Mang trái cây Việt đi khắp thế giới

Chủ nhật, ngày 06/09/2020 09:02 AM (GMT+7)
Hiếm có doanh nhân Việt Nam nào tâm huyết "trái cây made in Vietnam" như ông Nguyễn Lâm Viên với thương hiệu Vinamit. Trò chuyện với Thế giới Tiếp thị cả buổi, doanh nhân khởi nghiệp từ năm 1988 vẫn như ngày đầu, say sưa nói về cây trái, nông nghiệp hữu cơ sạch và những nỗi niềm trăn trở với sản vật quê nhà.
Bình luận 0

Từ năm 1988, khi bắt đầu gầy dựng Vinamit, ông chủ Vinamit đã chọn hướng đi riêng, đó là tạo ra những sản phẩm nông nghiệp tự nhiên, từ quy trình canh tác, thu hoạch đến chế biến.

Mang trái cây Việt đi khắp thế giới - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit giới thiệu các sản phẩm. Ảnh: TL

Dấn thân

Ngày đó ông Viên chú tâm mang trái cây quê đi bán ở xứ người. Bắt đầu từ trái mít. Nhiều người thắc mắc, ông nói: "Việt Nam là nước nông nghiệp, lâu nay vẫn "bán trong nhà", nên dù làm tốt cỡ nào cũng luôn khó bán. Những năm 1990, cầm 500 đồng ra chợ đã mua được một kg mít tươi trong khi tôi bán mít khô ở nước ngoài giá 6 USD/kg (khoảng 70.000 đồng lúc bấy giờ). Nếu lúc đó xác định thị trường trong nước sẽ thua vì người tiêu dùng thích ăn mít tươi hơn là mít sấy khô".

Năm 1991, ông Viên đem mít khô đi dự triển lãm ở Đài Loan, Singapore, Hồng Kông… "Khách dự hội chợ xúm vào ăn thử. Thiệt lạ, nhiều người ra nước ngoài thấy hàng Vinamit bán đầy các siêu thị, cứ tưởng Vinamit là doanh nghiệp của Đài Loan! Hiện nông sản sấy khô do Vinamit cung cấp thị trường Việt chỉ chiếm 20-30%, phần còn lại là xuất khẩu", ông Viên nói.

"Sản xuất kinh doanh đừng chờ đợi vào sự đồng cảm của người tiêu dùng mà hãy chứng minh giá trị sản phẩm", ông Viên khẳng định.

"Hãy làm không giống ai"

Ông Viên tâm sự: "Hãy làm sản phẩm không giống ai. Điều đó sẽ tạo ra sự bùng nổ. Khác biệt nhưng phải phù hợp với thị hiếu". Hơn 30 năm trước, ông Viên mày mò sang Đài Loan mua máy nhỏ về thử nghiệm rồi chế tạo ra máy lớn để sấy khô mít. Lúc đó mít tươi là "bá chủ", bỗng xuất hiện mít khô của Vinamit với hàm lượng dinh dưỡng tương đương, thuận tiện sử dụng, vận chuyển, bảo quản… Đó là sự khác biệt đầu tiên của ông Viên.   

Năm 2018, Vinamit tung ra những sản phẩm "kỳ cục": "nước mía tươi sấy khô", "café tươi sấy khô"… đã làm nhiều người tiêu dùng sững sờ. Nước mía sấy khô chuyển thành dạng bột, chỉ cần cho nước vào bột vài phút là có ngay ly nước mía tươi. Quả là khác biệt. Quá lạ.

Ông Viên chọn thị trường Mỹ để tung sản phẩm "nước mía tươi sấy khô". Ở Mỹ nếu muốn mua ly nước mía tươi, ngoài việc tốn 6 USD, còn phải đi xuống phố mua, về tới nhà mất 45 phút - 1 tiếng di chuyển nên nước mía chua. Khi Vinamit tung ra nước mía tươi sấy khô, một công ty ở New York chuyên bán sản phẩm mía đã phải mua hàng của Vinamit để bán. Ông Viên còn có tham vọng "đem cả vườn cây" vào từng nhà khách hàng, dù ở bất cứ đâu, vùng băng giá hay sa mạc…

"Chấp nhận khốc liệt"

Ông Viên chia sẻ: "Muốn đột phá đừng bao giờ sợ thời gian. Khi đưa ra thị trường sản phẩm đơn giản ai cũng làm được thì sẽ không thắng ai. Chỉ tồn tại những sản phẩm tinh tế, độc đáo và đáp ứng tiêu chuẩn khắc nghiệt của thị trường. Dù đủ tiêu chuẩn nhưng không kiên trì đeo bám để tạo thị trường cũng không nhà phân phối nào bán giúp vì họ chỉ bán cái gì có người mua. Khi đã tạo chỗ đứng trên thị trường, phải biết thâu tóm bằng giải pháp "lỗ có kế hoạch", sau đó mới tính tới lợi nhuận. Đã là doanh nghiệp phải chấp nhận khốc liệt của thương trường".

Khởi nghiệp trong lĩnh vực chế biến trái cây vào năm 1988, đến nay, Vinamit đã đạt được nhiều chứng chỉ quốc tế về an toàn thực phẩm, hữu cơ, như: HACCP; HALAL; KOSHER; ISO 9001: 2008; FDA; Organic USDA; Organic EU, Organic China… Hiện 65% sản phẩm của Vinamit được xuất sang Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Châu Âu, Bắc Mỹ... Trong nước, sản phẩm Vinamit có mặt trên các hệ thống siêu thị như Metro, BigC, Co-opmart…

30 năm trước, ông Viên đích thân đem mít sấy sang chào hàng ở các chợ đầu mối bên Đài Loan, Trung Quốc… Lúc đó, theo lời ông, bạn hàng lắc đầu vì họ chỉ biết mít… tươi! Ông không bỏ cuộc, đem hàng bày trên vỉa hè vào dịp Tết. Khi các bà nội trợ Đài Loan mua sắm, tôi mời họ nếm thử. Họ nếm thấy lạ rồi xúm nhau mua. Các nhà buôn chứng kiến cảnh đó. Họ không bỏ lỡ cơ hội. Vậy là Vinamit tìm được chỗ đứng ở Đài Loan.

Sang Trung Quốc, ông Viên thuê người địa phương phát hàng cho người dân ăn thử. Lúc ấy đa phần doanh nhân bên ấy đi xe lửa nên đích thân ông Viên đem mít lên tàu mời họ... nhâm nhi để vơi nỗi mệt đường dài. "Đó là cách mình mời họ và cho họ nhìn thấy cơ hội của chính họ. Chính những chuyến xe lửa như vậy đã đưa Vinamit tiến vào thị trường Trung Quốc. Hồi đó làm chủ rồi, nhưng mỗi tháng tôi dành 20 ngày ở ngoại quốc để khai phá thị trường, từ lỗ cho tới lời… Nhờ vậy mới có Vinamit hôm nay", ông Viên tâm sự.

(Nguồn Thế Giới Tiếp Thị)

Cao Nguyễn Đông Anh (Nguồn Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem