Mái nhà của “trẻ da cam”

Thứ tư, ngày 10/08/2011 08:38 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dạy võ, bán cà phê lấy tiền mở nhà tình thương, cưu mang hàng chục trẻ khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin - đó là việc làm đầy nhân văn của võ sư Nguyễn Đức Cường (Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam).
Bình luận 0

Vừa mở máy vi tính, bạn tôi - ca sĩ Thuỳ Trâm đã "nhảy" vào: "Gửi anh ca khúc mới mà em vừa quay video clip". Hay và xúc động quá!- tôi hồi âm sau khi nghe xong bài hát.

"Chưa đâu anh. Đấy mới chỉ là khúc dạo đầu câu chuyện buồn về một cậu bé nạn nhân da cam/dioxin, bị mẹ bỏ rơi từ nhỏ. Người cô goá bụa đã nhận về nuôi và bài thơ “Cô và mẹ” của em được nhạc sĩ Cam Tâm phổ nhạc chỉ là 1 trong 117 bài đầy tình cảm của cậu ấy"- Thuỳ Trâm giới thiệu. Em là Nguyễn Thế Quy- nạn nhân chất độc da cam/dioxin, thân hình tàn phế nặng nề.

img
Nguyễn Thế Quy nhọc nhằn mưu sinh bằng nghề bán hương trầm.

Nhặt những phận đời hẩm hiu

Đấy là lý do để tôi xuôi về miền đất linh thiêng- kinh đô Trà Kiệu (Duy Xuyên, Quảng Nam) để tìm Quy. Dừng chân ở quán cà phê Cội Nguồn bên làng dệt Mã Châu mỹ miều để tìm tác giả của bài thơ "Cô và mẹ", hoá ra, đấy chính là ngôi nhà mới, không chỉ có Quy mà hơn chục trẻ em khuyết tật khác đang được cưu mang tại đây.

Chủ nhân ngôi nhà với 9 nhân khẩu tàn tật ấy là võ sư Nguyễn Đức Cường. Người đàn ông 40 tuổi này có nụ cười hiền, trái ngược với dáng hình cơ bắp kiểu nhà võ của anh. Cường kể, tôi đã "nhặt" Quy trong một lần tình cờ. Lúc ấy, em trong bộ dạng rách rưới, mặt mày ngơ ngác, vô hồn. Bố Quy là chiến binh trở về từ chiến trường Tây Nguyên, Campuchia, mang theo cả di hại của chất độc da cam/dioxin.

Người dân thôn Xuyên Tây 3 đã quen với hình ảnh cậu bé tàn tật, chân tay co quắp, đầu cổ ngoặt ngoẹo, miệng méo xệch, nói ấm ớ không tròn môi rõ tiếng được một từ nào lại luôn bò qua vách tường ngoài Trường Tiểu học Trần Phú để học ké. Với bề ngoài dị dạng, lại không thể tự chăm sóc cho mình, cửa trường đã đóng chặt với đời em sau vài ngày đi học thử.

Mỗi lần di chuyển, Quy phải xoay tròn cả người, đầu đập xuống đất, thế nhưng em vẫn lê lết để nghe thầy cô giảng bài từ bên ngoài cửa sổ. Dẫu phải đánh vật với từng con chữ, nhưng bây giờ em đã biết đọc, viết, sử dụng máy vi tính và làm toán ở trình độ lớp 6.

Hàng ngày, Quy rong ruổi trên các nẻo đường làng bán hương (nhang) trên chiếc xe lắc bằng chân để mưu sinh. "Tôi thấy tương lai em mù mịt quá nên nhận về đây mới mong muốn dạy thêm nghề để em có thể kiếm sống dễ dàng hơn" - anh Cường nói.

Cánh cửa mới cho trẻ khuyết tật

Phải mất cả năm, gãy nát từng bó cọ, bút vẽ thì tranh của Quy mới thành hình hài. Bây giờ, những bức vẽ của em cũng đẹp như những vần thơ-không dấu vết của tật nguyền. Tranh của Quy đã được đánh giá cao, bán được cho du khách đến với Mỹ Sơn, Hội An.

Để có được ngày hôm nay, tất nhiên là phải xuất phát từ nghị lực phi thường của chính Quy, song ơn thầy, công bạn tại nhà tình thương Cội Nguồn là không thể không kể đến.

Dưới mái nhà này, Quy được tôn trọng, yêu thương, chia sẻ. Ngoài bố Cường, Quy còn có một bạn tâm giao là Nguyễn Thị Liên.

img
Võ sư Cường và những đứa trẻ câm, điếc ở gia đình Cội Nguồn.

Anh Cường kể, như một sự sắp đặt kỳ lạ của tạo hoá, bé Liên- một đứa trẻ bị câm, điếc ở cơ sở tình thương Cội Nguồn của anh Cường - lại đồng cảm, hiểu Quy rất rõ. Chỉ bằng cử chỉ, ánh mắt và vài từ ấm ớ của Quy, Liên đã hiểu, giúp bạn thực hiện ý muốn của mình một cách hoàn hảo nhất.

Từ ngày về Cội Nguồn, hoàn cảnh thương tâm và nghị lực vươn lên trong cuộc sống của Quy đã được nhiều người biết đến. Nhóm thân hữu của anh Cường và một số nhà hảo tâm đã quyên góp, giúp Quy 25 triệu đồng để mua máy vi tính, sách. Nhưng thật bất ngờ, Quy đã nhường tất cả số tiền này cho một bé gái có hoàn cảnh bi thương khác để em mổ tim...

Những bức tượng Phật điêu khắc gỗ, những bức tranh làng quê... của các em được anh Cường treo ở quán Cội Nguồn, gửi các gallery ở Hội An bán giúp. Tuy chưa đẹp và hấp dẫn lắm, song đã có nhiều du khách khen, mua tranh cho các em. Đó là niềm vui, là tâm nguyện của võ sư Cường, và cũng chính là cánh cửa hé mở vào tương lai cho các em bất hạnh này.

Ngoài Quy, Liên, tại cơ sở tình thương Cội Nguồn của anh Cường còn có hơn chục trẻ là con em của các cựu chiến binh, những nạn nhân mang trong mình di chứng chất độc da cam/dioxin. Trong đó chỉ có 9 em ở hẳn tại cơ sở tình thương này, được anh Cường nuôi cơm, chăm sóc sức khoẻ, dạy nghề. Số còn lại chỉ đến sinh hoạt, học nghề rồi về nhà với bố mẹ.

Ngoài những đồng tiền lời ít ỏi từ quán cà phê thôn dã Cội Nguồn, anh Cường còn đi dạy võ để kiếm thêm tiền để cưu mang nhóm trẻ tật nguyền này. 250 môn sinh Karatedo của anh là 250 tấm lòng, có tinh thần thượng võ chung tay giúp sức làm từ thiện cùng anh.

Cường khiêm tốn khi nói về mình. Anh bảo, có được cơ sở như tâm nguyện của tôi, phải nhờ sự hết lòng của người vợ- chị Lưu Thị Loan. Chị Loan là con gái của miền quê trồng dâu, nuôi tằm dệt vải Mã Châu, Duy Xuyên này, bởi vậy tính tình cũng nhẫn nại, chịu khó như chính nghề nghề thợ may của chị. Đỡ đần, tạo điều kiện cho các em bất hạnh cùng quê nhà là điều mà chị hết lòng ủng hộ chồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem