Mất dần phố cổ Đồng Văn

Thứ tư, ngày 04/05/2011 11:29 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phố cổ Đồng Văn nằm ở trung tâm huyện Đồng Văn (Hà Giang) là địa chỉ du lịch văn hóa nổi tiếng. Thế nhưng, gần đây, khu phố cổ đang đối mặt với nguy cơ bị bê tông hóa và dần xóa sổ...
Bình luận 0

Phố cổ Đồng Văn hình thành và được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX. Đây là nơi cư trú và giao thương, sinh hoạt văn hóa của các dân tộc như Tày, Nùng, Dao, Kinh và người Hoa trên mảnh đất địa đầu của Tổ quốc.

img
Bà Tân với ngôi nhà hơn 300 tuổi đã xuống cấp.

Lác đác di sản

Trải qua những biến cố lịch sử cũng như những tác động của tự nhiên, nhiều ngôi nhà cổ với những hạng mục như móng nhà, đường hiên, tường bằng đất trộn cát, vôi, những góc xây bằng gạch nung, gạch mộc, vòm cửa, của sổ, bậc thềm, cầu thang, các sàn nhà bằng gỗ quý... đang dần xuống cấp và bị thay thế không thương tiếc bằng những ngôi nhà cao tầng.

Mặc dù UBND huyện đã ra nhiều biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị của những ngôi nhà cổ nhưng do nhu cầu của cuộc sống nhiều ngôi nhà đã bị người dân đập đi xây lại trước sự bất lực của chính quyền.

Theo ghi nhận của chúng tôi vào những ngày đầu tháng 5 này, khu phố cổ Đồng Văn còn khoảng 70 ngôi nhà cổ, trong đó có đến 18 nhà đã xuống cấp trầm trọng. Hơn 10 nhà cao tầng đã chễm chệ trên nền đất nhà cổ và gần 10 ngôi nhà đang sắp được được đập đi để xây nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng...

Nhìn từ xa, cả khu phố cổ chỉ còn lác đác những ngôi nhà giữ được dáng gốc, bị chen bởi những ngôi nhà mới xây trông lạc điệu và thô kệch.

Vẫn biết nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của người dân mỗi ngày một đổi thay. Nhưng nếu nhà nào trong khu phố cổ cũng đập đi xây nhà mới, xây nhà nghỉ, khách sạn thì chẳng bao lâu nữa cái tên phố cổ Đồng Văn liệu có còn không trên bản đồ du lịch VN?

Trăm sự tại thiếu tiền!

Nếu cứ để tình trạng hiện nay tiếp diễn thì nhiều khả năng trong tương lai không xa, những ngôi nhà cổ theo lối trình tường ấm cúng lưu giữ văn hóa nhiều đời của bà con dân tộc ở Đồng Văn sẽ biến mất, thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng thô cứng.

Bà Hoàng Thị Tân, 65 tuổi, chủ căn nhà hơn 300 năm cho biết, từ năm 1997, ngôi nhà bắt đầu xuống cấp và dần trở nên nghiêm trọng trên toàn bộ cấu trúc. Gia đình bà phải tự mua hơn 1.000 viên ngói để làm lại mái nhà và hàng năm vẫn phải tu sửa.

"Cứ thế này chắc cũng đành phải phá bỏ ngôi nhà này và xây một ngôi nhà mới" - bà Tân nói. Cũng nghĩ như bà Tân, anh Hoàng Triệu Lực - chủ một ngôi nhà trên 50 năm kể: "Hồi mới cưới, hai vợ chồng ở còn tạm ổn, giờ có thêm hai đứa con thì chật chội quá rồi! Tôi cũng tính đập đi xây nhà kiên cố nhưng chưa có tiền nên cả nhà vẫn phải gắng chịu đựng!".

Bà Lý Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: "Cho đến thời điểm này Đồng Văn là huyện duy nhất trong tỉnh Hà Giang chưa được phê duyệt quy hoạch tổng thể, điều này đã ảnh hưởng đến công tác quy hoạch bảo tồn khu phố cổ".

Cũng theo bà Kiên, huyện đã xây dựng quy hoạch và bố trí quỹ đất dãn dân dành cho các hộ trong khu phố cổ để họ có nơi sinh sống trong thời gian quy hoạch, sửa chữa khu. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi lúc nào chính quyền sẽ tiến hành sửa chữa những căn nhà cổ đang bị xuống cấp thì bà Kiên cũng chịu.

Theo ông Dương Đình Nhất - Trưởng phòng VHTT huyện Đồng Văn, kể cả khi huyện Đồng Văn được phê duyệt bản quy hoạch tổng thể thì việc sửa chữa phục hồi các ngôi nhà cổ cũng chưa thể tiến hành ngay được. Để có thể sửa chữa, phục hồi 18 ngôi nhà đang xuống cấp trầm trọng kia ít nhất cũng mất vài chục tỷ, một số tiền quá lớn với ngân sách của tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem