Mái ấm tuyệt vời của chàng luật sư nghèo

Thứ tư, ngày 30/10/2013 19:45 PM (GMT+7)
Vừa mới kỷ niệm 10 năm ngày cưới, cuộc sống của gia đình anh chị giờ đây hạnh phúc hơn bao giờ hết. Nhớ ngày nào, anh đã đạp xe gần 2.000km tỏ tình với người mình yêu.
Bình luận 0
Nhiều người đã từng nghe những câu chuyện tình đẹp trong văn chương, nhưng ít ai biết rằng, ngay trong cuộc sống đời thường này vẫn có những chuyện tình đẹp, lãng mạn không kém.

Câu chuyện được viết dưới đây của chàng luật sư thủa còn tập sự Phạm Quốc Tuấn, một mình đạp xe xuyên Việt vượt gần 2.000 cây số để tỏ tình với người yêu mang đậm tính nhân văn mà người trong cuộc muốn chia sẻ…
Vợ chồng anh Tuấn-Chị Dung bên chiếc xe đạp kỷ niệm.
Vợ chồng anh Tuấn-Chị Dung bên chiếc xe đạp kỷ niệm.

Chàng luật sư tập sự nghèo và hành trình đạp xe xuyên Việt tỏ tình

Đến thời điểm hiện tại, vợ chồng anh Phạm Quốc Tuấn-Chị Vũ Thị Dung vẫn còn giữ gìn cẩn thận chiếc xe đạp leo núi cà tàng như là một kỷ vật tình yêu quý giá nhất của hai người, vì nhờ nó mà anh chị đã đến được với nhau, nhờ nó mà đôi trai gái xây dựng nên một gia đình bé nhỏ nhưng tràn đầy hạnh phúc như bây giờ. Trong căn nhà cấp 4 khá khang trang tại huyện Nhà Bè, TP.HCM chị Dung đưa chúng tôi quay ngược thời gian về quá khứ, đó là thời thơ ấu ở quê nhà Thái Bình.

Chị kể, anh Tuấn và chị cùng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương, biết nhau từ thuở nhỏ nhưng lại ít khi nói chuyện. Học chung với nhau hết năm lớp 10 thì gia đình anh Tuấn chuyển vào Nam lập nghiệp. Tiếp đó anh thi đậu vào Trường đại học Luật TP.HCM, còn chị chuyển lên Hà Nội theo học tại Trường đại học Kinh tế quốc dân. “Lúc đó tôi và anh ấy không liên lạc với nhau, cứ nghĩ người bạn chung lớp đã có phương trời mới nên mình không bận tâm nữa”- Chị Dung nhớ lại. Cho đến một dịp đặc biệt là bạn bè từ thời cấp 3 nhiều đứa thi đậu đại học, mừng cho những người bạn cũ anh Tuấn mới viết một lá thư gửi lời chúc mừng, trong đó có người vợ của anh sau này, tức chị Dung.

Bạn bè lần lượt viết thư hồi âm hỏi thăm anh Tuấn. “Không biết tại sao khi đọc được thư hồi âm của cái Dung lòng mình lại thấy nao nao một cách kỳ lạ khác hẳn với những lá thư khác. Không ngờ người bạn gái thuở xưa ít tiếp xúc kia lại gửi những dòng thư chia sẻ với mình xúc động như vậy!” - anh Tuấn nói thêm vào. Thời gian cứ trôi, những lá thư đi về giữa hai miền Nam- Bắc càng làm cho anh Tuấn nóng lòng chờ đợi hơn.

Hằng tháng đều đặn hai lần chị Dung nhận được thư anh, rồi cũng từng ấy lần chị viết hồi âm, cứ như vậy người Nam - kẻ Bắc chỉ trò chuyện qua thư từ. Không biết từ bao giờ tình cảm hơn mức bạn bè thân được hai người dành cho nhau, tình yêu bắt đầu chỉ qua những cánh thư đi thư về, bao tình cảm chất chứa được gửi trọn vào những con chữ, nó trở thành sợi dây liên kết giữa hai người.

Học xong đại học, cuộc sống đối với anh Tuấn vô cùng khó khăn. Là luật sư tương lai, nghe có vẻ rất oai nhưng thực tế tìm kiếm được một công việc để nuôi sống bản thân thôi cũng đủ làm anh vất vả rồi. May mắn đến khi anh được nhận làm luật sư tập sự cho một văn phòng luật ở quận 4, TP.HCM. Cuộc sống bộn bề lo toan nhưng hằng ngày anh vẫn đều đặn đạp xe từ quận Tân Bình đến chỗ làm. Còn với chị Dung thì hầu như hoàn toàn ngược lại, sau khi tốt nghiệp chị tiếp tục du học tại Trường đại học Perugia (Italia). Cánh cửa tương lai đang mở ra trước mắt, khi về nước chị được làm việc cho một tổ chức nước ngoài tại Hà Nội với mức thu nhập khá cao.

Tuy biết người yêu đã có cuộc sống nhẹ nhàng hơn mình rất nhiều nhưng anh Tuấn vẫn không hề thấy mặc cảm mà ngược lại, trong anh quyết tâm chinh phục chị lớn hơn bao giờ hết. Anh muốn chị biết rằng hiện tại anh không có gì cả nhưng anh có đầy đủ nghị lực, ý chí và khát vọng vươn lên trong cuộc sống, một ngày không xa anh sẽ mang lại cho chị một cuộc sống sung túc, đủ đầy. Chị vẫn đôi lúc hồ nghi những điều anh nói. “Cho đến một ngày anh nói sẽ tặng tôi một món quà tình yêu và sẽ chứng minh cho tôi thấy ý chí và nghị lực của anh”- chị Dung chia sẻ.

Để chuẩn bị cho chuyến đi được bạn bè cho là “điên rồ” này, anh Tuấn đã vạch lên kế hoạch rõ ràng. Ban đầu để thực hiện hành trình gian nan, anh dậy sớm chạy bộ ở công viên để rèn luyện thể lực. Khi đã quen dần với cường độ vận động, anh chuyển sang đạp xe mỗi sáng-chiều quanh TP.HCM để làm quen.

Theo tính toán của anh, đoạn đường từ TP.HCM ra Hà Nội mất 18 ngày, trung bình mỗi ngày anh phải vượt quãng đường 100 cây số. Khi đã chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết mang theo, anh bắt đầu rong ruổi trên chiếc xe đạp leo núi cà tàng. Không kể hết những khó khăn, vất vả mà anh chưa một lần trải qua trong đời trên đường đi. Từ đối đầu với nắng mưa khắc nghiệt, rồi khi đêm xuống vào nhà dân ven đường xin ngủ nhờ. Bức quá có khi phải qua đêm dưới mái hiên nhà dân với sương đêm và gió lạnh run người. Sau 17 ngày cật lực đạp xe, vượt bao gian lao anh cũng đến được Hà Nội.

Chị Dung kể lại, “hôm đó là buổi sáng mùa thu, mình nhận được điện thoại của anh, anh nói mới vừa TP.HCM ra và bảo mình đến đường Giải Phóng đón”. Chị ra chỗ anh hẹn gần bến xe Giáp Bát đứng đợi, trong đầu chị hình dung sẽ bắt gặp hình ảnh anh bước xuống trên một chiếc xe khách Bắc-Nam. Nhưng chờ hoài, chờ hoài suốt hai tiếng đồng hồ, từng chiếc xe khách lần lượt dừng rồi đi vẫn không thấy bóng dáng anh đâu.
Gia đình nhỏ hạnh phúc hiện tại.
Gia đình nhỏ hạnh phúc hiện tại.

Gọi điện thoại thì không nghe trả lời. Nghĩ anh bày ra trò đùa, lúc chị định quay về thì từ xa, xuất hiện bóng dáng một chàng trai trên chiếc xe đạp tay vẫy chào, miệng tươi cười. Đến gần chị mới nhận ra là anh - người đàn ông gầy gò, đen đúa... Chẳng lẽ anh đạp xe gần 2.000 cây số từ Nam ra tận đây để gặp mình sao? Anh vượt qua bao nắng gió chỉ vì mình? Anh làm mọi thứ để chứng tỏ điều gì? Bao câu hỏi cứ dồn dập trong đầu... Chị nhận thấy ở anh một người đàn ông đầy nghị lực, ý chí và có đầy đủ các giá trị đạo đức, là người cùng chị sẽ vượt qua bao gian khó trong cuộc sống tương lai. Và cũng từ giây phút đó chị đã hiểu tình yêu là gì. Và khi anh tỏ tình chị không có lý do nào để từ chối.

“Hạnh phúc gia đình muốn bền vững thì vợ chồng phải cùng nhau vun đắp”

Lễ cưới được diễn ra sau đó ít lâu. Chị Dung chấp nhận từ bỏ tương lai đang mở rộng trước mắt ở Hà Nội để theo chồng vào TP.HCM bắt đầu tạo dựng cuộc sống mới. Từ hai bàn tay trắng lập nghiệp ở nơi đất khách quê người, anh Tuấn-chị Dung bắt đầu cuộc sống gia đình như bao cặp vợ chồng trẻ khác. Vay tiền nội ngoại, bạn bè mua đất, xây nhà rồi còn phải trả khoản nợ anh vay mượn khi làm lễ cưới chị, tất cả những khó khăn đó không làm cặp vợ chồng trẻ nản lòng. Niềm hạnh phúc càng tăng lên gấp bội khi đứa con gái Ngọc Hà của anh chị chào đời.

Vừa trả dứt khoản nợ trước đó thì một lần nữa gia đình nhỏ bé của anh chị đứng trước thử thách lớn khi anh Tuấn quyết định sang Anh theo học thạc sĩ luật. Một quyết định tốt cho sự nghiệp của anh sau này nhưng trong hoàn cảnh và thời điểm đó, hiếm có người chồng, người cha nào can đảm đưa ra lựa chọn như anh, để vợ trẻ và con thơ ở nhà để đi du học.

Anh lo vợ sẽ phiền lòng, không muốn anh đi nhưng mọi chuyện hoàn toàn trái ngược, chị Dung ủng hộ anh hết mình, thậm chí còn sẵn sàng bán căn nhà nhỏ để có tiền cho anh đi học. Không thể kể hết những hy sinh của vợ dành cho anh Tuấn, điều đó tiếp cho anh thêm động lực để tiếp tục phấn đấu. Học xong thạc sĩ, anh Tuấn lại sang Đại học Luật Harvard, Mỹ học tiếp bổ trợ cho công việc của anh sau này, chính nhờ những cố gắng, ý chí vươn lên mà sau khi về nước anh đã đạt được những thành công nhất định trong sự nghiệp luật sư của mình.

Để có được sự ủng hộ và tin tưởng tuyệt đối từ vợ, anh Tuấn cho rằng nó xuất phát từ những chông gai, khó khăn mà vợ chồng anh đã cùng nhau vượt qua. Sau hơn 10 năm chính thức trở thành vợ chồng, anh Tuấn bật mí giữa anh và vợ chưa hề xảy ra mâu thuẫn hay cãi vã nào nghiêm trọng.

“Mỗi khi có giận nhau chuyện gì, hai vợ chồng đều hướng suy nghĩ về những kỷ niệm đẹp đã qua, nó làm tiêu tan đi những bực dọc trong lòng”- anh Tuấn chia sẻ bí quyết giữ gìn hạnh phúc của gia đình mình. Anh quan niệm, “hạnh phúc gia đình muốn bền vững cần phải có sự nỗ lực từ hai người. Như ta trồng cây vậy, cây được thường xuyên chăm bón, tưới nước thì mới tươi tốt được”.

Anh Tuấn-chị Dung muốn gửi thông điệp đến những bạn trẻ, những sinh viên nghèo mới ra trường hãy sống có ước mơ. Đừng suy nghĩ kết hôn sẽ kìm hãm ước mơ của các bạn mà hãy để chính tình yêu gia đình hậu thuẫn, chắp cánh cho ước mơ của các bạn bay cao và xa hơn nữa, để những bạn trẻ đạt được thành công như mình mong muốn.
Mỹ Lệ (Dòng Đời) (Mỹ Lệ (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem