Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Úc nghiên cứu về Đông Nam Á mới đây đã đưa ra nhận định về lập trường của Nga ở Biển Đông và mối quan hệ Nga-Trung hiện nay.
Tại hội nghị G20 tháng trước, Trung Quốc nói rõ Tổng thống Nga Vladimir Putin là thượng khách. Cả Trung Quốc và Nga đều nói đến mối quan hệ song phương “tốt nhất” và thể hiện “mức độ tin cậy chưa từng có”. Ông Putin mô tả “quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược”.
Quan hệ Nga-Trung dựa trên mong muốn lẫn nhau về việc đẩy lùi tầm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Âu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu áp đặt cũng khiến kinh tế Nga bị tổn thương.
Nga cần thị trường để xuất khẩu năng lượng, đặc biệt là khí đốt. Trung Quốc đã ký các thỏa thuận lớn để nhập khẩu khí đốt Nga. Bắc Kinh cũng là thị trường lớn nhập khẩu vũ khí và công nghệ Nga.
Tuy nhiên, lợi ích của Nga và Trung Quốc không phải lúc nào cũng đồng nhất với nhau. Nga nghi ngờ sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ là chiến lược mở rộng ảnh hưởng sang Trung Á. Moscow cũng đứng trước khó khăn trong việc cân bằng quan hệ Trung Quốc và quan hệ truyền thống với Ấn Độ, Việt Nam.
Nga rất cần thị trường xuất khẩu năng lượng và Trung Quốc là đối tác tiềm năng nhất.
Căng thẳng như vậy đã ảnh hưởng đến lập trường Nga ở Biển Đông. Đầu tiên, Nga nói không đứng về bên nào trong tranh chấp và ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và giải quyết hòa bình tranh chấp trực tiếp giữa các bên liên quan dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Nga đồng thời phản đối bên thứ ba ngoài khu vực can thiệp vào tranh chấp. Bởi theo ông Putin, “điều này sẽ chỉ làm tổn thương cách giải quyết vấn đề… gây bất lợi và phản tác dụng”.
Ông Putin cũng ủng hộ lập trường Trung Quốc về phán quyết của Tòa Trọng Tài thường trực với lý do Trung Quốc không tham dự hoặc quan điểm của Trung Quốc không được xem xét tại tòa. Tổng thống Nga diễn giải đây là vấn đề quy tắc, theo Điều 9, Phụ lục II của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển chứ không liên quan đến chính trị.
Tuy nhiên, hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa đến tự do hàng hải, hàng không của các tàu thuyền và máy bay trong khu vực. Có thể hiểu là ông Putin ủng hộ tự do hàng hải đối với hải quân Nga nhưng không quan tâm nếu Trung Quốc gây khó dễ đối với Mỹ.
Mặc dù Nga-Trung ngày càng gần gũi hơn những năm qua, cả hai nước đều thận trọng và không sử dụng từ đồng minh khi nhắc đến quan hệ chính trị và quân sự. Mối quan hệ đồng minh thường nhằm vào bên thứ ba và thể hiện sự cam kết hành động chung trong trường hợp cụ thể, như một đợt tấn công nhằm vào một trong các bên.
Trung Quốc từng ký thỏa thuận với Nga về bản quyền chế tạo 200 chiếc Su-27S.
Rõ ràng, quan hệ đồng minh Nga-Trung nếu tồn tại, là nhằm chống lại Mỹ và đồng minh của Mỹ. Điều này có thể dẫn đến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Khi đó, các nước thành viên ASEAN sẽ chịu sức ép trong việc phát triển mối quan hệ nhằm tăng cường an ninh quốc gia.
Cuối cùng, quan hệ đồng minh Nga-Trung nhiều khả năng sẽ kích động cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu, làm gia tăng căng thẳng, đe dọa đến xung đột, đặc biệt là ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Giáo sư Carl Thayer kết luận, Nga và Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với nhau trong lĩnh vực phù hợp, phối hợp hành động và hợp tác về vấn đề an ninh và chiến lược ảnh hưởng các bên. Điển hình là việc Mỹ đưa hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo vào hoạt động ở châu Âu và Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.
Cũng phải lưu ý rằng, Nga-Trung sẵn sàng hợp tác với Mỹ nếu có thể ở mức hạn chế. Nga và Mỹ đang cùng nhau giải quyết vấn đề Syria dù hai bên còn đứng trước nhiều khó khăn. Trung Quốc hợp tác với Mỹ trên nhiều lĩnh vực như biến đổi khí hậu và vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.