Mất hơn 50.000 tỷ: Vietnam Airlines cần 5 năm để trở lại đúng "quỹ đạo"?

Thế Anh Thứ hai, ngày 18/05/2020 06:00 AM (GMT+7)
Ước tính Vietnam Airlines mất hơn 50.000 tỷ doanh thu do dịch Covid-19. Đồng nghĩa với việc quy mô hoạt động của hãng bị co hẹp một cách vô cùng đột ngột, thị trường, doanh thu sụt giảm theo chiều thẳng đứng.
Bình luận 0

Năm 2020, có thể được gọi là "năm thảm hoạ" của ngành Hàng không vì đại dịch Covid-19 lan rộng ra toàn cầu khiến cho nền kinh tế thế giới và Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, ngành Hàng không gánh chịu thiệt hại lớn gần như "tê liệt", doanh thu sụt giảm vì 90% máy bay của các hãng phải tạm dừng bay "đắp chiếu".

Trong báo cáo của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doang nghiệp, đối với các hãng hàng không trong nước, thì Vietnam Airlines là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Quý I, doanh thu hợp nhất ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2019; lỗ 2.383 tỷ đồng.

Mất hơn 50.000 tỷ: Vietnam Airlines mất 5 năm để trở lại đúng "quỹ đạo"? - Ảnh 1.

Hãng hàng không Vietnam Airlines.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, trên thực tế với quy mô Vietnam Airlines có khoảng hơn 100 máy bay nhưng phải tạm dừng 80 – 90 máy bay vì dịch Covid-19 thì Vietnam Airlines sẽ phải cần tối thiếu 5 năm mới bù được khoản lỗ đã phát sinh.

Vậy, để "giải cứu" thị trường và doanh thu bị lao đao vì dịch Covid-19 Vietnam Airlines sẽ có những giải pháp gì để trở lại đúng "quỹ đạo" phát triển của doanh nghiệp này?

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ: "Việc đầu tiên mà Vietnam Airlines cần làm là triển khai giải pháp phòng chống dịch bệnh nội bộ rồi cho hành khách, cho cộng đồng… Đó là cái lớn nhất".

Thưa ông! Kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra đã ảnh hưởng tới Vietnam Airlines như thế nào?

- Ông Dương Trí Thành: Ước tính Vietnam Airlines mất hơn 50.000 tỷ doanh thu do dịch Covid-19. Đồng nghĩa với việc quy mô hoạt động của hãng bị co hẹp một cách vô cùng đột ngột, thị trường, doanh thu sụt giảm theo chiều thẳng đứng. Đây là tình hình chung của mọi doanh nghiệp hàng không trên thế giới khi gặp khó khăn, xử lý khủng hoảng giảm gần như có chung một công thức, chứ không riêng gì Vietnam Airlines.

Lúc này, chỉ cần giữ được yên. Yên hay không nó nằm ở chỗ mình có thể sử dụng hiệu quả nguồn lực của chính doanh nghiệp như thế nào? Khi sản lượng giảm đến 90% thì mọi chi phí phát sinh đều phải điều hành giảm ngay lập tức. Chúng tôi đã phải tìm mọi cách để giải bài toán làm sao để số lỗ không phải là tổng số doanh thu giảm. Vietnam Airlines cố gắng tự lực để chỉ lỗ khoảng 1/3 hoặc thậm chí 1/4 của doanh thu giảm.

Đơn giản như chỉ riêng tiền máy bay, Vietnam Airlines đã có giải pháp ngay lập tức dừng và bảo dưỡng xếp bãi hơn 80 máy bay. Từ đó mà giãn khấu hao, giảm ngay được dòng tiền mặt ở đấy và cải thiện được áp lực chi phí rất lớn. Bởi vì bản chất khó khăn của ngành hàng không nằm ở chỗ dù không có doanh thu, anh vẫn phải chi tiêu cho đội tàu bay. Đây là chi phí cố định và khổng lồ.

Mất hơn 50.000 tỷ: Vietnam Airlines mất 5 năm để trở lại đúng "quỹ đạo"? - Ảnh 2.

Ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines.

Trong lịch sử phát triển hàng không Vietnam Airlines chưa bao giờ phải tạm dừng tới 90% số máy bay của mình, vậy hãng có những giải pháp gì? để quay trở lại đúng "quỹ đạo" phát triển?

- Hiện, chúng tôi đang có đường bay nội địa và quốc tế, năm 2019 chúng tôi thực hiện 134.000 chuyến bay. Nhưng từ khi dịch Covid-19 có dấu hiệu phức tạp, chúng tôi đã sớm ngừng bay đến những quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch như Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, Ma Cao, Hàn Quốc… Khi Covid-19 trở thành đại dịch, chúng tôi dừng tất cả đường bay quốc tế. Các chuyến bay nội địa hiện cũng được duy trì ở tần suất tối thiểu để phòng dịch.

Cái lớn nhất mà Vietnam Airlines cần phải làm đầu tiên là phải triển khai giải pháp phòng chống dịch bệnh nội bộ rồi cho hành khách, cho cộng đồng… Phải triển khai giải pháp phòng chống dịch bệnh cho các chuyến bay, phi công, tiếp viên, kỹ sư máy bay và lực lượng phục vụ mặt đất, cho hành khách, cho cộng đồng.

Thứ hai là thu nhỏ quy mô lại là một sự thay đổi rất lớn. Vietnam Airlines mất vài chục năm để có được hơn 100 máy bay. Bây giờ phải tổ chức dừng và bảo dưỡng cất đi 80 - 90 máy bay, đấy là khối lượng công việc khổng lồ.

Đặc biệt, chúng tôi chuyển đổi nhiều máy bay từ chở khách sang chở hàng; hoàn thiện rất nhiều quy định, quy trình mới để đáp ứng nhu cầu cung ứng vật tư y tế cho các địa phương trong cả nước, tham gia tích cực và hiệu quả vào quá trình xuất khẩu vật tư y tế; đáp ứng nhiều yêu cầu đa dạng và đặc biệt của Chính phủ, các địa phương, các bộ ban ngành …

Giải pháp ở đây là gì ư? tôi làm phép tính đơn giản thể này, hiện tại một tàu bay thân rộng Boeing 787 hoặc Airbus A350 có chi phí đi thuê trung bình hàng tháng trên dưới 1 triệu USD. Một máy bay A320 hay A321 có giá cho thuê vào khoảng 300 - 400 nghìn USD/tháng.

Ví dụ, một hãng hàng không có 15 máy bay A320 và A321 như vậy một tháng, hãng phải chi khoảng 5 triệu USD, tương đương với 100 tỷ đồng. Một năm riêng tiền thuê máy bay đã mất khoảng 1.200 tỷ đồng. Đấy là chúng ta chưa bàn đến chi phí bảo dưỡng định kỳ bắt buộc.

Khi dịch xảy ra, chúng tôi ngay lập tức làm việc, đàm phán, phối hợp với các đối tác trong chuỗi cung ứng, các bạn hàng của mình… để chia sẻ khó khăn. Trợ giúp được nhau tý gì ở thời điểm này đều rất quan trọng. Thứ nhất chúng tôi đàm phán để giảm, dừng (nếu được), không dừng được thì giãn, hoãn… các dòng tiền, các khoản nợ.

Có những đối tác cho thuê máy bay đưa ra gói hỗ trợ giảm cho chúng tôi tới 1.000 tỷ đồng trong 2 năm. Bên cạnh đó, có một vài đối tác trước đây Vietnam Airlines đặt cọc bằng tiền mặt thì bây giờ mình xin rút tiền mặt về, đồng thời đề nghị đặt cọc bằng thư tín dụng… Sau những giải pháp như vậy vẫn không đủ thì mình đi vay. Đi vay thương mại đương nhiên là phải làm đầu tiên. Xong những việc ấy rồi, thêm một giải pháp quan trọng đối với tất cả các doanh nghiệp lúc này là đề nghị chủ của mình tăng vốn, bổ sung vốn.

Làm như vậy vẫn chưa đủ được, doanh thu không có càng tính càng bí bách. Cho nên tôi nghĩ suốt cả năm nay và sang năm tới chính xác là quá trình vượt khó và hồi phục. Đồng thời cũng là giai đoạn cách mạng phải thay đổi.

Mất hơn 50.000 tỷ: Vietnam Airlines mất 5 năm để trở lại đúng "quỹ đạo"? - Ảnh 3.

Thu nhập của nhân viên Vietnam Airlines bị giảm.

Thu nhập của người lao động sẽ được điều chỉnh như thế nào thưa ông?

- Trước Covid-19 ngành hàng không thế giới và Việt Nam có khó khăn chung là thiếu lao động. Phi công, kỹ sư máy bay, cán bộ quản lý cao cấp... thiếu rất lớn. Giai đoạn này may quá, nó giúp giảm áp lực sa thải hay ngưng việc lượng lớn nhân viên.

Cho nên việc giảm quy mô đã buộc Vietnam Airlines hoãn hợp đồng lao động với 300 phi công và gần 100 tiếp viên người nước ngoài. Còn phi công Việt Nam, anh em đang cùng nhau vượt qua khó khăn. Có bao nhiêu giờ bay chúng tôi chia sẻ đều cho tất cả để phi công hưởng thu nhập theo giờ bay. Đương nhiên chi phí giảm được là rất lớn. Tháng 4 vừa qua, chi phí tiền lương cho phi công giảm đến hơn 90%.

Đặc biệt, tháng 4, chúng tôi tham gia xuất khẩu rất nhiều khẩu trang cho các thị trường trên thế giới. Rồi mình lại mở dịch vụ nối chuyến chở hàng hóa y tế từ các quốc gia khác qua Việt Nam để đi châu Âu, châu Mỹ, rồi đi khắp nơi. Bên cạnh việc chở khách khoảng 5 - 10 chuyến thì còn có chuyến bay hàng hóa còn nhiều hơn là 15 - 20 chuyến. Giải pháp này góp phần bù đắp tiền tươi thóc thật doanh thu cho Vietnam Airlines.

Ước tính trong tháng 4, tổng doanh thu từ việc tăng chuyến chở hàng dự kiến đạt gần 14 triệu USD, tương đương 320 tỷ đồng. Tuy phần doanh thu chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ nhưng nó mang ý nghĩa rất lớn góp phần đảm bảo thông thương; duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động. Nhìn rộng ra, hoạt động của ngành hàng không lúc này đóng vai trò là trung tâm của chuỗi giá trị, dẫn dắt quá trình phục hồi sau đại dịch thông qua việc kết nối các lĩnh vực, các nền kinh tế.

Vietnam Airlines sẽ phải mất thời gian bao lâu để tăng trưởng mạnh mẽ hơn sau dịch Covid-19?

- Với quy mô như Vietnam Airlines khoảng hơn 100 máy bay và ảnh hưởng như năm nay, dự tính nếu sau dịch bệnh mà làm ăn tốt, có các cơ chế đảm bảo, cần tối thiểu 5 năm nữa mới bù được khoản lỗ đã phát sinh. Đối với mọi doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ không phải trong thời gian dịch bệnh mà phải đặt vấn đề là trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bởi có ngành ảnh hưởng 1 đến 2 năm, thậm chí có ngành mất 3 đến 4 năm.

Trước đó, tôi đã đề nghị cần giải pháp cấp bách phê duyệt đề án đầu tư máy bay của Vietnam Airlines, dù giai đoạn này rất khó khăn, nhưng nếu đầu tư 50 máy bay sẽ là một cơ hội bởi phần lớn các hãng hàng không lớn trên thế giới đã hủy đơn hàng. Vấn đề tiếp theo là chuẩn bị cho phục hồi, hãng cần các cơ quan giải quyết giúp vướng mắc để đơn vị đầu tư dự án xây dựng nhà ga sửa chữa máy bay ở Nội Bài.

Hiện nay, Vietnam Airlines đã khôi phục và áp dụng những chính sách gì?

- Từ ngày 15/5, Vietnam Airlines đã khôi phục lại tất cả các dịch vụ như: phục vụ trở lại suất ăn trên chuyến bay bao gồm đồ ăn nấu chín (suất ăn nóng trên khay, bánh mỳ, bánh nóng kẹp thịt), đồ ăn đóng gói (các loại bánh, hạt rang) và đồ uống nguyên chai để giảm thiểu tiếp xúc... Đồng thời Vietnam Airlines mở thêm nhiều đường bay nội địa mới để phục vụ nhu cầu của hành khách.

Bên cạnh đó, mở rộng triển khai bán vé không hành lý ký gửi trên các đường bay nội địa khai thác giữa các sân bay Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vân Đồn (Quảng Ninh), Cam Ranh (Nha Trang). Những hành khách không có nhu cầu mang theo hành lý ký gửi có thể mua vé Phổ thông siêu tiết kiệm với giá ưu đãi chỉ từ 579.000 đồng/chiều đã bao gồm thuế, lệ phí. Hành khách vẫn được mang theo 12kg hành lý xách tay.

Ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết: "Hơn 70% khách đi trên chuyến bay của Vietnam Airlines là khách du lịch, gồm khách nội địa, khách quốc tế đến Việt Nam cũng như từ Việt Nam đi quốc tế. Do đó, Vietnam Airlines xác định hàng không và du lịch có mối quan hệ hữu cơ khăng khít và gắn bó, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn này. Sau kế hoạch phục hồi tại Việt Nam, chúng tôi cũng đang xây dựng các phương án mở rộng hoạt động tại thị trường quốc tế khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn để cùng ngành du lịch tạo ra sản phẩm hấp dẫn, kích cầu du lịch và phục hồi thị trường hàng không Việt Nam nhanh hơn."

Hiện, Vietnam Airlines phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các công ty lữ hành có uy tín tại thị trường như HanoiTourist, Saigontourist, Vietrans Tour, Vietravel, Redtour xây dựng sản phẩm tour ưu đãi giảm tối đa 40% giá vé khi đi theo nhóm tối thiểu 6 người. Chương trình áp dụng trên toàn bộ hành trình nội địa do Vietnam Airlines khai thác có ngày khởi hành từ 15/5 - 31/12/2020. Vé máy bay được bao gồm trong sản phẩm trọn gói kết hợp giữa dịch vụ hàng không và du lịch do các công ty lữ hành - du lịch phân phối.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem