|
Việc cắt điện liên tục trong thời gian gần đây đã khiến các làng nghề tiểu thủ công nghiệp thiệt hại nặng nề. |
Mới chớm bước vào những ngày đầu hè, nhưng không khí ở làng thép Đa Hội (phường Châu Khê, TX. Từ Sơn, Bắc Ninh) đã trở nên "nóng" hơn bao giờ hết. Nhưng cái "nóng" ở đây không phải do các lò thép đỏ lửa, mà "nóng" vì tình trạng mất điện diễn ra triền miên suốt từ gần 1 tháng nay.
Gặp chúng tôi, anh Trần Văn Dũng - chủ một cơ sở sản xuất thép ở khu công nghiệp Mả Ông ngán ngẩm: Cả mẻ thép gần 10 tấn của tôi đang phải vứt đống kia, nếu không mất điện tôi đã sản xuất xong trong ngày hôm nay để giao cho khách hàng theo hẹn. Bị cắt điện suốt như thế này, không còn biết phải xoay xở thế nào nữa, đành chịu thiệt".
Tình trạng mất điện ở Đa Hội giờ đã trở thành chuyện thường ngày, theo đó cứ khoảng 3-4 ngày lại có một ngày bị cắt điện. Anh Dũng nói: "Trung bình, mỗi ngày tôi luyện khoảng 6-10 tấn thép, khi mất điện buộc phải dừng hoạt động, mỗi ngày đi đứt cả chục triệu đồng".
Tình cảnh của anh Dũng cũng là tình trạng chung của hơn 1.700 hộ chuyên làm nghề sản xuất thép ở Châu Khê, mỗi khi bị cắt điện là cả làng rơi vào tình trạng "treo lò".
Ông Nguyễn Văn Trường - chủ một cơ sở sản xuất thép có công suất lớn nói: "Đặc thù của nghề sản xuất thép là lượng điện cần dùng rất lớn, nên phải phụ thuộc vào điện lưới. Máy phát điện chỉ đủ dùng cho sinh hoạt, còn sản xuất thì đành chịu".
Trung bình mỗi ngày phường Châu Khê "ngốn" trên 200.000kWh điện, do đó mỗi khi phụ tải quá cao, làng nghề này là đối tượng được "ưu tiên" cắt đầu tiên, đồng nghĩa với thiệt hại ước tính lên tới gần 20 tỷ đồng mỗi ngày.
Tại làng nghề sản xuất gỗ lớn nhất miền Bắc, Đồng Kỵ (TX. Từ Sơn, Bắc Ninh), tình trạng mất điện cũng diễn ra như cơm bữa. Ông Vũ Đức Vượng - chủ một cơ sở sản xuất gỗ xẻ lớn nói: "Bây giờ, đang là thời điểm cần giao hàng, nhưng cứ làm được mấy ngày lại mất điện 1 ngày, gây thiệt hại lớn. Nghề làm gỗ dùng rất nhiều điện, nên ngoài điện lưới không có máy phát điện nào đủ tải để cung cấp cho các khâu sản xuất từ xẻ gỗ đến bào, mài…".
Hiện ở Đồng Kỵ có đến vài nghìn hộ sản xuất, vì vậy mỗi ngày bị cắt điện là cả làng nghề mất đến vài chục tỷ đồng do đình trệ sản xuất.
Chế biến thuỷ sản thiệt hại lớn
Chúng tôi cũng thông cảm với ngành điện, nhưng việc cắt điện nên được thực hiện luân phiên ngay trong 1 ngày, có thể cắt vào giờ cao điểm, còn giờ thấp điểm nên đóng điện lại cho dân sản xuất.
Ông Phan Văn Thinh - Chủ tịch UBND phường Châu Khê, TX Từ Sơn, Bắc Ninh
Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực sản xuất, chế biến nông, lâm, thuỷ sản lớn, vì thế tình trạng cắt điện luân phiên đã làm hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng. Tại tỉnh Cà Mau, 39 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đang lao đao với lịch cúp điện.
Ông Hồ Văn Dòn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Camimex Cà Mau, cho biết: "Máy phát điện dự phòng phải luôn thường trực để đối phó với tình trạng mất điện có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Không biết lý do gì, mấy ngày nay điện lưới chập chờn. Trong khi kho lạnh cần liên tục giữ nhiệt độ từ 18-22oC nên phải chạy điện dự phòng để bù đắp điện năng thiếu hụt thường xuyên".
Còn ông Ngô Văn Nga- Tổng Giám đốc Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Quốc Việt (Cà Mau) cho biết: "Thời điểm này, sản xuất hàng bắt đầu vào cao điểm nhưng thiếu điện, nên rất khó khăn. Nếu cúp điện, chi phí vận chuyển tăng lên, chi phí chạy máy phát điện khá tốn kém, chưa kể chất lượng hàng sụt giảm".
Theo ông Lê Thanh Bạch- Giám đốc Công ty Chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Bạch Linh, ở Tân Phong (Bạc Liêu) bức xúc: "Nhu cầu điện để duy trì sản xuất khoảng 3.000 kWh/ngày thì điện lực hạn chế 600 kWh/ngày. Như doanh nghiệp chúng tôi có 2 tủ đông, 1 kho lạnh và nhà máy đá vẫn thường xuyên bị thiếu hụt điện năng.
Mặc dù đã có văn bản đề nghị Điện lực Bạc Liêu ưu tiên cung ứng, nhưng họ từ chối vì thiếu điện năng chung, cần tiết giảm. Với đà này, chúng tôi không có điện sản xuất, phải bồi thường hợp đồng với khách hàng, vì giao hàng không đúng thời điểm".
Ngọc Lê - Nguyễn Bình
Vui lòng nhập nội dung bình luận.