Mất dần vú sữa Lò Rèn, cam mật Phong Điền...

Huỳnh Xây Thứ bảy, ngày 04/06/2016 13:30 PM (GMT+7)
Không bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn, nhưng nhiều loại cây đặc sản ở ĐBSCL vẫn bị người dân quay lưng, trồng thay thế bằng các loại cây trồng khác.
Bình luận 0

Hết thời hoàng kim

Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim là cây ăn trái đặc sản nổi tiếng chỉ có ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Thế nhưng, thương hiệu nổi tiếng “có một không hay” này lại đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”. Thay vì những vườn cây xanh mướt, vùng chuyên canh vú sữa nơi đây phần lớn là những cây già cằn cỗi và nhiễm bệnh.

img

Cam mật còn rất ít diện tích ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Xây

Từ năm 2013 đến nay, Phòng NNPTNT huyện Phong Điền đã phối hợp với nhiều đơn vị có liên quan tìm cách xây dựng lại thương lại cam mật Phong Điền. Chúng tôi đang xây dựng nhiều vùng chuyên canh các loại cây ăn trái chủ đạo, trong đó có vùng sản xuất cam mật, tập trung ở các ấp thuộc xã Nhơn Ái”.

Ông Trần Thái Nghiêm – Trưởng phòng NNPTNT huyện Phong Điền

Ông Trương Văn Sơn, ngụ ở xã Vĩnh Kim, cho biết: Cây vú sữa Lò Rèn rất thích hợp với thổ nhưỡng của vùng đất Vĩnh Kim nên cho trái bóng, vỏ mỏng, thịt ngọt thanh. “Hơn 10 năm trước, do đặc điểm vượt trội so với các loại vú sữa khác nên diện tích trồng vú sữa Lò Rèn tăng nhanh và người trồng cũng khá dần. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhiều vườn cây đã trở nên cằn cỗi” – ông Sơn chia sẻ.

Cũng theo ông Sơn, hiện nay, nhiều người có tâm huyết, yêu mến cây vúa sữa Lò Rèn đều ngán ngạy, không muốn đầu tư khôi phục lại vườn cây mà chỉ muốn thay dần bằng những loại cây trồng khác.

Theo chỉ dẫn của ông Sơn, chúng tôi đã về các xã lân cận và ghi nhận tương tự, nhiều vườn cây vú sữa đã được trồng xen bằng nhiều loại cây khác.

“Vườn vú sữa 5 công (5.000m2) trồng đến 100 cây vú sữa của tôi đã chết gần hết, cây còn sống được thì cho trái nhỏ, năng suất thấp. Vì vậy, tôi đang chuyển sang trồng ổi và sầu riêng” – ông Nguyễn Văn Tuất, xã Bàng Long nói.

Theo thống kê, huyện Châu Thành cho biết: Vào năm 2013 diện tích cây vú sữa ở địa phương lên đến trên 3.000ha, tập trung nhiều ở các xã ven sông Tiền như: Vĩnh Kim, Kim Sơn, Hữu Đạo, Bàn Long, Dưỡng Điềm… thế nhưng diện tích hiện nay chỉ còn khoảng 2.000ha.

Cũng như vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, cam mật Phong Điền một thời từng là loài cây đặc sản chủ lực nức tiếng ở TP.Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung. Những người dân từng gắn bó với loại cây này cũng từng có “của ăn của để”. Theo nhiều người dân lớn tuổi, trước đây, sản lượng cam mật có bao nhiêu đều được các thương lái đến tận các nhà vườn thu mua và trả giá khá cao. Sau khi thu mua, đặc sản nổi tiếng này sẽ được chở đi tiêu thụ ở TP.HCM.

Tuy nhiên, thay vì hàng nghìn ha vào khoảng những năm 1985-1995 thì hiện nay, vườn cam mật còn giữ được ở Phong Điền chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Theo đó, những vườn cam này không phải trồng chuyên cam mật mà là chỉ trồng xen nhiều loại cây khác, có giá trị kinh tế cao hơn.

Do thời tiết hay do chính người dân?

img

Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim giảm diện tích do dịch bệnh, giá bán nhiều vụ thấp.  Ảnh: Huỳnh Xây​

Theo người dân có kinh nghiệm trồng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, nguyên nhân khiến diện tích cây đặc sản này giảm mạnh là do tuổi thọ của cây giảm, suy kiệt nhanh, không còn sống và cho trái được lâu năm như trước đây.

Theo ông Trương Thành Vinh – Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, hiện khó tìm được vườn vú sữa còn nguyên vẹn, phát triển tốt và cho trái say như nhiều năm trước. Tình trạng này đã khiến cho HTX hoạt động khó khăn trong khi đó, đầu ra sản phẩm vốn đã gặp nhiều bấp bênh.

Ông Huỳnh Hữu Hòa – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Thành cho biết: Ngành nông nghiệp huyện đã triển khai nhiều giải pháp củng cố, phát triển vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn thông qua nhiều mô hình. Tuy nhiên, các mô hình không thể duy trì và nhân rộng được do đầu ra khó khăn. Hơn nữa, trong khi cây vú sữa sẵn có, có xu hướng suy kiệt ngày càng nhanh thì cây trồng mới lại không phát triển được do mầm bệnh lưu tồn trong đất.

Theo ông Hòa, để khôi phục và phát triển cây đặc sản vú sữa Lò Rèn, vấn đề quan trọng là cần phải cải tạo đất vùng trồng trong thời gian dài, kết hợp với chuyển giao kỹ thuật từ các cơ quan chuyên môn, các viện, trường…

Về nguyên nhân diện tích cam mật dần không còn nhiều trên vùng đất Phong Điền, anh Nguyễn Minh Kỷ, ấp Nhơn Thọ 1A, xã Nhơn Ái cho biết là do bệnh vàng lá gân xanh làm cho cây héo thân, đọt và chết dần. Bệnh này không có thuốc đặt trị hữu hiệu nên người dân chỉ biết đốn bỏ những cây bệnh rồi trồng mới cây con nhưng cây con vẫn bị nhiễm bệnh (không rõ nguồn gốc, được chiết nhánh từ cây nhiễm bệnh). Hiện gia đình anh Kỷ là nơi duy nhất còn khoảng 400 cây đang cho trái nhưng vẫn có nhiều cây nhiễm bệnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem