Mắc lừa vì bệnh “tự sướng”

Nguyễn Quang Thân Thứ sáu, ngày 29/07/2016 06:00 AM (GMT+7)
Cái ti tiện thì nhản nhản khắp nơi, chúng lên ngôi và đang soán đoạt lòng tin thánh thiện của con người.
Bình luận 0

Từ mấy tháng nay, tại một số ấp xã vùng sâu vùng xa của một số tỉnh như Đắk Lắk, Tiền Giang, An Giang… rộ lên một bọn “văn hóa tặc”, đúng hơn “ảnh tặc” về thôn ấp hẻo lánh, nơi bà con nghèo rớt mồng tơi và rất nhẹ dạ, dễ tin để móc túi.

Họ “nhân danh văn hóa” theo cả nội dung lẫn hình thức, nghĩa là chụp ảnh miễn phí để suy tôn truyền thống “gia đình và thôn ấp văn hóa”, với những tờ giấy giới thiệu của Sở VHTTDL có dấu đỏ lòm và chữ ký rất nghiêm trọng và rất thật của mấy ông giám đốc được cử ra trông coi “văn hóa và truyền thông” cho tỉnh nhà.

Có nơi, Sở VHTTDL còn gửi trước công văn cổ súy việc “miễn phí” văn hóa này. Trước tiên, họ gạ lãnh đạo địa phương, rằng xí nghiệp nhiếp ảnh của họ đang nóng ruột tìm chỗ làm từ thiện mà chưa tìm ra nên đã có sáng kiến làm tặng mỗi thôn, mỗi ấp một cuốn album sổ truyền thống “xã, thôn, ấp văn hóa” để ghi danh cho muôn đời con cháu mai sau tài năng lãnh đạo và gìn giữ bản sắc văn hóa của các vị quan chức địa phương trong cái thời xuống cấp toàn diện này.

Tài năng thì đúng quá rồi, lại “chẳng mất gì của bọ” vì mọi thứ, kể cả mỗi “gia đình văn hóa” đều được chụp ảnh màu miễn phí, có giấy giới thiệu kèm theo công văn của Sở (chưa thấy ai khai còn có thêm cái gì nữa không), các vị gật đầu ngay và luôn, một cách hăng hái. Thế là dân được nhận giấy mời, ngày nọ, giờ nọ, ra trụ sở thôn ấp để chụp ảnh không mất tiền.

img

Sổ truyền thống gia đình văn hóa của ấp Bình Cách (Tiền Giang).

Dân mình có cái lạ là hễ có con dấu, hễ có cái gì miễn phí hay “vài năm nữa thu về gấp hai mươi lần tiền bỏ ra hôm nay” kiểu đa cấp là tin ngay, có phải vác sổ hồng hay bàn thờ lên cắm ngân hàng cũng không do dự một phút! Có lẽ cái “truyền thống lòng tin” ấy đã bắt nguồn từ cuộc sống thôn dã trong sáng, hồn nhiên khi mọi người thật sự là láng giềng bạn bè, không ai nỡ và cũng không ai dám lừa ai bao giờ.

Vả lại, họ có bán hàng đa cấp, gọi chơi hụi hay tuyển người xuất khẩu lao động hay gạ các em gái lên thành phố cắt tóc gội đầu gì đâu. Mà chỉ là chụp ảnh để ghi lại cho con cháu nếp “gia đình văn hóa”. Thật cảm động và đáng làm dân nghèo rơi lệ!

Dân chúng hồ hởi đi chụp ảnh, quần áo chỉnh tề, mày râu nhẵn nhụi, một phen ghi sổ vàng, rạng danh con cháu về sau đã sinh ra trong một gia đình văn hóa, một thôn và xã, thậm chí có nơi là một huyện văn hóa!

Sự cao thượng ngày nay quá hiếm hoi và khó tìm ra như vàng trong đá. Nhưng cái ti tiện thì nhản nhản khắp nơi, nói như ai, chúng lên ngôi và đang soán đoạt lòng tin thánh thiện vào nhau của con người. Chụp ảnh xong, đóng một cuốn album tặng xã hay thôn xong, mấy ông thợ ảnh tự xưng “cán bộ văn hóa” theo lệnh ông chủ của các công ty “từ thiện văn hóa” bèn chìa ra cho mấy ông dân nghèo cả mấy đời chưa được chụp ảnh một bảng gia đình văn hóa có ảnh khổ chủ, có lời lẽ bốc thơm “gia đình văn hóa.

Đánh vào cái đói nghèo khoai sắn và nhất là cái đói văn hóa của người nghèo vùng sâu vùng xa, cái háo hức “tự sướng” thường trực trong mỗi người Việt, họ gạ gẫm, dụ dỗ, “ưu tiên” cho khổ chủ được mua cái bằng văn hóa của nhà mình với giá 350 ngàn đồng. Bảy mươi kilô gam thóc đổi một tờ giấy ảnh A4 không có chữ ký của ai và vô giá trị, kể cả để gói hàng!

Không chỉ lừa các ông chủ “gia đình văn hóa” cả tin, ngay cả gia đình liệt sĩ, gia đình có công cũng không được yên thân bằng cùng một thủ đoạn “từ thiện” và “miễn phí”. Tháng 2-2016, sau khi xin phép được Sở LĐTBXH chấp nhận, các Công ty TNHH Phát triển Công nghệ ảnh kỹ thuật số Ngọc Mai (Công ty Ngọc Mai; trụ sở tại Hà Nội) và Công ty Cổ phần JN Dragon (trụ sở ở Long An) cũng đề nghị hàng trăm gia đình có công ở Long An làm bảng ghi danh người có công rồi thu tiền với giá từ 250.000 đến 350.000 đồng (tùy kích cỡ khung).

Họ đã thu tiền bỏ túi, đã làm trót lọt được hàng ngàn gia đình, đã “quét” xong 5 huyện thị của tỉnh Long An nơi có ông giám đốc Sở VHTTDL tốt bụng nhiệt tình, rất sốt sắng khuyến khích chụp ảnh giúp dân lưu danh sử sách.

Sự ti tiện đang lên ngôi. Đúng là người ta “ăn của dân không từ thứ gì”. Đây là dân vùng sâu vùng xa thật thà, đói ngô khoai sắn và nhất là đói sách, đói ảnh? Họ đâu dám giở trò ở Hà Nội, Hải Phòng hay TP HCM? Cái hậu quả lồ lộ trò ăn bẩn và tính toán ty tiện hôm nay phải chăng cũng là “thành quả” của tính tự sướng, bắt nguồn từ cái gọi là phong trào gắn biển tôn vinh “làng, xã, ấp, huyện” và không chừng sẽ có “tỉnh văn hóa”. Biển càng nhiều nhưng chỉ thấy văn hóa, đạo đức, an toàn xã hội càng xuống cấp.

Ai cũng biết mấy cái biển rất hình thức, rất giả dối và tốn kém nhưng vì được truyền lại từ đời mấy ông Bộ trưởng VHTTDL đến tận ngày nay mà chưa ai dám bàn cách xem xét lại có nên thôi đi hay không? 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem