Lý do nhiều học sinh lựa chọn ngành sư phạm

Thứ ba, ngày 14/05/2024 06:20 AM (GMT+7)
Trong nhiều năm qua, điểm chuẩn ngành sư phạm luôn ở mức rất cao. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của các ngành, trường sư phạm đối với thí sinh trên cả nước.
Bình luận 0

Sức hút của ngành sư phạm thể hiện qua điểm chuẩn trúng tuyển các năm qua.

Năm 2023, trong số các trường đào tạo giáo viên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có điểm chuẩn vào ngành Sư phạm Lịch sử cao nhất cả nước, lên tới 28,58. Điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn của trường này cũng ở mức 27,47 điểm.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng ghi nhận mức điểm chuẩn lên đến 28,42 điểm đối với ngành Sư phạm Lịch sử. Nhiều ngành sư phạm khác cũng có mức điểm chuẩn từ 27 điểm trở lên.

Điều này đồng nghĩa, thí sinh cần đạt trung bình trên 9 điểm/môn thí sinh mới có cơ hội trúng tuyển.

Lý do nhiều học sinh lựa chọn ngành sư phạm- Ảnh 1.

Phụ huynh đồng hành cùng con tham dự kì thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hôm 12.5. Ảnh: Anh Đức

Để xét tuyển vào các trường đại học sư phạm, thí sinh có thể xét tuyển bằng nhiều phương thức, trong đó, sử dụng kết quả kì thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức.

Theo thống kê của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, lượng thí sinh đăng kí dự thi đánh giá năng lực năm nay tăng vọt, gấp 2,5 lần so với năm 2023. Điều này cho thấy, sức hút của ngành này ngày càng tăng cao.

Em Nguyễn Thanh Huệ - học sinh lớp 12, Trường THPT Yên Dũng số 1 (Bắc Giang) - vừa hoàn thành kì thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hôm 12.5.

Em cho hay đề thi có phần “thử thách” thí sinh với các câu vận dụng và vận dụng cao. Dù vậy, đề thi vẫn nằm trong khả năng của bản thân.

Huệ dự định sẽ dùng kết quả này để đăng kí vào ngành sư phạm Toán và sư phạm Hóa của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

"Em rất thích ngành sư phạm và mong muốn trở thành một giáo viên trong tương lai" - Huệ chia sẻ.

Không chỉ theo đuổi ngành sư phạm vì sở thích, đam mê của bản thân, nhiều em học sinh quyết định lựa chọn ngành học này nhờ sự tư vấn của gia đình.

Chị Nghiêm Thị Hương - phụ huynh tại Hà Nội - đồng hành cùng con tham dự kỳ thi đánh giá năng lực môn Ngữ văn và Lịch sử. Chị cho biết, nguyện vọng 1 của con là thi vào ngành sư phạm Ngữ văn. Ngoài sự yêu thích cho ngành học này, quyết định này của con cũng đến từ định hướng của gia đình.

Theo chị Hương, gia đình khuyên con theo học sư phạm vì cơ hội nghề nghiệp rộng mở. Chị mong muốn con mình có được nghề nghiệp ổn định, không phải vất vả.

“Con tôi có lực học tốt, là học sinh giỏi trong suốt 12 năm nên thi vào ngành sư phạm là phù hợp” - chị Hương nói.

Chị Trịnh Thanh Hằng, phụ huynh tại Thanh Hoá cũng đã đồng hành cùng con trong kì thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Chị Hằng tâm sự, gia đình chị làm lao động tự do, thấu hiểu được sự vất vả để kiếm ra đồng tiền trang trải cuộc sống. “Tôi khuyên cháu, nếu con học sư phạm, sau này sẽ có công việc ổn định. Cuối tuần và 3 tháng hè con cũng được nghỉ ngơi” - chị Hằng chia sẻ.

Sau quá trình bàn bạc cùng gia đình, hiện tại, con chị Hằng đang đặt nguyện vọng 1 vào ngành sư phạm Ngữ văn của trường. Chị cho biết thêm, ngoài tham dự kỳ thi đánh giá năng lực, con chị còn sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, gồm xét học bạ và xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp để tăng cơ hội trúng tuyển.

Theo Anh Đức (laodong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem