Mắc 3 sai lầm, Tôn Quyền hại chết con ruột, Đông Ngô chịu cảnh diệt vong
Thứ sáu, ngày 11/06/2021 08:31 AM (GMT+7)
Ba sai lầm lớn mà Tôn Quyền phạm phải trong việc chọn Thái tử chính là nguồn cơn của bi kịch trong hoàng tộc họ Tôn nói riêng và của cả tập đoàn chính trị Đông Ngô nói chung.
Năm xưa, Tôn Quyền nổi tiếng là vị quân chủ anh minh, cơ trí trong Tam Quốc. Cũng bởi vậy mà sau khi thừa hưởng nền móng vững chắc mà cha anh để lại, ông mới có thể tạo dựng nên chính quyền Đông Ngô – thế lực cùng Ngụy, Thục chia ba thiên hạ.
Thế nhưng theo quan điểm của Qulishi, càng về những năm tháng tuổi già, vị Hoàng đế này càng phạm phải không ít sai lầm, trong đó có cả việc lựa chọn người kế nghiệp.
Chỉ riêng trong vấn đề lập Thái tử, Tôn Quyền năm xưa đã phạm phải 3 sai lầm lớn khiến Đông Ngô càng lúc càng trượt dài nhanh chóng trên con đường diệt vong.
Sai lầm thứ nhất: Đối đãi với Thái tử và Vương gia như nhau
Có ý kiến cho rằng, nếu như vị Thái tử đầu tiên được chọn là Tôn Đăng không yểu mệnh qua đời, có lẽ hết thảy những sai lầm đáng tiếc này đều sẽ không xảy ra.
Thế nhưng tiếc rằng Thái tử Tôn Đăng ra đi đương độ tráng niên, mới 32 tuổi đã buông tay trần thế. Sau khi ông qua đời, Tôn Quyền lại một lần nữa phải đối mặt với vấn đề chọn người kế nghiệp.
Không may vào lúc đó, người con trai thứ hai của ông cũng lâm bệnh ra đi ở độ tuổi 20. Bởi vậy mà người được Tôn Quyền lựa chọn cho ngôi vị Thái tử là người con đứng hàng thứ ba – Tôn Hòa.
Tuy nhiên ở vào lúc này, Tôn Quyền đã phạm phải sai lầm chí mạng đầu tiên.
Đó chính là sau khi sắc phong Tôn Hòa làm Thái tử, ông lại tiếp tục phong cho người con trai thứ tư là Tôn Bá làm Lỗ Vương.
Dĩ nhiên, việc phong vương vốn không phải chuyện gì to tát. Thế nhưng vấn đề nằm ở chỗ, Tôn Quyền lại cho hai người con trai này ở chung một chỗ và đối đãi như nhau.
Sở dĩ vị Hoàng đế ấy hành động như vậy, có lẽ bởi ông cũng chỉ là một người cha bình thường, muốn đối đãi với con cái một cách công bằng.
Hơn nữa, Tôn Quyền trước đó đã mất đi tới hai người con trai, vì vậy việc ông cưng chiều, sủng ái những người con sinh sau đẻ muộn cũng là điều có thể hiểu được.
Thế nhưng trong xã hội hoàng quyền khi đó, việc để cho Thái tử và vương gia ở chung một chỗ lại hoàn toàn không hợp quy củ.
Bởi lẽ, Thái tử có quyền lực và địa vị khác xa so với các hoàng tử còn lại. Nếu không được đối đãi đúng quy cách, uy tín của người kế vị sẽ không được gây dựng, hoàng quyền cũng không có cách nào được củng cố.
Cho tới sau này, khi các đại thần nhiều lần đề nghị, Tôn Quyền mới ý thức được việc làm của mình là không ổn thỏa.
Ông bắt đầu cho hai người con trai ra ở phủ đệ riêng, đối đãi cũng dần dần khác biệt. Thế nhưng tất cả những việc làm này đã quá muộn để cứu vãn bi kịch sau đó.
Sai lầm thứ hai: Tin lời gièm pha, phế bỏ Thái tử
Khi nhận thấy thái độ của vua cha đối với mình không còn như trước, Lỗ vương Tôn Bá dần sinh lòng bất mãn với Thái tử Tôn Hòa. Cuộc tranh đấu giữa hai người cũng bắt đầu nảy sinh từ đây.
Trong quá trình đó, Tôn Quyền lại tiếp tục phạm phải sai lầm khó cứu vãn thứ hai.
Đó là ở vào thời điểm phe cánh Tôn Bá đặt điều cho Thái tử, thay vì lựa chọn tin tưởng người kế nghiệp, ông đã hoài nghi chính con trai của mình và quyết định phế bỏ danh vị của Tôn Hòa.
Theo quan điểm của Qulishi, nếu nói một cách công bằng, ngoại trừ Tôn Đăng mất sớm, Tôn Hòa cũng có thể xem là người con xuất sắc nhất còn lại của Tôn Quyền.
Vì vậy việc trước đó Tôn Quyền để Tôn Hòa nhận ngôi Thái tử có thể xem là một lựa chọn tương đối chính xác.
Thế nhưng ở vào thời điểm Tôn Hòa bị tiếng xấu bủa vây, Tôn Quyền lúc tuổi già lại hồ đồ tin vào những lời gièm pha, cuối cùng phế bỏ danh hiệu Thái tử của con mình.
Tới cuối cùng, Lỗ vương Tôn Bá bị chính cha ruột ban chết. Cảnh tranh đấu rốt cục cũng đã chấm dứt.
Ở vào thời điểm đó, Tôn Quyền đáng ra nên có những hành động bù đắp cho phế Thái tử oan ức như Tôn Hòa để cứu vãn cục diện. Hoặc ông cũng có thể chỉ phạt nhẹ Tôn Hòa chứ cũng không cần nhất thiết phải truất bỏ ngôi vị.
Thế nhưng nếu Tôn Quyền năm ấy sáng suốt được như vậy, thì sai lầm thứ ba cũng đã không xảy ra.
Sai lầm thứ ba: Lựa chọn con út mới 7 tuổi làm người kế nghiệp
Sai lầm thứ ba của Tôn Quyền trong việc chọn người kế vị chính là để người con trai út mới 7 tuổi Tôn Lượng lên ngôi Thái tử.
Sở dĩ, Tôn Quyền đưa Tôn Lượng lên làm người kế vị bởi ông lo lắng chuyện quyền thần chuyên chính, uy hiếp hoàng quyền.
Nỗi lo này của Tôn Quyền không hề vô lý. Vì trước kia bất luận là phế Thái tử Tôn Hòa hay Lỗ vương Tôn Bá đều có bên mình một cơ số các đại thần phụ tá.
Vì vậy, nếu một trong hai người này kế vị, những đại thần kia nhất định sẽ ỷ vào danh phận công thần để mưu cầu lợi ích cho bản thân mình.
Do đó, thay vì chọn một trong hai người con đã "đủ lông đủ cánh", Tôn Quyền lại đưa một hoàng tử nhỏ tuổi thân cô thế cô lên ngai vị Thái tử để tránh việc quyền thần có cơ hội náo loạn triều chính.
Thế nhưng người tính không bằng trời tính, có lẽ ở vào thời điểm chọn Tôn Lượng làm người kế vị, Tôn Quyền cũng chẳng thể ngờ rằng bản thân mình đã nhanh chóng buông tay trần thế chỉ vẻn vẹn 3 năm sau đó.
Thái tử năm ấy mới 10 tuổi đã phải tiếp quản chuyện triều chính. Quyền hành khó tránh khỏi rơi vào tay đám quyền thần Tôn Lâm.
Cho tới năm 15 tuổi, khi Tôn Lượng muốn đoạt lại quyền chấp chính thì Tôn Lâm đã tiên hạ thủ vi cường, phế bỏ Hoàng đế.
Sau này, đám quyền thần lập Tôn Hưu lên ngôi. Thế nhưng vị Hoàng đế này vẫn lo ngại Tôn Lượng, liền tìm cách trừ khử ông. Kết quả là Tôn Lượng vong mạng khi mới 18 tuổi.
Cái chết của người con út này đã khiến cho mọi toan tính lúc sinh thời của Tôn Quyền dường như đều đổ bể. Đông Ngô trải qua nhiều hồi rối ren liền nhanh chóng trở nên suy yếu, cuối cùng bị diệt trong tay nhà Tây Tấn.
Có lẽ, vị Hoàng đế ấy cũng không thể ngờ rằng bản thân mình tìm mọi cách để tránh cảnh quyền thần chuyên chính, thế nhưng cuối cùng chính người kế nghiệp của ông lại bị đám quyền thần đẩy vào cửa tử.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.