Một loại quả ngon ở Bình Dương, nhìn thấy là thèm, nông dân trúng mùa trúng cả giá

Thứ tư, ngày 19/04/2023 05:22 AM (GMT+7)
Sau thời gian bị ảnh hưởng về giá cả bởi dịch bệnh, lại thêm măng cụt mất mùa do thời tiết bất lợi, năm nay niềm vui đã quay trở lại với nông dân trồng măng cụt ở Bình Dương khi cây măng cho trái nhiều, sản lượng cao hơn.
Bình luận 0

Hầu hết người nông dân trồng măng cụt đất Bình Dương đều cho rằng không quá lo về thị trường, chỉ “thấp thỏm” về giá cả nhưng luôn kỳ vọng “được mùa được luôn cả giá”.

Được mùa măng cụt

Được mệnh danh là “nữ hoàng”, măng cụt là cây ăn trái chủ lực của TP.Thuận An (tỉnh Bình Dương) với thương hiệu măng cụt Lái Thiêu. 

Những năm gần đây, cùng với tốc độ đô thị hóa cũng như sự thiếu ổn định về giá cả, mất mùa liên tục nhưng nhiều nhà vườn vẫn tâm huyết với cây măng cụt, quyết tâm giữ lại cây trồng truyền thống của cha ông. Năm nay thời tiết đã không phụ lòng người, cây măng cụt chi chít trái phủ kín các vườn cây, xua tan phần nào nỗi lo lắng của người nông dân.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn rộng 8 ha, anh Nguyễn Quang Trợ, ấp Phú Hưng, xã An Sơn (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), vui vẻ chia sẻ: “Vườn măng này được trồng từ trước năm 1975, đây là một trong những vườn măng lão quý ở vùng đất này. 

Năm ngoái thời điểm măng ra hoa bị mưa lớn, hoa rụng nhiều khiến các nhà vườn bị mất mùa. Vườn hơn 500 cây măng cụt mà năm ngoái chỉ bán được đúng 70 triệu đồng. Năm nay, chưa biết giá cả ra sao nhưng trước mắt cây măng cụt đậu sai trái, sản lượng cao gấp đôi gấp ba là nông dân đã vui mừng lắm”.

Anh Nguyễn Quang Trợ cho biết cây măng cụt 5 năm đầu chăm sóc hơi cực, nhưng vòng đời thu hoạch rất dài, có cây tới hàng trăm năm. Đặc biệt cây măng càng lâu năm càng cho năng suất cao. 

Vườn măng cụt của gia đình anh thuần hữu cơ, không nằm trong vùng đất bị ô nhiễm nước nên cây khỏe, rễ nhiều. Hiện tại, anh chủ yếu bán hàng trên mạng, hầu như hái đến đâu hết hàng đến đó.

Một loại quả ngon ở Bình Dương, nhìn thấy là thèm, nông dân mừng vì trúng mùa trúng cả giá - Ảnh 2.

Nông dân phấn khởi vì năm nay măng cụt được mùa. Trong ảnh: Anh Nguyễn Quang Trợ bên vườn măng của gia đình tại ấp Phú Hưng, xã An Sơn (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương).

Được biết đến là vùng đất trồng măng cụt mới, sau một thời gian thích nghi và phù hợp với thổ nhưỡng, cây măng cụt Dầu Tiếng đã trở thành cây thế mạnh của huyện. Đặc biệt tại xã Thanh Tuyền, măng cụt trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân. 

Anh Nguyễn Trí Hiện, tổ 10, ấp Suối Cát (xã Thanh Tuyền, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) đã trồng măng cụt được 30 năm với khoảng 60 gốc, hiện mới trồng mới thêm 2.000m2 cũng đang khấp khởi đợi vụ thu hoạch. Theo anh Hiện, năm nay nắng đều nên trúng vụ. 

“Đối với vườn của tôi, nếu được mùa 1 cây đạt khoảng 70kg, thu nhập trung bình được 30 triệu đồng/vụ. Còn khoảng hơn 1 tháng nữa là vào vụ thu hoạch, chỉ mong lúc đó được giá sau 2 năm mất mùa liên tiếp và mất luôn cả giá”, anh Hiện nói.

Bà Nguyễn Ngọc Màu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tuyền, cho biết: “Hiện xã có khoảng 36 hộ trồng măng cụt, có 9 hộ được công nhận măng cụt theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến thời điểm này cây ra trái nhiều, nông dân rất phấn khởi. Hy vọng năm nay giá bán sẽ khả quan hơn”.

Hỗ trợ nhà vườn trồng măng cụt

Theo bà Nguyễn Thụy Minh Chi, Chủ tịch Hội Nông dân TP Thuận An (tỉnh Bình Dương), nếu măng cụt của các địa phương chín cùng một thời điểm dễ rơi vào lượng cung nhiều, giá cả cạnh tranh. 

Măng cụt Lái Thiêu không xảy ra tình trạng tồn đọng vì sản lượng ít. Trước năm 2021 theo quyết định hỗ trợ vườn cây ăn trái đặc sản, Phòng Kinh tế thành phố cấp miễn phí cho bà con thùng giấy thương hiệu măng cụt Lái Thiêu để đóng hàng. Thông qua đó phân biệt được măng cụt Lái Thiêu, giá trị sản phẩm được khẳng định, nâng lên.

“Năm 2023, chính sách hỗ trợ vườn cây ăn trái đã kết thúc. Tuy nhiên, chúng tôi đang xin ý kiến UBND thành phố ủy quyền cho UBND các xã, phường tổ chức cho nông dân đăng ký và tự bỏ chi phí để đặt thùng in nhãn hiệu măng cụt Lái Thiêu. 

Điều này góp phần bảo đảm việc tiêu thụ và giá cả thông qua chất lượng, thương hiệu được khẳng định. Năm nay măng cụt được mùa, nếu gặp khó về đầu ra chính quyền sẵn sàng tập trung hỗ trợ nông dân tiêu thụ”, bà Nguyễn Thụy Minh Chi cho biết thêm.

Tương tự, bà Lê Vân Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương), cũng cho biết huyện đang triển khai chương trình giới thiệu thương hiệu cho tổ hợp tác trồng măng cụt đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ.

Ông Đặng Tấn Lộc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Thuận An (tỉnh Bình Dương), cho rằng nếu măng cụt Lái Thiêu chính gốc không quá lo lắng về giá cả. Sản lượng cũng không đủ để cung cấp cho thị trường. Để hỗ trợ nông dân về quy trình kỹ thuật, trung tâm khuyến cáo bón phân đầy đủ để cây nuôi trái và phòng trừ sâu bệnh từng vụ.

Hiện nay măng cụt được trồng tập trung nhiều ở TP Thuận An và huyện Dầu Tiếng. Tại huyện Dầu Tiếng có diện tích khoảng 800 - 1.200 ha cây ăn trái, riêng măng cụt chủ yếu ở trên địa bàn xã Thanh An và Thanh Tuyền với diện tích 150 ha. 

Ở TP Thuận An, cây ăn trái có khoảng 1.006 ha, trong đó măng cụt chiếm 650 ha, tập trung nhiều ở các phường Hưng Định, Bình Nhâm, An Thạnh, Lái Thiêu và xã An Sơn...

Tiến Hạnh (Báo Bình Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem