Mạnh tay xử lý “cò” để ngăn ngừa lao động trốn ở lại Hàn Quốc

Thứ sáu, ngày 25/01/2013 15:33 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là đề xuất của chính các gia đình ở Hà Tĩnh có con em đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc. Vì mất nhiều tiền cho “cò” nên LĐ phải trốn ở lại làm thêm. Nếu giải quyết được vấn nạn này, tình trạng LĐ bỏ trốn có thể giảm.
Bình luận 0

Thu nhập cao, lao động bỏ trốn lớn

Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), chương trình hợp tác LĐ Việt Nam - Hàn Quốc được bắt đầu từ năm 1993. Hiện nay cả nước có trên 75.000 LĐ đang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm (EPS), Chương trình thuyền viên, Chương trình LĐ thẻ vàng và Chương trình thực tập nâng cao tay nghề.

Trong đó, Chương trình EPS được giao cho Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐTBXH triển khai thực hiện. Ông Phan Văn Minh - Giám đốc trung tâm cho biết, từ năm 2004 đến nay, Chương trình EPS đã đưa 70.000 LĐ Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc. Tổng chi phí toàn bộ cho 1 LĐ khi làm thủ tục xuất cảnh khoảng từ 1.200- 1.300USD và mức thu nhập trung bình của mỗi LĐ Việt Nam trên đất Hàn Quốc đạt 900-1.200 USD/người/tháng, nhiều LĐ thu nhập đạt 1.500-2.000USD tháng.

Tuy nhiên, cả nước có trên 10.000 LĐ hết hạn hợp đồng không chịu về nước. Số LĐ này bỏ trốn khỏi nơi làm việc, hoặc vẫn làm việc tại cơ sở cũ nhưng vì hết hạn hợp đồng nên trở thành LĐ bất hợp pháp. Trong đó Hà Tĩnh có 668 LĐ bỏ trốn, đứng thứ 5 cả nước. Do tỷ lệ LĐ bỏ trốn nhiều, Hàn Quốc đã tạm dừng tiếp nhận LĐ Việt Nam. Mục tiêu đưa khoảng 15.000 LĐ Việt Nam đi Hàn Quốc trong năm 2013 có thể bị gián đoạn. Điều đó là khá đáng tiếc.

Tại Hà Tĩnh có 5.500 LĐ làm việc tại Hàn Quốc đi theo Chương trình EPS và LĐ thuyền viên. Ông Nguyễn Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Bình quân mỗi xã, phường, thị trấn của Hà Tĩnh có trên 20 người đang làm việc tại Hàn Quốc, mỗi năm LĐ gửi về nước số tiền trên 850 tỷ đồng, bằng 20% tổng thu ngân sách của Hà Tĩnh trong 1 năm”. Khi Hàn Quốc tạm dừng nhận LĐ Việt Nam, hơn 700 hồ sơ đã đăng ký đi làm việc tại Hàn Quốc năm 2012, 2013 theo Chương trình EPS của tỉnh này bị ách lại.

Ông Nguyễn Thanh Hòa - Thứ trưởng Thường trực Bộ LĐTBXH khẳng định, nếu tỉnh không vào cuộc quyết liệt thì số LĐ bị ách lại trên địa bàn thiệt thòi, và lượng kiều hối gửi về cũng giảm, ảnh hưởng tới nguồn thu của tỉnh.

Giải pháp: Cần từ nhiều phía

Nhìn từ góc độ người lao động, ông Trần Văn Dần - Trưởng thôn 2, xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân cho biết: “Nguyên nhân khiến LĐ bỏ trốn ở lại khi hết hạn hợp đồng là người LĐ mất khoản chi phí làm thủ tục quá lớn vì phải thông qua cò mới đi được. Họ ở lại làm việc để kiếm thêm để trả nợ và vớt vát lại chi phí bỏ ra trước khi đi”. Thông tin mà ông Dần đưa ra tại hội nghị là chi phí đi qua “cò” lên đến 180-250 triệu đồng/người.

Vì vậy, ông Dần và nhiều LĐ khác cho rằng, để giải quyết việc này, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý mạnh tay đối với các đối tượng “cò” XKLĐ, hạn chế người LĐ mất tiền oan trong quá trình làm hồ sơ đi XKLĐ.

Liên quan tới thông tin “cò” lao động, ông Nguyễn Thanh Hòa cho biết, nhiều nơi LĐ bảo phải chạy “cò” 200-300 triệu đồng để đi Hàn Quốc. Nhưng khi hỏi “cò” nào, đưa tiền cho ai, vì sao phải đưa thì không LĐ nào trả lời được. Vì vậy, vấn đề đầu tiên là LĐ cần tìm hiểu kỹ quy trình, tránh mất tiền cho “cò”. Sau đó, nếu vẫn bị “làm khó dễ” thì có thể báo cho cơ quan an ninh, hoặc báo cho Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Từ 1.2007 đến 12.2012, Việt Nam đã đưa tổng số 55.541 lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc theo Chương trình EPS, làm việc ở 4 nhóm ngành chính: Sản xuất chế tạo; xây dựng; nông nghiệp; ngư nghiệp (dẫn đầu là lĩnh vực sản xuất chế tạo, tiếp theo là xây dựng, nông nghiệp).

Ông Lương Đức Long- Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho rằng, nhiều LĐ không bị lừa, không bị cò mồi cũng vin vào lý do trên đề ngụy biện cho việc bỏ trốn. Vì vậy, cần có chế tài đối với số LĐ này.

Trước nguy cơ nhiều LĐ mất cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc, tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ quyết tâm hạn chế lao động bỏ trốn. Ông Nguyễn Thiện cho biết, tỉnh sẽ thực hiện biện pháp nêu rõ tên, tuổi, địa chỉ của từng LĐ hết hạn hợp đồng còn cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và tuyên dương các LĐ về nước đúng hạn trên các phương tiện báo chí và niêm yết danh sách đến tận thôn, xóm… Tỉnh cũng đã giao cho UBND các huyện, xã tuyên truyền vận động con em về nước; không công nhận danh hiệu gia đình văn hóa đối với các gia đình có con em cư trú bất hợp pháp.

Ông Nguyễn Thanh Hòa cũng đưa ra nhiều giải pháp căn cơ như yêu cầu người LĐ đặt cọc tiền thế chấp, phạt hành chính LĐ và người liên quan… Phía Việt Nam cũng sẽ đề xuất để Hàn Quốc tăng cường giám sát, kiểm soát và xử phạt chủ sử dụng LĐ bỏ trốn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem