhiều tháng. Cho đến uần trước sau khi chính quyền Trump kết luận, Bắc Kinh làm quá ít để ngăn chặn chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên, Washington quyết định trừng phạt các công ty và một số cá nhân Trung Quốc làm ăn với Bình Nhưỡng.
Ngoài ra, chính quyền Trump cũng nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ của Nga để ngăn chặn tham vọng tên lửa hạt nhân của nhà lãnh đạo Kim Jong-un song Moscow thực tế, không mấy bận tâm về mối đe dọa đến từ Triều Tiên.
Lý do Nga không "sốt sắng" kiềm chế Triều Tiên như Mỹ mong muốn là vì Moscow tin rằng, giải pháp duy nhất để giải quyết khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên là phải đàm phán với chính quyền Bình Nhưỡng và đảm bảo an toàn cho chế độ Kim Jong-un.
Moscow ủng hộ việc ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên nhưng kiên quyết phản đối các biện pháp trừng phạt hoặc việc thay đổi chế độ tại Bình Nhưỡng. Điều đó đi ngược lại với mong muốn của Mỹ, cản trở chủ trương của Washington để tăng cường các biện pháp trừng phạt quốc tế nhắm vào Triều Tiên.
Một lý do khác khiến Nga thích chính sách hòa giải với Triều Tiên hơn bắt nguồn từ lợi ích của nước này. Triều Tiên và Nga duy trì mối quan hệ kinh tế đáng kể với việc trao đổi mua bán các sản phẩm như than đá và dầu mỏ. Ngoài ra, nhiều sinh viên Triều Tiên cũng chọn Nga để du học và hàng nghìn lao động Triều Tiên có tay nghề thấp đang làm việc ở Nga, đặc biệt là ở vùng Viễn Đông của nước này.
Hồi tháng 5, Triều Tiên vừa mở thêm dịch vụ phà mới tới thành phố cảng Vladivostok của Nga - động thái nhằm thúc đẩy giao thương 2 nước.
Ngoài ra, lý do chính khiến Nga áp dụng lập trừng hòa giải với Triều Tiên là vì quan điểm lạc quan của Điện Kremlin đối với hành vi của Triều Tiên. Các nhà phân tích Nga tin rằng lý thuyết khả năng hủy diệt được đảm bảo như nhau để ngăn chặn các bên sử dụng vũ khí hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh cũng hiệu quả trong việc ngăn Triều Tiên phát động một cuộc tấn công hạt nhân. Theo đó, nhiều nhà phân tích cho rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un thừa hiểu rằng, nếu Triều Tiên tấn công hạt nhân, họ cũng sẽ bị hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân.
Hơn nữa, Nga cũng như Trung Quốc, phản đối việc Mỹ đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc. Điều này dễ khiến Moscow chọn lập trường trái ngược với Mỹ về vấn đề Triều Tiên.
Nga cũng không mong muốn chế độ Bình Nhưỡng bị thay thế bằng một chính phủ ủng hộ Mỹ. Theo quan điểm của người Nga, Mỹ là nguyên nhân gây ra căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên còn chương trình tên lửa, hạt nhân của chính quyền Bình Nhưỡng là phản ứng tự vệ trước những mối đe dọa mà Washington đặt ra.
Theo đó, nếu Mỹ không đe dọa thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên cũng sẽ không cảm thấy nhất thiết phải phát triển vũ khí hạt nhân. Nhiều nhà phân tích Nga cho rằng, những lời đe dọa tấn công quân sự vào Triều Tiên của Mỹ cũng nguy hiểm không kém bất cứ điều gì đến từ Triều Tiên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.