Mai một dầu tràm Lộc Thủy

Thứ hai, ngày 12/07/2010 15:25 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nấu dầu tràm là nghề truyền thống của cả làng Lộc Thủy, nhưng nay chỉ lèo tèo một, hai hộ còn theo nghề...
Bình luận 0
img
Một cửa hàng dầu tràm Huế.

Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế - nằm ngay dưới chân đèo Phước Tượng trên hành trình thiên lý Bắc-Nam. Trước kia, trên một đoạn Quốc lộ 1A dài hơn 10km từ đèo Phước Tượng đến đèo Phú Gia, đâu đâu cũng thấy khói lò nấu dầu. Khắp miền Trung, Tây Nguyên ra Nghệ An, Hà Tĩnh, ai sinh ra và lớn lên mà không biết đến mùi dầu tràm. Mỗi khi trong nhà có bà mẹ mang bầu, có trẻ sơ sinh, nếu trở chứng đau bụng, đau đầu, mệt nhọc, đầy hơi... người ta tìm lọ dầu tràm.

Các bô lão trong làng, cho biết: "Khi chúng tôi lớn lên đã thấy dân làng biết thổi lửa nấu dầu. Trong gia đình, từ đời ông đến đời bố chúng tôi đều nấu dầu. Nhưng gần đây, dầu tràm Lộc Thủy chỉ còn cái tiếng. Dân làng phải nhập dầu tràm từ các nơi khác về để bán dưới thương hiệu "Lộc Thủy" của mình”.

Trước năm 2000, nếu như Lộc Thuỷ có hàng chục hộ nấu dầu tràm thì nay chỉ còn vài ba hộ. Số người đi bứt tràm về nấu dầu từ con số hàng trăm nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người già Lộc Thuỷ lo không bao lâu nữa sẽ mất hẳn nghề truyền thống.

Hiện nay, dọc theo Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Lộc Thủy, có hàng trăm cửa hiệu bày bán dầu tràm "Lộc Thuỷ" nhưng hầu hết đều kém chất lượng. Chủ một lò nấu dầu tràm còn sót lại ở Lộc Thủy, cho biết, nguyên liệu tràm "xịn" của Lộc Thuỷ giờ rất khan hiếm. Dầu tràm Lộc Thuỷ có tiếng là nhờ giống tràm mọc ở đây cho tinh dầu rất đặc biệt.

Trong vòng một giờ, chúng tôi chứng kiến hàng chục chiếc xe ô tô khách dừng tại Lộc Thủy hỏi mua dầu tràm. Một chị gánh một gánh bổi lớn (cây ngoài nấu dầu tràm còn dùng làm chổi quét nhà), kể: "Mỗi ngày làm hết sức tôi kiếm được 15-20 nghìn đồng, may còn người nấu dầu tràm nên tôi còn có việc làm".

Theo chị ước tính, hiện Lộc Thủy chỉ còn khoảng trên dưới 10 người chuyên đi "bứt bổi" tràm kiếm sống. Số hộ nấu dầu tràm ở Lộc Thủy (tập trung ở hai thôn Phú Cường và Phước Hưng) từ 15 hộ nay chỉ còn một, hai hộ.

Theo lời chị: "Để có được một mẻ dầu nguyên chất ít nhất phải đun 8 giờ. Mỗi mẻ chỉ cho 0,7 - 1 lít dầu. Nấu một nồi dầu hơn 8 tiếng, chỉ lời 15.000 đồng. Nếu lấy công làm lời (vừa đi bứt bổi vừa nấu) mỗi ngày có khoảng 45.000 đồng với điều kiện củi đốt không phải đi mua.

Mỗi lít dầu tràm các nơi bán 40-50 nghìn đồng, nhưng dầu Lộc Thủy vẫn giữ giá 80-90 nghìn đồng. Lý do là không có người đi bứt bổi tràm và bổi ngày càng khan hiếm. Bà Thảo- một trong số 40 hộ buôn dầu tràm từ Nong đến Thừa Lưu (Phú Lộc) bộc bạch: "Gia đình tôi trước đây cũng nấu dầu tràm. Bây giờ dầu nguyên chất rất khó cạnh tranh với hàng giả, bởi thế tôi phải mua dầu nơi khác về bán thôi".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem