XKLĐ đi Hàn Quốc: Còn nhiều cánh cửa đang mở

Thứ năm, ngày 15/12/2011 09:00 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chương trình EPS hiện đang “nóng” với kỳ kiểm tra ngày 17 - 18.12 và 26-30.12. Rất ít lao động biết rằng, ngoài EPS, còn nhiều cánh cửa khác để có thể đến với thị trường lao động này.
Bình luận 0

Cơ hội cho người có tay nghề

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), hiện có 2 chương trình đang tuyển lao động song song với Chương trình EPS là Chương trình thuyền viên tàu cá gần bờ (lao động thuỷ sản) và Chương trình thẻ vàng.

img
Truyền đạt kỹ năng nghề cho lao động đi Hàn Quốc.

Ông Tống Hải Nam - trưởng phòng Thị trường lao động cho biết, đối tượng tuyển chọn lao động ngành thuỷ sản là người đang sinh sống tại địa phương có khả năng đi biển và kinh nghiệm đánh bắt thuỷ hải sản, tuổi từ 20 đến 40. Lao động sẽ đi làm công việc liên quan đến đánh bắt hải sản gần bờ (đánh bắt, vắt lưới...).

7 doanh nghiệp thực hiện Chương trình thuyền viên tàu cá gần bờ :

1. Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực Hoàng Long (Hoang Long Huresu);

2. Công ty TNHH Một thành viên Xuất khẩu lao động – Thương mại và Du lịch (Sovilaco);

3. Công ty TNHH Một thành viên Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Sona);

4. Công ty Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư giao thông vận tải (Tracimexco);

5. Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động, Thương mại và Du lịch (TTLC);

6. Công ty TNHH Cung ứng nhân lực và Thương mại quốc tế Sao Việt (SAOVIET INCORES CO., LTD);

7. Công ty TNHH Một thành viên đào tạo và cung ứng nhân lực – Haui (LETCO).

“Vì là lao động nghề đặc thù nên ngành này chỉ tuyển lao động vùng biển. Những năm trước, đã từng có nhiều lao động vùng đồng bằng đánh liều đi nhưng rồi không trụ được vì bị say sóng, sức khoẻ yếu”- ông Hải Nam cho hay.

Theo quy định, thời hạn hợp đồng của chương trình này là 3 năm, có thể gia hạn thêm 2 năm. Lương cơ bản: 900.000 won/tháng (tương đương 18.000.000 đồng/tháng). Tổng chi phí xuất cảnh: Không quá 90 triệu đồng. Tuy nhiên, điều gây khó khăn là lao động có có thể phải đóng tiền ký quỹ từ 60-80 triệu đồng.

Chương trình “kén” lao động nhất, nhưng nếu lao động đạt yêu cầu thì dễ đi nhất và được ưu đãi nhiều nhất- đó là Chương trình thẻ vàng. Đây là một hình thức quản lý lao động mới của Hàn Quốc để cấp riêng cho những lao động kỹ thuật cao. Lao động sẽ được cấp visa màu vàng và được hưởng rất nhiều ưu đãi.

Tuy nhiên, chương trình này khó dành cho lao động nông thôn bởi Hàn Quốc đòi hỏi có 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao; có trình độ tương đương hoặc cao hơn cử nhân trong lĩnh vực liên quan, có thời gian làm việc trên 2 năm trong lĩnh vực chuyên môn yêu cầu.

Những nghịch lý

Dù rất nhiều lao động mong muốn đi làm việc tại Hàn Quốc, nhưng theo ông Vũ Minh Xuyên - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Xuất khẩu lao động – Thương mại và Du lịch (Sovilaco) thì lao động ngành thuỷ sản lại rất khó tuyển. “Hiện nay, mỗi năm Hiệp hội Thuỷ sản Hàn Quốc cần khoảng 2.000 lao động thuỷ sản từ Việt Nam nhưng 7 doanh nghiệp tham gia chương trình này chỉ cung ứng được khoảng hơn 1.000 lao động”- ông Xuyên nói.

Khoảng 1.900 phòng thi phục vụ lao động

Ngày 14.12, trao đổi với PV NTNN, ông Phan Văn Minh – Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết: “Công tác chuẩn bị cho kỳ kiểm tra ngày 17 - 18.12 tới thời điểm hiện tại đã hoàn tất, vấn đề quan trọng nhất là nhân lực cũng đã được tập huấn kỹ càng và chu đáo. Riêng cơ sở vật chất, chủ yếu là điểm thi thuộc các trường đại học nên phải đến chiều thứ 6 (ngày 16.12) mới tổ chức tổng rà soát lại lần cuối được. Với khoảng gần 70.000 thí sinh dự kiểm tra trong đợt này, tổng số phòng thi khoảng 1.900 phòng tại 5 tỉnh thành trên toàn quốc”.

Lý do của sự khó tuyển này là vì chương trình chỉ tuyển lao động vùng biển, trong khi lao động vùng này lại đổ dồn đi theo Chương trình EPS. Một lý do nữa, theo ông Xuyên- là chi phí khá cao so với Chương trình EPS và điều kiện làm việc vất vả hơn.

Cùng nhận định này, ông Nguyễn Xuân An- Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ cho biết, chương trình này hầu như chỉ tuyển được lao động ở các vùng từ Thanh Hoá vào tới Quảng Bình. “Theo đánh giá của chúng tôi, lao động ngành thuỷ sản ở Hàn Quốc làm gần bờ chứ không phải lênh đênh hàng tháng trên biển như lao động xa bờ.

So với làm nghề biển ở Việt Nam thì điều kiện lao động khá tốt nhưng các doanh nghiệp cũng phản ánh là khó tuyển. Hiện chỉ có Công ty XKLĐ Hoàng Long đưa được khoảng 170 lao động đi trong năm 2011, các doanh nghiệp khác chỉ đưa được chừng 100 lao động đổ lại. Trong khi nhu cầu của lao động ngành này cao”. Hiện nay, do khó tuyển lao động Việt Nam, các chủ tàu Hàn Quốc đã lựa chọn lao động Indonesia và Trung Quốc.

Riêng về lao động thẻ vàng, hiện mới có lác đác một vài doanh nghiệp thông báo tuyển dụng, nhưng số lượng đi được vẫn còn rất ít.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem