Ly hôn, bạo lực, bạo hành trong giới trẻ ngày càng nhiều

Bạch Dương Thứ hai, ngày 16/05/2022 17:15 PM (GMT+7)
Tại buổi hội thảo góp ý cho dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) của đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM vừa diễn ra, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng hiện nay tỷ lệ ly hôn trong giới trẻ, bạo lực, bạo hành tàn bạo xảy ra trong giới trẻ ngày càng nhiều.
Bình luận 0
Ly hôn, bạo lực, bạo hành trong giới trẻ ngày càng nhiều - Ảnh 1.

Các hình thức bạo lực gia đình. Ảnh minh hoạ

Dự thảo luật đưa hành vi bạo lực tình dục là một hình thái của bạo lực gia đình, theo luật sư Lê Thị Hằng đây là quy định mới rất chính xác. Rất nhiều phụ nữ tâm sự bị bạo lực về tình dục nhưng không dám nói với ai.

"Thực tế, bạo lực tình dục chiếm tỷ lệ không nhỏ trong các vụ việc bạo lực gia đình và hậu quả của nó rất nghiêm trọng, làm tổn hại nặng nề đến thể chất, tinh thần và tâm lý của nạn nhân, làm băng hoại luân thường, đạo lý gia đình", bà Hằng nêu ý kiến.

Theo bà Hằng, cần xác định nguyên nhân để phòng, chống có hiệu quả và khả thi. Một số tư tưởng cũ vẫn tiềm ẩn trong nhận thức của người dân, tốt khoe xấu che nên khi bị bạo hành thường không trình báo… Các biện pháp phòng, chống phải được cơ quan có trách nhiệm chủ động thực hiện, đặc biệt là phải hành động tức thời khi tiếp nhận được thông tin bạo lực gia đình đang xảy ra chứ không thể cứ chờ người bị bạo hành có đơn trình báo.

Luật sư Võ Thị Như Ngọc cho biết, trong những năm gần đây vấn nạn bạo lực gia đình có chiều hướng gia tăng. Trong đó, nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em hay người cao tuổi mà có cả nam giới, người tàn tật, người có cùng giới tính.

"Vậy thống kê bạo lực gia đình với trẻ em, người già, người tàn tật, nam giới và người có cùng giới tính là bao nhiêu? Con số này cho đến nay vẫn chưa thống kê được chính xác", bà Ngọc nêu vấn đề.

Luật sư Như Ngọc cũng đề nghị đưa nhóm người có cùng giới tính vào nhóm đối tượng của các vụ bạo hành. Hiện nay, việc kết hôn và chung sống giữa những người có cùng giới tính chưa được pháp luật bảo hộ nên tiềm ẩn nguy cơ phát sinh những vướng mắc khó giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhìn nhận thực tế hiện nay xảy ra một số vụ bạo lực gia đình ngày càng nặng hơn, tỷ lệ ly hôn trong giới trẻ, bạo lực, bạo hành tàn bạo cũng xảy ra trong giới trẻ.

Chủ tịch HĐND TP.HCM dẫn số liệu thống kê của Bộ Văn hóa- Thể thao và du lịch, giai đoạn 2009-2021 cả nước có 324.614 vụ bạo lực gia đình. Nghiên cứu do Viện Nghiên cứu gia đình và giới thực hiện chỉ rõ 69% trẻ em tham gia nghiên cứu từng chịu cảnh cha mẹ xử phạt bằng cách đánh, tát... 31,6% phụ huynh thừa nhận họ đánh, chửi con.

Bà cho rằng, chính điều này ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, nhất là tâm lý trẻ vị thành niên. Nghiêm trọng hơn, trẻ em thuộc nhóm nguy cơ cao trở thành nạn nhân của nạn xâm hại tình dục.

Theo bà Lệ, trong các nhóm bạo lực thì bạo lực về tình dục là vấn đề tế nhị, nhạy cảm, rất khó nói, xảy ra ở cả nam và nữ. Nếu giới nữ đã khó để chia sẻ thì ở nam giới lại càng khó hơn. Bà cũng nêu thực tế hiện nay có người chồng cấm vợ gặp bạn bè cũ, các mối quan hệ ngoài xã hội và ngược lại. Đây cũng là hình thức bạo lực mà bà đề nghị cần bổ sung làm rõ. Cùng đó, khái niệm vô cảm cũng cần được đưa vào hành vi gắn với bạo lực gia đình. Vì chính sự thờ ơ, vô cảm dẫn tới chuyện bạo lực, giết người.

Ly hôn, bạo lực, bạo hành trong giới trẻ ngày càng nhiều - Ảnh 3.

Tình trạng bạo lực, bạo hành ngày một nhiều. Ảnh minh hoạ

Bà Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị chú trọng vào khâu xác minh, xử lý tin báo vì việc này rất quan trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý câu chuyện. Hiện có đường dây nóng quốc gia, có nhiều cơ quan tiếp nhận nhưng theo bà hiệu quả đạt được chưa cao.

Về hình thức xử phạt người có hành vi bạo lực gia đình, đến nay vẫn áp dụng hình thức xử phạt bằng tiền thay vì kết án, bà Nguyễn Thị Lệ cho rằng điều này chưa ổn. Đề nghị cần phải có quy định cụ thể ở điểm này, hoặc có thể xử lý bằng hình phạt cho lao động công ích.

Bà Nguyễn Thị Lệ cũng nhìn nhận nhiều biện pháp xử phạt bạo lực gia đình hiện chưa đủ sức răn đe, không phù hợp. Bà đơn cử, cách làm hiện nay là đưa người bị bạo hành ra khỏi nhà trong khi họ là đối tượng cần được chăm sóc, bảo vệ từ chính người thân trong gia đình. Ngược lại, người có hành vi bạo hành lại được ở nhà sau khi bạo hành người thân của mình. Điều này gây nên phản ứng ngược trong tâm lý nạn nhân nên cần phải có biện pháp phù hợp hơn.

Ngoài tuyên truyền, giáo dục, luật sư Võ Thị Ngọc đề nghị cần thiết lập hệ thống cung cấp thông tin cho công dân thông qua các phương pháp thông báo của cộng đồng về thông tin của người có hành vi bạo lực gia đình, tạo điều kiện cho công dân chủ động trong công tác phòng chống bạo lực gia đình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem