Đất tổ tiên nhà Trần ở một nơi của Quảng Ninh có 9 lăng mộ, đền thờ; 6 am cổ, chùa cổ

Kim Nương (Cổng TTĐT Bảo tàng Lịch sử QG Việt Nam) Thứ năm, ngày 14/09/2023 18:47 PM (GMT+7)
Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại TX Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh), là đất tổ tiên nhà Trần, là quần thể di tích lăng mộ, đền, chùa, am tháp nơi vùng đất An Sinh cổ xưa, với 14 di tích trải rộng trên 2.206ha thuộc 4 xã An Sinh, Tràng An, Thủy An và Bình Khê...
Bình luận 0
Quần thể di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại TX Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) đã tạo ra vùng “thánh địa” linh thiêng mang đậm yếu tố lịch sử, văn hoá đặc sắc của nhà Trần.

“Trung tâm Phật giáo” của nước Đại Việt dưới thời Trần

Nhà Trần là một trong những triều đại vang danh bậc nhất trong lịch sử dựng nước, giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta. 

Những thành tựu rực rỡ của nhà Trần còn để lại dấu tích ở một số nơi như Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội), Thành Nhà Hồ (Thanh Hoá), Tức Mặc (Nam Định), Tam Đường (Thái Bình), Yên Tử, Bạch Đằng, Đông Triều và Thương cảng Vân Đồn (Quảng Ninh). 

Nhưng không ở đâu, các di tích nhà Trần lại phong phú, đậm đặc và còn nhiều dấu tích dưới lòng đất như ở Đông Triều, bởi đây được coi là quê gốc của một triều đại vang danh trong lịch sử dân tộc.

Triều Trần (1225 - 1400) với võ công, văn trị hiển hách, đã mở ra một kỷ nguyên hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. 

Theo tư liệu lịch sử và phả tộc họ Trần, vùng Đông Triều chính là đất tụ cư đầu tiên của họ Trần ở nước ta, sau đó, vùng đất này được vua Trần Thái Tông ban cho anh trai là Trần Liễu làm ấp thang mộc, chính vì vậy, nơi đây luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các vua nhà Trần.

Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều hiện nay được định hình rõ nét về mặt quy mô từ sau năm 1299, khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông đến Yên Tử tu hành, lập nên Thiền phái Trúc Lâm. 

Đến cuối thế kỷ XIV, nhiều lăng mộ của vua Trần được xây dựng hoặc di chuyển về Đông Triều. Cùng với việc xây dựng lăng mộ, triều đình còn xây dựng đền, miếu để thờ cúng các bậc tiên đế, cùng nhiều công trình kiến trúc tôn giáo để phục vụ cho việc tu hành, giảng đạo. 

Vì thế, nơi đây đã trở thành một vùng “thánh địa” linh thiêng, nơi tập trung nhiều kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn của triều đại nhà Trần. Đông Triều còn được xem như là một trong những trung tâm lịch sử, văn hoá đặc biệt tiêu biểu, là “Trung tâm Phật giáo” của nước Đại Việt dưới thời Trần.

Hệ thống đền thờ, lăng miếu của các vua Trần

1. Lăng Tư Phúc (lăng Vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông)

Đất tổ tiên nhà Trần ở một nơi của Quảng Ninh có 9 lăng mộ, đền thờ; 6 am cổ, chùa cổ - Ảnh 1.

Nằm trên một quả đồi thấp (xưa kia còn gọi là núi An Bài), thuộc thôn Trại Lốc, xã An Sinh. Theo sách Trần Triều Thánh tổ các xứ địa đồ, xưa kia, lăng Tư Phúc nằm trong một khuôn viên rộng, có núi bao bọc, bên trái có bia đá, bên trong có ba nền điện thờ...

Phía sau lăng Tư Phúc là khuôn viên có tường bao, trong tường bao là ba nền lăng. Hiện nay, di tích chỉ còn lại phế tích kiến trúc. Năm 2009, các nhà khảo cổ học tiến hành khai quật thăm dò tại di tích, đã phát lộ dấu vết một số kiến trúc.

2. Thái Lăng (lăng Vua Trần Anh Tông)

Là nơi an táng vua Trần Anh Tông và người vợ của ông là Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng hậu. Lăng được xây dựng trên một quả đồi thấp, có tên là đồi Trán Quỷ, thuộc địa bàn xã An Sinh. Hiện nay, di tích chỉ còn lại phế tích kiến trúc. Khi tiến hành khai quật tại đây, các nhà khảo cổ học đã xác định được cấu trúc mặt bằng của lăng gồm có ba cấp nền.

3. Mục lăng (lăng Vua Trần Minh Tông)

Tọa lạc tại chân đồi Khe Gạch, thuộc địa phận xã An Sinh. Theo Trần Triều lăng tẩm đồ mạn ký, Mục lăng có ba nền. Hiện nay, Mục lăng đã bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn dấu tích ở vị trí phía dưới đập Trại Lốc.

4. Ngải Sơn lăng (lăng Vua Trần Hiến Tông)

Tọa lạc tại chân đồi thuộc khu Ao Bèo, thôn Trại Lốc 2, xã An Sinh. Theo thư tịch cổ, lăng Trần Hiến Tông có mặt bằng hình chữ nhật, phần mộ ở giữa hình vuông. 

Lăng chỉ có một cửa vào duy nhất từ phía Nam; trong cửa là hai dãy tượng thú và quan hầu bằng đá, được đặt đăng đối nhau, chạy dài đến tận phần mộ; phía sau cùng là điện miếu tế lễ. 

Hiện nay, ở quanh lăng còn có rất nhiều gạch, đặc biệt có loại gạch hình chữ nhật, bên sườn có chữ "Vĩnh Ninh trường" (gạch Vĩnh Ninh), nhiều mảnh ngói trang trí hình cánh sen, có hoạ tiết cúc dây.

5. Phụ Sơn lăng (lăng Vua Trần Dụ Tông)

Được xây dựng trên một khu đất cao, bao quanh bởi các khoảnh ruộng thấp (vốn trước đây là những dòng nước chảy quanh lăng), thuộc địa bàn xã An Sinh. 

Hiện nay, Phụ Sơn lăng chỉ còn là phế tích, huyện Đông Triều đã cho đặt tại lăng một cây hương và một bàn thờ bằng đá. Năm 2012, khi tiến hành khai quật tại khu vực này, đã xác định được dấu tích một số khu vực kiến trúc của Phụ Sơn lăng, như tẩm điện chính, hành lang, tường bao…

6. Nguyên lăng (lăng Vua Trần Nghệ Tông)

Quay hướng Nam, nằm trên một sống đất cao, ba phía Đông - Tây - Bắc được bao bọc bởi dãy núi Đốc Trại. Lăng thuộc địa phận Khe Nghệ, thôn Bãi Dài, xã An Sinh. 

Sách Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ chép về Nguyên lăng như sau: “Bốn mặt vết tường gạch dài 1 trượng (3,3m), rộng 2 thước (0,66m). 

Mộ ở trong tường, có đường kính 3 thước 5 tấc (1,15m)”. Hiện nay, di tích đã bị phá hủy, chỉ còn là phế tích. Qua khai quật khảo cổ đã xác định được hai khu vực thuộc di tích: khu vực chính tẩm (trung tâm của lăng), khu vực hành lễ, huyệt mộ...

7. Hy Lăng (Đồng Hy lăng, lăng mộ giả của Vua Trần Duệ Tông và Trần Thuận Tông)

Toạ lạc ở núi Ngọc Thanh, thôn Đạm Thủy, xã Thủy An, được xây dựng năm 1377, với tổng diện tích khoảng 1 ha. Sách Trần Triều Thánh tổ các xứ địa đồ chép về lăng như sau: “tường bao ngoài của lăng có chiều Đông Bắc dài 5 trượng 6 thước; chiều Tây Nam dài 2 trượng 2 thước. 

Bốn mặt xây đá, dài hơn một dặm, còn lại là tường đất. Tường trong dài 2,2 trượng, rộng 8 thước. Miếu có nền dài 2 trượng 5 thước, rộng 1 trượng 2 thước. 

Có một bệ đá dài 4,1 thước; một bệ đất dài 2,9 thước. Cả hai bệ đều rộng 2,1 thước và cao 1,3 thước”. Hiện nay, lăng đã bị phá hủy, chỉ còn phế tích kiến trúc.

8. Đền An Sinh (Điện An Sinh)

Toạ lạc trên một đồi đất thuộc địa bàn thôn Trại Lốc, xã An Sinh. Theo sách Trần Triều Thánh tổ các xứ địa đồ: đền An Sinh được xây dựng vào thời Trần, thờ 5 vị hoàng đế nhà Trần, có mặt bằng kiến trúc hình chữ “Công”, gồm bái đường, ống muống và hậu cung. 

Đến thời Nguyễn, điện được xây dựng lại theo bố cục hình chữ “Tam”, thờ 8 vị hoàng đế nhà Trần. Bên cạnh đền có hai miếu nhỏ, để thờ bà Hoàng và Khổng Tử, xung quanh có thành rộng bao bọc, phía trước cửa có bia nhỏ đề "Hạ mã" và "Tiêu diệc". 

Đền An Sinh ngày nay có diện tích hơn 1000m2, mặt bằng kiến trúc dạng chữ “Công”, gồm 5 gian tiền đường, một toà trung điện và 5 gian 2 chái hậu cung, với kết cấu hai tầng tám mái, các bộ vì kèo dạng chồng rường, giá chiêng. 

Đền là nơi thờ Trần Hưng Đạo, Công đồng, Sơn thần, Thổ địa và 8 vị vua Trần. Trong khuôn viên đền hiện còn lưu giữ rất nhiều hiện vật có giá trị và vật trang trí kiến trúc bằng đất nung có khung niên đại khoảng thế kỷ XIV- XVIII, như: bia đá, mảnh tháp, gạch, ngói, linh thú…

9. Đền Thái

Đất tổ tiên nhà Trần ở một nơi của Quảng Ninh có 9 lăng mộ, đền thờ; 6 am cổ, chùa cổ - Ảnh 2.

Đền Thái, xã An Sinh, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Nằm trên đồi Đình, thuộc thôn Trại Lốc, xã An Sinh. Khởi nguyên, đây chính là Tiên miếu, do An Sinh Vương Trần Liễu xây dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIII, thờ tổ tiên nhà Trần và Trần Thừa, sau đó, bài vị của các vua Trần được đưa về đây thờ cúng và Tiên miếu được đổi thành Thái miếu. 

Thời Nguyễn, di tích bị tàn phá, nên dân làng đã xây dựng lại một ngôi đình, gọi là đình Đốc Trại, thờ 8 vị vua Trần và được triều đình sắc phong là Thành hoàng của làng Đốc Trại. 

Hiện nay, các công trình này cũng đã trở thành phế tích. Kết quả khảo sát, thăm dò khai quật khảo cổ tại di tích cho thấy, đền Thái có hai lớp kiến trúc thời Trần và Nguyễn.

Hệ thống am – chùa của các vua Trần

1. Am - chùa Ngọa Vân

Nằm trên núi Bảo Đài, ở độ cao 600m so với mực nước biển, thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê. Ngọa Vân là địa danh gắn với nơi tu hành và viên tịch của vị Tổ thứ nhất Thiền phái Trúc lâm - Trần Nhân Tông, cùng một số cao tăng thời Trần và Lê Trung hưng. 

Di tích hiện đã bị phá hủy nặng nề. Kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ học tại khu vực này đã xác định được dấu vết của một số công trình cùng hiện vật có niên đại thời Trần và thời Lê Trung hưng, như di tích Thông Đàn, khu vực Đá Chồng, khu ba bậc, khu vực Am - chùa Ngọa Vân.

2. Chùa Hồ Thiên (Trù Phong tự)

Được khởi dựng vào thời Trần, nằm ở phía Nam dãy Phật Sơn, thuộc thôn Phú Ninh, xã Bình Khê. Tương truyền, địa điểm này là nơi đăng đàn thuyết pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông và Pháp Loa. Di tích nay chỉ còn là phế tích.

3. Chùa Quỳnh Lâm

Toạ lạc trên một ngọn đồi (núi Tiên Du), thuộc xã Tràng An. Chùa được khởi dựng từ thời Lý, mở mang vào thời Trần. Pháp Loa - vị Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm, đã cho xây dựng và mở mang chùa thành một trong những trung tâm phật giáo lớn đương thời. 

Chùa còn trải qua nhiều lần trùng tu vào thời Lê và Nguyễn, nhưng đến nay chỉ còn là phế tích. Qua khai quật khảo cổ, đã phát hiện dấu vết nền móng của một số lớp kiến trúc xếp chồng lên nhau, mang dấu ấn thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn. Ngôi chùa hiện nay có mặt bằng kiến trúc dạng chữ “Công”, gồm bái đường, trung đường, hậu đường. 

Trong khuôn viên chùa hiện còn lưu giữ được tấm bia trang trí hình rồng và hai bệ rồng mang phong cách nghệ thuật thời Lý và hệ thống tháp cổ được ghép bằng đá xanh ở trước sân chùa.

Đất tổ tiên nhà Trần ở một nơi của Quảng Ninh có 9 lăng mộ, đền thờ; 6 am cổ, chùa cổ - Ảnh 3.

Chùa Quỳnh Lâm.

4. Chùa Trung Tiết (chùa Tuyết)

Tọa lạc trên một quả đồi thấp, thuộc thôn Nghĩa Hưng, xã An Sinh. Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ hai vị cận thần của vua Trần Anh Tông là Thái học sinh Đặng Tảo và Gia nhi Chủ nô Lê Chung. 

Ngôi chùa hiện nay mới được tu bổ, tôn tạo lại vào đầu thế kỷ XX, gồm các hạng mục: tam quan, chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu và một số công trình phụ trợ khác...

5. Chùa - quán Ngọc Thanh

Nằm ở sườn phía Đông của dãy núi Đạm Thủy, cùng khu vực lăng Đồng Hy, thuộc thôn Đạm Thủy, xã Thủy An. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Lăng Đồng Hy: lăng Trần Duệ Tông và Thuận Tông, ở núi Ngọc Thanh xã Đạm Thủy, huyện Đông Triều, có bi chí. 

Đời Xương Phù dựng chùa quán, dấu cũ vẫn còn”. Như vậy, chùa và quán Ngọc Thanh đều được xây dựng vào đời Vua Trần Phế Đế - Vua Trần Giản Hoàng (1377-1388). 

Di tích nay chỉ còn phế tích. Năm 1990, tại nền cũ, nhân dân địa phương đã xây dựng chùa thờ Phật và đền thờ Đức Thánh Trần. Chùa Ngọc Thanh có mặt bằng kiến trúc dạng chữ “Đinh”, gồm bái đường (ba gian, hai chái) và ba gian hậu cung. 

Đền thờ Đức Thánh Trần nằm phía sau chùa, có bố cục mặt bằng hình chữ “Nhất”, gồm 3 gian, xây theo lối tường hồi bít đốc.

6. Am Mộc Cảo

Nằm bên tả ngạn suối Phủ Am Trà, thôn Trại Lốc, xã An Sinh, cách Thái lăng 1,5km về phía Tây Bắc. Am là nơi ở của Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng thái hậu để phụng thờ và chăm sóc lăng mộ vua Trần Anh Tông. Hiện nay, tại đây chỉ còn lại dấu tích nền móng của am xưa.

Bên cạnh giá trị về kiến trúc, Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều còn lưu giữ khá nhiều di vật, cổ vật có giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học, gồm: bia đá, chân tảng đá, gạch, ngói trang trí, đồ gốm các loại, tháp đá, tượng voi, ngựa...

Ngoài ra, Khu di tích còn là nơi lưu giữ và duy trì nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo gắn với lịch sử vùng đất, tiêu biểu là lễ hội đền An Sinh, lễ hội chùa Quỳnh Lâm và chùa - quán Ngọc Thanh...

Với những giá trị đặc biệt của Khu di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều (huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem