Ngày 6/3, trong phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã gây sửng sốt khi đề xuất tất cả những trường hợp mất giấy phép lái xe (GPLX) sẽ phải thi lại để được cấp mới chứ không được cấp lại như hiện nay.
"Chúng tôi cũng đề xuất phương án, tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng việc này xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3" – Bộ trưởng Thể nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể vừa đưa ra đề xuất mất GPLX phải thi lại khiến dư luận dậy sóng phản đối.
Và gần như ngay sau khi phát ngôn trên được đưa ra, người đứng đầu Bộ GTVT đã phải hứng hàng loạt ý kiến phản đối. Nhiều chuyên gia giao thông và chuyên gia pháp lý cùng lên tiếng cho rằng đề xuất ngược đời của Bộ trưởng Thể chẳng khác nào đi ngược xu thế và sẽ khó khả thi vì trái với nhiều quy định pháp luật hiện hành.
TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, phát biểu của Bộ trưởng Bộ GTVT là thiếu suy nghĩ. “Ông ấy phát biểu chắc không kịp nghĩ. Cũng có thể do người ta lỡ lời thôi chứ ai lại làm thế” – TS Nguyễn Hữu Đức nói.
Theo TS Nguyễn Hữu Đức, xu thế phát triển của xã hội nói chung và ngành GTVT nói riêng luôn hướng tới những thứ tiến bộ, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, đề xuất của ông Thể chẳng khác nào đi ngược lại xu thế phát triển của thời đại.
“Các nước tiên tiến trên thế giới, dữ liệu về GPLX đều được quản lý bằng hệ thống điện tử. Thông tin về việc lái xe vi phạm hay bị mất GPLX đều dễ dàng tra cứu được qua hệ thống này. Ai mất GPLX chỉ cần kiểm tra qua hệ thống này sẽ biết và được cấp lại. Tất nhiên có mất một chút lệ phí nhưng không nhiều” – TS Nguyễn Hữu Đức cho biết.
Đối với trường hợp bị mất GPLX sẽ phải thi lại, TS Nguyễn Hữu Đức cho hay, trên thế giới cũng có một số nơi áp dụng quy định này. Nhưng đấy đều là những quốc gia lạc hậu, chưa phát triển. “Chẳng lẽ Việt Nam chúng ta lại học cái kiểu quản lý theo kiểu lạc hậu này sao? Bây giờ công nghệ hiện đại ai quản lý kiểu thế. Đó là đi ngược lại xu thế phát triển của thời đại” – TS Đức nhận định.
Câu chuyện "mất thì thi lại" khiến dân mạng dậy sóng với các status châm biếm, chế nhạo. Nào là, mất giấy đăng ký kết hôn thì phải cưới lại, mất giấy chứng tử thì tổ chức tang lễ lại... Căng thẳng nhất, là mất giấy khai sinh thì phải... sinh lại.
Đề xuất của Bộ trưởng xuất phát từ việc có hiện tượng tài xế (thường là tài xế đường dài) báo mất GPLX để được cấp giấy mới nhằm đối phó với việc CSGT giữ GPLX do họ có vi phạm. Không biết Bộ trưởng có con số thống kê bao nhiêu trường hợp làm lại GPLX do bị mất hay không. Chỉ mong Bộ trưởng nhớ một điều, tệ nạn cướp giật trên đường phố, rạch túi trong siêu thị và mất đồ trên xe buýt xảy ra khá thường xuyên. Bất kỳ gia đình nào cũng có người thân là nạn nhân của bọn trộm cướp. Lấy tài sản của khổ chủ xong, giấy tờ tùy thân của nạn nhân dĩ nhiên là bị vứt vào thùng rác.
Có quá bất công với họ hay không, khi mà vừa mất của lại vừa mất công thi lại. Và chẳng may, nếu bộ nào cũng nghĩ như ông Thể, chắc là sẽ có những công dân mất cả năm cũng chưa chắc thi lại cho đủ giấy!
GPLX chẳng qua chỉ là một tờ giấy chứng nhận công dân có đủ trình độ, điều kiện để điều khiển phương tiện, sau khi phải trải qua các thủ tục "thi bằng lái" khá là nhiêu khê. Việc mất GPLX không thay đổi bản chất là họ đủ năng lực lái xe, cho nên việc thi lại chẳng qua chỉ làm cho người dân gánh thêm nhiêu khê mà thôi.
Còn nhớ cách đây không lâu, Bộ GTVT bắt buộc các trạm thu phí BOT phải ghi là "thu giá" - mục đích là né tránh việc dân phản ứng vì phí chồng phí. Sau khi hứng đủ "gạch đá" từ dư luận, thậm chí người dân mang theo cả rổ giá (giá đỗ) tới trạm để trả thì Bộ GTVT mới cho "giá" trở lại là "phí".
Cũng chỉ cách đây hơn một năm, Bộ GTVT cho cắm biển "Cấm dừng quá 5 phút" ở các trạm thu phí BOT. Và cho đến nay, những tấm biển này dù được cắm khắp nơi nhưng CSGT không thể xử phạt dựa vào biển vì về hình thức lẫn nội dung nó không theo bất kỳ quy định nào của pháp luật.
Việc giảm thiểu tai nạn, cải thiện tình hình giao thông... sẽ rất khó thực hiện, nếu như Bộ này lâu lâu lại cho ra đời những quy định không đâu vào đâu như thế, gọi nôm na là "sai quá thể".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.