Masan và chiến thuật mới giúp VinCommerce có lợi nhuận từ chuỗi siêu thị, cửa hàng Vinmart

Đoan Trang Thứ ba, ngày 30/03/2021 18:09 PM (GMT+7)
Mô hình siêu thị VinMart sẽ tiếp tục được gia tăng hiệu quả và tái định vị nhằm thúc đẩy thêm lợi nhuận.
Bình luận 0
Masan và chiến thuật mới giúp VinCommerce có lợi nhuận từ chuỗi siêu thị, cửa hàng Vinmart - Ảnh 1.

Sau khi sáp nhập về Masan, lần đầu tiên chuỗi siêu thị, cửa hàng mini Vinmart, Vinmart + đã có lợi nhuận dương với 16 tỉ đồng.

16 tỉ đồng quan trọng

Một trong những dấu ấn nổi bật của Masan Group thời gian qua là đưa VinCommerce tời điểm hòa vốn EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao tài sản) trong quý IV/2020. Đây là mục tiêu không dễ đạt được trong bối cảnh dịch bệnh gây khó khăn cho nền kinh tế và trước đó, VinCommerce còn ghi nhận lỗ.

Cụ thể, trong quý IV/2020, VinCommerce đã đạt EBITDA (lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao) dương 16 tỉ đồng, tương ứng tỉ suất 0,2%. Điều này đánh dấu một cột mốc quan trọng với mảng bán lẻ của Masan Group, tạo tiền đề cho sự chuyển đổi trong năm 2021.

Sau khi M&A và tiếp quản VinCommerce từ Vingroup, Masan đã tái cấu trúc hệ thống bán lẻ này theo 2 hướng: Thứ nhất, cải thiện hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống bao gồm: Tối ưu hóa danh mục sản phẩm, tăng tỉ trọng hàng tươi sống, áp dụng chính sách bán hàng hấp dẫn, cũng như điều chỉnh mô hình hoạt động của VinMart+ với cách bài trí mới... 

Thứ 2, VinCommerce đóng cửa các siêu thị, cửa hàng tiện ích hoạt động kém hiệu quả từ đầu năm, đó là các điểm bán có tỉ lệ doanh thu/m2 thấp hơn 50% so với mức yêu cầu để đạt điểm hòa vốn. Song song, VinCommerce cũng mở mới nhiều cửa hàng theo mô hình bày trí mới tại các khu vực tiềm năng.

The CrownX là công ty được hình thành từ việc hợp nhất giữa Công ty Phát triển và Thương mại Dịch vụ VCM (VCM - công ty sở hữu hệ thống Vinmart, Vinmart+) và Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan- MasanConsumerHoldings (MCH - công ty sở hữu lĩnh vực sản xuất ngành hàng tiêu dùng của Masan).

Năm 2020, CrownX đem về doanh thu 54.277 tỉ đồng (xấp xỉ 2,5 tỉ USD), trở thành công ty kinh doanh trong lĩnh vực hàng tiêu dùng số 2 về doanh thu trong nước. Trong đó, VinCommerce tính đến cuối năm qua chính thức hoàn tất giai đoạn đầu tiên của quá trình chuyển đổi và có lợi nhuận. Doanh thu thuần của MCH lần đầu tiên đạt mức 1 tỉ USD/năm, tăng hơn 27% so với năm 2019, chủ yếu nhờ công tác đầu tư vào thương hiệu.

Masan và chiến thuật mới giúp VinCommerce có lợi nhuận từ chuỗi siêu thị, cửa hàng Vinmart - Ảnh 3.

"Mục tiêu của chúng tôi là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bán lẻ hiện đại trên toàn quốc, chứ không chỉ giới hạn ở một địa phương. Thay vì chỉ ở mức 8% hiện nay, kênh mua sắm hiện đại dự kiến chiếm 30% toàn ngành bán lẻ vào năm 2025 và Masan có thể gia tăng quy mô này lên đến 50%", ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group cho biết.

Sức ép lên thị trường bán lẻ

Ngành hàng tiêu dùng với thị trường 60 tỉ USD, trong đó dưới 30% thị phần đang được phục vụ bởi mô hình siêu thị lớn, còn lại, trên 70% thị phần ở các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ. Trong cuộc cạnh tranh tại thị trường này, VinMart, VinMart+ của VinCommerce đặt ra nhiều tham vọng.

Ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan Group cho biết, năm 2020 VinCommerce đã ghi nhận 31.000 tỉ đồng doanh thu. Bước sang năm 2021, CrownX đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ 15-20%. Mô hình siêu thị VinMart sẽ tiếp tục được gia tăng hiệu quả và tái định vị; đối với MCH là cao cấp hoá danh mục thực phẩm và mở rộng dòng chăm sóc cá nhân - gia đình. 

Đáng chú ý, hệ thống VinMart+ sẽ tập trung tối ưu hóa cách sắp xếp cửa hàng theo hướng giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy sản phẩm mong muốn thay vì gia tăng kích thước cửa hàng. VinMart+ được giữ ở quy mô 100-120m2/cửa hàng và VinMart (siêu thị) là 1.000-2.000 m2/cửa hàng.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán MBS, với tham vọng trở thành nhà bán lẻ dẫn đầu Việt Nam, chuỗi VinMart, VinMart+ có lợi thế khi được hậu thuẫn từ nhà sản xuất Masan với nhiều sản phẩm tươi sống bên cạnh lĩnh vực thực phẩm, đồ uống...

Masan và chiến thuật mới giúp VinCommerce có lợi nhuận từ chuỗi siêu thị, cửa hàng Vinmart - Ảnh 5.

Masan sẽ gia tăng việc cung ứng hàng nông sản, thực phẩm tươi sống vào chuỗi

Kết thúc năm 2020, Masan ghi nhận doanh thu 77.218 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với mức 37.354 tỉ đồng trong năm 2019. Trong đó, mảng bán lẻ gồm chuỗi VinMart/VinMart+ đóng góp 30.978 tỉ đồng, tương đương 40% tổng doanh số Tập đoàn. 

"Mục tiêu của chúng tôi là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bán lẻ hiện đại trên toàn quốc, chứ không chỉ giới hạn ở một địa phương. Thay vì chỉ ở mức 8% hiện nay, kênh mua sắm hiện đại dự kiến chiếm 30% toàn ngành bán lẻ vào năm 2025 và Masan có thể gia tăng quy mô này lên đến 50%", ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group cho biết.

Vinmart, Vinmart+ sẽ trở thành lựa chọn số 1 để phục vụ 100 triệu người dân Việt Nam

Hiện nay, hệ thống bán lẻ của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang có hơn 2.300 siêu thị và cửa hàng tại 58 tỉnh; thành phố trên toàn quốc, chuỗi cung ứng hàng hóa của VinMart/VinMart+ được đầu tư bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế.

VinMart/VinMart+ đang là cầu nối đưa hàng hóa của các doanh nghiệp Việt tới hơn 30 triệu lượt khách hàng thân thiết mỗi tháng.

Mục tiêu của giai đoạn năm 2021-2025, VinCommerce sẽ sở hữu hơn 300 siêu thị VinMart và gần 10.000 cửa hàng VinMart+, tiên phong phủ sóng tại khắp 63 tỉnh; thành phố, trở thành lựa chọn số 1 để các đối tác đồng hành cùng phục vụ gần 100 triệu khách hàng Việt Nam.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem