Bi tráng những ngôi mộ chiêu hồn
Lý Sơn có câu ca dao: "Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có nhưng không thấy về". Lý Sơn, một cù lao bé bằng nắm tay nhưng có bạt ngàn những ngôi mộ gió. Mộ gió ngập trong cát. Nấm sau theo cát tràn lên nấm trước.
Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn chép: Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã Vĩnh An sung vào, cắt phiên cứ tháng Hai mỗi năm nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm đến đảo ấy.
|
Chỉ dụ của Vua Minh Mạng được in trên tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. |
Chính dấu chân Lý Sơn năm xưa đã làm nên "xứ Hoàng Sa" mà người Lý Sơn vẫn quen gọi là Bãi cát vàng. Chính mái chèo người Lý Sơn biến Bãi cát thành một phần không thể chia cắt của Tổ quốc, cái phần đắc địa, đắc hải mà Vua Minh Mạng, từ năm 1936, đã có chỉ lệnh rằng "Bản quốc hải cương, Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu"- (Xứ Hoàng Sa, cõi biển nước ta thật là hiểm yếu). Dòng chỉ của Vua Minh Mạng giờ được tạc sau tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
Cụ Võ Hiển Đạt, người thủ bút chỉ lệnh của Minh Mạng trên tượng đài đã ngót 80, thủ thỉ nói về những vị anh hùng đã vị quốc vong thân ngày nào. Năm Ất Hợi 1815, Vua Minh Mạng có chiếu sai bọn Phạm Quang Ảnh tuyển người 2 làng An Vĩnh và An Hải ra Hoàng Sa xem xét đo đạc thuỷ trình. Bấy giờ Hoàng Sa mênh mông, những người ngư dân Lý Sơn khoác áo lính thú vượt biển trên những chiếc thuyền buồn bé xíu. Con người bé nhỏ, chiếc thuyền mong manh. Tất cả trông vào ông trời. Trước khi ra đi, mỗi người lính thú chuẩn bị sẵn cho mình một cỗ hậu sự.
Thầy phù thuỷ 76 tuổi Võ Toại đã dùng một từ rất đắt là "bắt lính". Mỗi năm có chiếu vua bắt lính đi Hoàng Sa là cả hai làng than khóc. Các họ tộc họp để cắt người đi Hoàng Sa. Lễ khao thề thế lính nguyên bản giống như lễ truy điệu sống. Có câu rằng: Thùng thùng trống đánh ngũ liên/Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa.
Chúng tôi đứng nghiêng mình trước dãy mộ gió của Phạm Quang Ảnh và những vị anh hùng vị quốc vong thân. Chuyến đi cuối cùng của ông là vào năm 1817. Chuyến đi không có về. Mấy trăm năm trước, những ngư dân bỏ lưới cầm gươm, không chút do dự, đã tự chọn cho mình một cái chết hiên ngang. Mộ gió ở Lý Sơn có lẽ cũng ra đời từ đó, dành cho những người mà xác thân đã hoà cùng biển cả quê hương.
Níu hồn vào những đốt dâu xanh
"Thầy phù thuỷ" Võ Toại, đã bốn đời "chân truyền" làm mộ gió nói những ngôi mộ chiêu hồn là cái để an ủi cả người sống lẫn người đã khuất. Có năm, cha con thầy Toại làm đến gần hai chục mộ gió. Sau ngôi miếu cổ Hoà Phong, lần trong những cánh đồng tỏi, bên đường đi, hay ngay trong sân nhà, những ngôi mộ không hài cốt nằm im lìm, hắt hiu trong gió biển và nắng tà.
Mộ vùi trong cát. Lớp sau ngày càng gần hơn lớp trước. Chỉ tháng trước, chính cha con ông Toại đã một tay làm cả 6 ngôi mộ gió, 6 hình nhân thế mạng cho ngư dân Nguyễn Đảng và những bạn chài đã một đi không trở lại.
Hôm chúng tôi tới thăm, cụ Toại đang ngồi viết sớ chữ Nho. Anh con trai, đã nhận "chân truyền" từ cha từ mấy năm nay thì thào kể chuyện hồn nhập tượng nghe sởn da gà. Nhưng mà thôi, chỉ cần hiểu đơn giản là người Lý Sơn lập mộ gió cho người thân là để tròn phận sự của những người còn sống và an ủi những người ngày mai sẽ tiếp tục ra khơi. Hiểm hoạ từ biển là vô chừng. Bất trắc đến nỗi chỉ vừa năm ngoái, một cô giáo từ đảo lớn sang đảo bé cũng đã bỏ mạng.
Sẽ không quá lời khi nói mộ gió Lý Sơn - những ngôi mộ không hài cốt - có lẽ là những tượng đài bất tử nhất cho sự bi tráng của những nghĩa sĩ trận vong vì Tổ quốc ngày hôm qua. Và lớp lớp con cháu họ của ngày hôm nay- những ngư dân đang vô tình, một cách lặng lẽ và can trường, tiếp bước nhiệm vụ cao cả bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của cha ông họ.
Những hình nhân thế mạng được thầy Toại làm bằng đất sét lấy từ vàm núi Giếng Tiền bên miệng núi lửa, thứ đất sét dẻo và "chết" đến mức không có bất cứ loại cây nào mọc nổi trên nó. Trứng gà so được dùng làm bao tử âm dương (dạ dày).
Than, đốt từ cây sầu đông dùng làm phổi. Chỉ làm ruột. Đàn ông được làm 7 xương sườn. Xương cốt được làm bằng những thân dâu. Thầy Toại nói thân dâu làm cốt xuất phát từ câu chuyện "truyền tử lưu tôn".
Con tằm ăn dâu đổi kiếp tới 4 bận. Các cụ làm xương cốt hình nhân bằng thân dâu dường như với ước mong rằng những người đã khuất sẽ chuyển kiếp để không bao giờ "sống đời bấp bênh, chết kiếp tuyệt tích" nữa.
"Chiều Lý Sơn những đôi mắt thở dài/Trập trùng nhớ trập trùng nhoai phía biển/Từng mảng xám biển ù ù mây xếp/Níu hồn vào những đốt dâu xanh". Đây là những câu thơ của Văn Công Hùng. Ở Lý Sơn, chưa từng xuất hiện một con tằm nhưng bờ giậu nào dường như cũng có những cây dâu mồ côi.
Bài 4: Cù lao Ré - chiến hạm bị bỏ quên
Anh Đào
Vui lòng nhập nội dung bình luận.