Vài suy nghĩ về chương trình 1 triệu hecta lúa

Nguyễn Lân Hùng – Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam Thứ sáu, ngày 06/09/2024 07:32 AM (GMT+7)
Hàng nghìn vườn cây ăn quả mọc lên đang thu hút hàng triệu nông dân ĐBSCL quan tâm tới. Nó giúp bà con có thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa. Đấy là chưa nói tới ta chưa phải nước giàu. Vì vậy, kinh phí cần tính toán nên đầu tư vào đâu mà có thể giúp nông dân có điều kiện vươn lên được.
Bình luận 0

Gần đây, tôi có đọc được một bài báo nói về cần cơ chế đặc thù về nguồn vốn cho đề án 1 triệu hecta lúa. Thông tin có nêu: "...Về tài chính, dự kiến đến năm 2030, đề án sẽ cần nguồn lực khoảng 3 tỷ USD, trong đó 1 tỷ USD từ nguồn vốn vay nước ngoài...". 

Con số này khá lớn, nếu tính ra tiền Việt Nam thì 1 tỷ USD sẽ là khoảng 25.000 tỷ đồng còn 3 tỷ USD sẽ là 75.000 tỷ đồng! Số tiền này sẽ được sử dụng như thế nào cho có hiệu quả là câu hỏi mà tôi và các nhà khoa học còn băn khoăn?

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều luôn luôn nhắc nhở các địa phương phải làm sao để tăng được thu nhập cho người dân. Tôi băn khoăn với dự án này thì bà con nông dân vùng dự án tăng thêm được bao nhiêu tiền cho 1ha trồng lúa? Trong dự án không thấy nhắc tới điều này.

Vài suy nghĩ về chương trình 1 triệu hec-ta lúa- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng đề án sản xuất bền vững 1 triệu hecta lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Xây

Đặc biệt hiện nay, trong quá trình chuyển đổi sản xuất, miền núi đang có rất nhiều cơ hội vươn lên nhờ chuyển đổi sản xuất với việc đưa hàng loạt tượng cây trồng đầy triển vọng vào canh tác. Chúng ta đã có vô vàn mô hình nông dân ở miền núi vươn lên tuyệt vời ngay trên chính mảnh đất khô cằn của họ.

Tôi được mời tham gia chấm bình chọn "Nông dân Việt Nam xuất sắc" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, mới thấy, rất nhiều bà con ở miền núi đã có được những chuyển biến rõ rệt để vươn lên.

Hàng vạn đồi gò trơ trụi hiện nay đang được bà con từng bước cải tạo để trở thành những rừng cây ăn quả, những rừng cây gỗ lớn với giá trị hàng chục tỷ đồng cho mỗi nơi. Theo tôi nghĩ, nếu có tiền thì nên đầu tư vào khu vực khó khăn nhất này để vực lên thành một miền đất hứa!

Còn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nên xem xét kỹ, ta không nên suy luận: Phải lo cho thế giới, phải đảm bảo lương thực cho các nước, phải dồn sức chống phát thải, phải giảm tỷ lệ carbon trong không khí... Việc này lớn lắm, cả thế giới phải cùng lo. Theo tôi, ta cũng tham gia nhưng nên cân nhắc nhiều điều. Họ tăng giá dầu lên ào ào, có ai nghĩ tới bà con mình...

Vài suy nghĩ về chương trình 1 triệu hec-ta lúa- Ảnh 2.

Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm phát thải sẽ được triển khai tại 12 tỉnh ĐBSCL.

Tôi lục tìm trong kho tư liệu của mình và có được 2 bài báo của cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn viết cách đây hơn 10 năm, trên báo Nông nghiệp Việt Nam số ngày 6/8/2013 và trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 8/7/2013.

Phó Thủ tướng lập luận: "Toàn dân số Việt Nam mỗi năm ăn chưa hết 20 triệu tấn, cộng thêm với 5 triệu tấn dự trữ đảm bảo an toàn lương thực nữa. Như vậy, chúng ta chỉ cần 5 triệu hecta trồng lúa mỗi năm là có sản lượng 30 triệu tấn".

Ông đề xuất 2 triệu hecta kia chuyển sang trồng hoa, cỏ, cây cảnh, chỗ nào nuôi cá tốt thì đắp bờ nuôi cá... Phó Thủ tướng đã nhận định, lúa gạo thua xa lợi nhuận của các ngành sản xuất cà phê, cao su, hồ tiêu, rau, hoa quả... 

Ông đề nghị chuyển hướng một số vùng sang sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ông tính, 1 ha nuôi được ít nhất 10 con bò sữa, trong đó 5 con vắt sữa, năng suất sữa đạt 25 tấn/hecta/năm.

Những suy nghĩ của Phó Thủ tướng cách đây hơn 10 năm đáng để chúng ta phải cân nhắc. Trong những năm vừa qua, phong trào Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nở rộ đã góp phần cho nông thôn Việt Nam đổi mới mạnh mẽ. Hàng trăm ngành nghề mới được khai sinh. Nguồn thu từ các ngành nghề đó đã thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn.

Riêng ở ĐBSCL, canh tác ở rất nhiều nơi đã cho thu nhập gấp cả chục lần trồng lúa. Gần đây, ở Tiền Giang và một số tỉnh, bà con nông dân rất háo hức với những ngành nghề mới này. 

Hàng nghìn vườn cây ăn quả mọc lên đang thu hút hàng triệu nông dân ĐBSCL quan tâm tới. Nó giúp bà con có thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa. Đấy là chưa nói tới ta chưa phải nước giàu. Vì vậy, kinh phí cần tính toán nên đầu tư vào đâu mà có thể giúp nông dân có điều kiện vươn lên được.

Vài suy nghĩ về chương trình 1 triệu hec-ta lúa- Ảnh 3.

Tác giả bài viết, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam. Ảnh: DV

Tôi nhớ, thời trước có một hội nghị ở Hà Nội do ngân hàng Thế giới phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức để bàn về vấn đề sản xuất ở ĐBSCL, PGS.TS Nguyễn Đăng Vang (lúc đó là Viện trưởng Viện Chăn nuôi) có đề nghị: ĐBSCL nên giành lại một số đất để trồng ngô và trồng đậu tương, tránh việc ta phải nhập khẩu quá nhiều các thứ đó. Còn tôi thì đề nghị chuyển một phần ruộng lúa sang trồng cây ăn quả sẽ cho thu nhập rất cao.

Tuy nhiên, chúng tôi bị chủ tọa nhắc là nói vậy chưa đúng với chủ trương an toàn lương thực. Họ nói vậy thì phải chịu nhưng trong lòng tôi chưa phục.

Sau này, trong một chuyến đi cùng với ông Nguyễn Công Tạn, ông tâm sự: "Lâu nay ta chỉ chú trọng tới năng suất và việc xuất khẩu gạo...". Rất tiếc, lúc đó ông đã nghỉ hưu.

Lúa gạo luôn chiếm vị trí hết sức quan trọng. Vấn đề "an toàn lương thực" cho đất nước phải đặt lên vị trí hàng đầu. Nhưng việc này chúng ra đã hoàn toàn đảm bảo được. 

Do đó, Quốc hội và Chính phủ xem xét kỹ để việc đầu tư cho dự án "1 triệu hecta lúa ở ĐBSCL" có hiệu quả. Chúng ta cũng cần cân nhắc để phân bổ nguồn vốn đầu tư cho những cây trồng khác, cho những việc khác mà giúp cho nông dân ĐBSCL tăng được thu nhập rõ rệt, bên cạnh việc trồng lúa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem