Bình Dương phát triển vượt bậc trong 10 năm qua, nhìn về tương lai, tỉnh này đang vướng điểm nghẽn nào?

Nguyên Vỹ Chủ nhật, ngày 29/01/2023 19:58 PM (GMT+7)
Dù đạt được nhiều thành tựu phát triển trong 10 năm qua, mô hình tăng trưởng của Bình Dương vẫn đối diện nhiều thách thức do các điểm nghẽn từ kết nối vùng, cho đến mô hình tổ chức không gian lãnh thổ thiếu tầm nhìn dài hạn.
Bình luận 0

Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đưa ra cấu trúc gồm 1 trục phát triển; 2 hành lang sinh thái; 3 vành đai liên kết; 4 phân vùng phát triển. Nhưng trước hết Bình Dương phải giải quyết điểm nghẽn trong kết nối vùng.

Điểm nghẽn trong kết nối hành lang kinh tế Đông Nam Bộ

Vùng TP.HCM là vùng đô thị lớn vào hàng bậc nhất của khu vực Đông Nam Á trên bộ. Lõi đô thị TP.HCM hướng ra cửa biển Cần Giờ - Gành Rái, hội tụ nguồn lực của khu vực lục địa trong nước và quốc tế rộng lớn, gồm Nam Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Campuchia, Nam Trung Bộ, ĐBSCL.

Theo bà Phạm Thị Nhâm – Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây Dựng), 3 cụm đô thị phía Đông vùng TP.HCM có tốc độ phát triển nhanh và quy mô lớn hơn các đô thị ở phía Tây.

3 cụm này là Bình Dương (gồm TP.Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An); Biên Hòa (gồm TP.Biên Hòa và thị xã Trảng Bom); Long Thành (đô thị sân bay Long Thành và thành phố mới Nhơn Trạch tương lai).

tan/Giải quyết điểm nghẽn cho Bình Dương - Ảnh 1.

Sơ đồ các luồng giao thông vận tải tương lai hướng về trục kinh tế Đông Nam Bộ. Ảnh: T.L

"Quy hoạch tích hợp tỉnh Bình Dương phải sớm hoàn thiện đến chi tiết để trở thành công cụ quan trọng trong hànhchính , quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ tới".

Ông Nguyễn Hoàng Thao -

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương

Các đô thị này liên kết nhau, tạo thành hành lang kinh tế Đông Nam Bộ, đã và đang phát triển bằng động lực tự thân, thậm chí với đà tăng trưởng mạnh hơn TP.HCM.

Hành lang kinh tế Đông Nam Bộ có hình thế khá cân đối (dạng hình thoi). Phía Bắc nối với Tây Nguyên ở vị trí Chơn Thành – Lai Uyên. Phía Nam ra biển Đông ở với chuỗi cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải. Phía Đông hướng ra Bình Thuận (QL.1A) với đầu mối ở Dầu Giây – Long Khánh. Phía Tây chụm vào TP.HCM.

Tuy nhiên, bà Nhâm cho rằng, một số đoạn liên kết hành lang vẫn chưa hình thành mạng lưới hoàn chỉnh. Đặc biệt là trục chính chưa có đoạn nối Tân Uyên – Biên Hòa. Do đó hiệu quả hoạt động của hành lang này còn nhiều hạn chế.

Trong hành lang kinh tế Đông Nam Bộ, đường lõi Quốc lộ 52 là trục khổng lồ, thu hút các luồng vận tải công nghiệp của vùng. Nhưng hiện trạng, việc tập trung của nhiều trục giao thông vào Vành đai 2, thiếu kết nối thẳng từ Tây Nguyên vào Quốc lộ 53, hoạt động chồng lấn với logostics cảng Bình Dương và với đường sắt Bắc Nam, khiến Quốc lộ 52 trở thành điểm nghẽn nan giải ngay cửa ngõ vào TP.HCM.

Với phạm vi hành chính hạn hẹp, không gian đô thị đã bị lấp đầy, sự đan xen hoạt động đô thị, logistics và công nghiệp ở mật độ quá cao tại Dĩ An và Thuận An, các giải pháp xử lý giao thông tại chỗ không thể hứa hẹn tháo gỡ điểm nghẽn này.

Một đoạn Vành đai 3 cơ bản đã được hoàn thành trong địa giới hành chính tỉnh Bình Dương (đường Mỹ Phước – Tân Vạn). Bà Nhâm phân tích, đoạn đường này chỉ có vai trò giảm tắc nghẽn nội tỉnh chứ không khai thông được liên kết vùng, bởi cuối cùng nó cũng vẫn đấu nối vào Quốc lộ 1A vốn đã quá tải.

tan/Giải quyết điểm nghẽn cho Bình Dương - Ảnh 3.

Đường Mỹ Phước – Tân Vạn (một đoạn Vành đai 3) chỉ mới giảm tắc nghẽn nội tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Còn theo KTS Nguyễn Hồng Thục (Đại học Quốc gia Hà Nội), tam giác đô thị TP.HCM – Bình Dương – Biên Hòa hiện đã như một khối đô thị liên tục, được coi là tam giác động lực trọng tâm của vùng TP.HCM. Tam giác này đang nhanh chóng lan tỏa ra các đỉnh kế tiếp. Trước hết là Long Thành ở phía Nam và Tân Uyên ở phía Bắc.

Tuy gọi là tam giác, kết nối trực tiếp giữa Bình Dương và Đồng Nai cũng chưa hình thành rõ nét. Thực tế, Bình Dương và Đồng Nai vẫn đang mượn đường Vành đai 2 đi qua TP.HCM để liên kết 2 tỉnh.

Giải pháp cho Bình Dương và vùng TP.HCM

Theo Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, giải pháp được đề xuất là kéo giãn hành lang vận tải lên phía Bắc, theo Vành đai 3, 4 và 5, thay cho Vành đai 2. Hành lang vận tải này vòng qua Tân Uyên, Biên Hòa, rồi đấu vào cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, bù lấp cho đoạn khuyết lâu nay từ Tân Uyên đến Biên Hòa.

Luồng vận tải công nghiệp sẽ theo các cao tốc, quốc lộ, đại lộ, rẽ vào Vành đai 4 để cung cấp tài nguyên cho trục kinh tế Đông Nam Bộ (thay thế các luồng vận tải trước nay đi theo Vành đai 2 và 3).

Theo bà Nhâm, việc kéo giãn này đồng nghĩa với dịch chuyển trọng tâm đô thị tỉnh lên phía Bắc (Thành phố mới Bình Dương); dịch chuyển luồng vận tải công nghiệp lên Vành đai 4 và 5; dịch chuyển không gian công nghiệp, logistics lên phía Đông Bắc (huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên).

Việc kéo giãn này cũng tiến hành song song với hoàn thiện các kết nối giao thông ở các tỉnh thành khác gồm TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước. Từ đó, các luồng vận tải hướng tâm vào TP.HCM chủ yếu dành cho người và thương mại.

"Đây là tiền đề cho Thuận An, Dĩ An có khoảng trống để tái thiết, chuyển dịch cơ cấu theo hướng đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, tri thức; xứng tầm với vị trí địa lý của chúng" - bà Nhâm nói.

Cũng từ định hướng liên kết vùng, phương án tổ chức không gian lãnh thổ tỉnh Bình Dương sẽ theo mô hình cấu trúc gồm 1 trục phát triển; 2 hành lang sinh thái; 3 Vành đai liên kết; 4 phân vùng phát triển.

Trục phát triển (theo Bắc Nam) sẽ lấy Quốc lộ 13, Bàu Bàng – Mỹ Phước – Tân Vạn; Cao tốc Chơn Thành – TP.HCM; đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh; đường sắt đô thị Suối Tiên – Bàu Bàng … làm trục liên kết, phát triển trục đô thị - công nghiệp - dịch vụ theo từng phân đoạn.

Hai hành lang sinh thái gồm: hành lang phía Đông gắn với trục sông Đồng Nai, và hành lang phía Tây gắn với trục sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng. Các hành lang này phát triển các cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải đường thủy, phát triển các khu đô thị dịch vụ sinh thái, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, khu nông nghiệp sinh thái kết hợp hỗ trợ du lịch.

Ba vành đai liên kết sẽ phát triển mở rộng không gian đô thị, chức năng và khung hạ tầng gắn với 3 vành đai liên kết của vùng TP.HCM gồm: Vành đai 3 – vùng TP.HCM; Vành đai 4 – vùng TP.HCM; Vành đai 5 – vùng TP.HCM.

Trong 4 phân vùng phát triển, vùng đô thị trung tâm (Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một, Bến Cát, Tân Uyên) là nơi tập trung dân cư chủ yếu, phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại dịch vụ.

Huyện Bàu Bàng sẽ là vùng đô thị vệ tinh, trọng tâm của vùng đổi mới sáng tạo, đầu mối phân phối lưu thông giữa Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, TP.HCM.

Tiểu vùng phía Đông Bắc ở 2 huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo sẽ kết nối Tây Nguyên với trục kinh tế Đông Nam Bộ, khai thác hành lang vận tải, sinh thái sông Đồng Nai.

Tiểu vùng phía Tây Bắc ở huyện Dầu Tiếng sẽ phát triển kinh tế sinh thái, du lịch ven sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng, kết nối Tây Nguyên - ĐBSCL, kết nối Tây Ninh - trục kinh tế Đông Nam Bộ.

Theo Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao, liên kết vùng là định hướng đúng. Nhưng kết nối như thế nào để Bình Dương sớm giải quyết các bất ổn từ công nghiệp, dịch vụ đến các dân cư trong tương lai? Tỉnh Bình Dương đồng tình quan điểm dùng dư địa phía Bắc để giải quyết thách thức phía Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem