Mang chèo cổ ra sân đình Hà Nội

Thanh Hà Thứ bảy, ngày 05/09/2015 08:05 AM (GMT+7)
Trong 3 tuần lễ liên tục từ ngày 5.9, cứ dịp cuối tuần, khán giả yêu chèo Hà Nội có thể đến xem chèo cổ tại 3 sân đình Đình Tháp, Tứ Liên và Xuân Tảo. Làm sống lại không khí những đêm diễn xưa để cuốn hút khán giả trẻ là mục đích của tour diễn “Tiếng trống chèo”.
Bình luận 0

Để khán giả hiểu và yêu chèo

Với mong muốn đem chèo sân đình trở lại cuộc sống hiện đại, dự án “Tôi xê dịch” cùng với Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ đồng tổ chức tour diễn “Tiếng trống chèo 2015” tại 3 sân đình của 3 ngôi đình cổ thuộc TP.Hà Nội trong 3 đêm (5, 12, 19.9). Khán giả sẽ được trải nghiệm chân thật về những nét đặc sắc của loại hình chèo sân đình qua những vở diễn tiêu biểu: “Quan Âm Thị Kính”, “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Kim Nham”.

imgCác bạn trẻ đang xem chèo tại sân đình.    Ảnh: của nhóm Tôi xê dịch. 

Không chỉ biểu diễn các vở trích đoạn chèo cổ về những nét đặc sắc của loại hình chèo sân đình, ban tổ chức cho biết, tiếng trống chèo còn tạo ra một không gian văn hóa của chèo sân đình, cảnh gánh chèo đi hội, không khí khán giả náo nhiệt... thông qua triển lãm tranh minh họa của họa sĩ trẻ Tiến Dũng. Đồng thời, các đêm diễn sẽ có sự tương tác, giới thiệu 5 mô hình nhân vật trong mỗi đêm tới khán giả. Có thể nói đây là cách tiếp cận gần gũi với người xem, không giống như cách thức chỉ cần trải chiếu chèo và diễn mà không quan tâm đến sự tương tác với khán giả.

NSƯT Thanh Ngoan- Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết, mỗi đêm diễn, chương trình sẽ có đối thoại giữa nghệ sĩ trong vai trò là nhân vật điển hình của một tích chèo cổ nào đó với khán giả đến xem. Ví dụ đêm thứ nhất với vở chèo “Quan Âm – Thị Kính” sẽ lấy nhân vật đào lẳng là Thị Mầu trong vở “Quan Âm – Thị Kính” và nhân vật Lão trong “Mãng Ông” để nói chuyện chuyên sâu về các nhân vật cho khán giả hiểu, đồng thời nếu có khán giả nào muốn thử sức có thể vào vai diễn và hát. Hay như đêm thứ 3 là kép ngang và đào pha của nhân vật Xúy Vân. Các nghệ sĩ sẽ lý giải với khán giả tại sao màn điên của Xúy Vân lại là những động tác của một người phụ nữ nông thôn hay làm như: Quay tơ, dệt cửi, mơ tưởng tới cảnh gia đình đầm ấm... mà không phải những hành động vô thức, không có ý nghĩa gì. Rồi âm nhạc trong nghệ thuật được thể hiện như thế nào.

“Chúng tôi muốn các bạn trẻ, đặc biệt các bạn trẻ thành phố từ trước tới giờ không biết cấy, cày, không biết làm ruộng như thế nào, qua các đêm diễn này sẽ hiểu được những sinh hoạt đời thường đó được nghệ thuật chèo đưa lên sân khấu theo phương thức ước lệ và cách điệu. Đây cũng là cách tiếp cận gần hơn tới công chúng của chúng tôi để thế hệ lớn tuổi hiểu về chèo càng yêu chèo hơn”- NSƯT Thanh Ngoan tâm sự.

Tự hào về di sản

  Chèo khởi nguồn từ lúa nước, môi trường diễn xướng là từ sân đình, thế nhưng với các thế hệ trẻ từ 8x, 9x thì hầu như không hiểu được chèo được bắt nguồn từ đâu, nơi diễn chèo truyền thống là ở đâu. Tour diễn lần này sẽ đem đến cho các khán giả trẻ những trải nghiệm đó”.
 NSƯT Thanh Ngoan

Dự án “Tôi xê dịch” được thành lập bởi một nhóm các bạn trẻ yêu và có cùng sở thích văn hóa truyền thống như ca trù, tuồng... Và sau 2 năm với sự chuẩn bị cũng như thành công ở các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, êkíp dự án quyết định làm về chèo để mong muốn giới thiệu tập trung tới lớp trẻ, với góc nhìn của lớp trẻ ngày nay tới văn hóa truyền thống, trong đó là nghệ thuật chèo.

Trước sự đam mê và tâm huyết của các bạn trẻ, đạo diễn Đoàn Vinh- người sắp xếp, dàn dựng các vở trích đoạn chèo cổ cho hay,  Nhà hát Chèo Việt Nam đã đứng ra lo liệu từ đầu đến cuối cho tour “Tiếng trống chèo”. Từ khâu tổ chức, đến địa điểm, mà không nhận bất cứ tiền công cũng như cát-xê cho các nghệ sĩ.

“Chúng tôi hợp tác với “Tôi xê dịch” để góp phần nói với các bạn trẻ: Chúng ta nên tự hào với chèo – môn nghệ thuật truyền thống thuần Việt nhất mà cha ông ta đã tạo ra. Sân đình là nơi phù hợp nhất với không gian chèo, và cũng là nơi khởi thủy của sân khấu chèo”- đạo diễn Đoàn Vinh nói.

Còn với nghệ sĩ Bảo Quỳnh- người đóng vai Thị Mầu trong vở “Quân Âm – Thị Kính” thì tâm sự: “Các bạn trẻ hiện nay có quá nhiều thứ để giải trí nên chèo là loại hình sân khấu nghệ thuật truyền thống mà các bạn ấy ít được tiếp cận hơn so với những người trung tuổi. Tôi muốn các bạn trẻ cũng giống như tôi, đầu tiên là đến với chèo với ước nguyện của bố, nhưng rồi sau hai năm học và hiểu về chèo, tôi bắt đầu đam mê và yêu thích. Giờ đây vai diễn Thị Mầu và sân khấu chèo đã gắn chặt với cuộc đời của tôi. Chính vì vậy mà tôi muốn các bạn trẻ sau những buổi diễn như thế sẽ thích và yêu chèo hơn”.

Theo ban tổ chức, chương trình “Tiếng trống chèo” được áp dụng hình thức gây quỹ cộng đồng để thực hiện chương trình. Toàn bộ số tiền mà người tham gia ủng hộ, đóng góp sẽ được dùng để chi trả chi phí tổ chức tour diễn, và sẽ được công khai trên các phương tiện truyền thông. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem