Mất niềm tin và gây lãng phí lớn

Thứ tư, ngày 21/08/2013 11:34 AM (GMT+7)
Theo Bộ Tư pháp, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2013, ngành Tư pháp trong khi kiểm tra hơn 251.000 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã phát hiện gần 4.000 VBQPPL ở địa phương có dấu hiện chưa đảm bảo tính hợp pháp.
Bình luận 0
Trong số này có 528 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật. Việc xử lý mới chỉ thực hiện được trên 2.300 văn bản, đạt hơn 58%.

Mới đây, ngày 4.7, Bộ GDĐT ban hành Thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT có điều khoản Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người hoạt động cách mạng trước 1.1.1945 thuộc đối tiện ưu tiên khi dự thi ĐH. Ông Đặng Như Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Thông tư này được soạn thảo quá hình thức. Con lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng có khi đã hiếm rồi nói gì đến việc ưu tiên điểm thi đại học cho mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công. Đúng là chuyện thật mà như đùa”. Trước phản ứng của dư luận, đến 16.7, Bộ GDĐT đã ra Thông tư 28/2013 bỏ điều khoản này.

Trước đó, hàng loạt văn bản, quy định ra đời hoặc lấy ý kiến đã làm người dân hết sức bức xúc vì thiếu thực tế hoặc khó kiểm soát, có thể điểm qua: Quy định về người bán hàng rong phải có chứng nhận khám sức khỏe; cấm nghe điện thoại ở cây xăng; xử phạt chồng... sỉ nhục vợ; nuôi chó mèo phải đăng ký; không được bán thịt động vật quá 8 giờ kể từ khi giết mổ...

Trao đổi về các văn bản “trên trời” thời gian qua, luật sư Tạ Quốc Cường – Văn phòng Luật sư Sự Thật (Hà Nội) cho hay: “Việc ban hành VBQPPL là để điều chỉnh những hành vi sai trái, lệch lạc nhằm xây dựng một xã hội chuẩn mực hơn, tốt đẹp hơn, văn minh hơn. Nhưng với kiểu làm luật… “trên trời” như hiện nay thì mục tiêu này đã không thể đạt được, chưa nói đến các hệ lụy xấu khác như việc “nhờn luật””. Còn theo luật sư – TS Ngô Ngọc Thủy (Trường ĐH Luật Hà Nội), việc xây dựng các quy định đều mang mục đích tốt cho xã hội nhưng nhiều người có trách nhiệm soạn thảo ra các quy định đó lại thiếu thực tế. Kiểu làm chính sách này phiến diện, chỉ tính đến thuận lợi cho công tác quản lý mà không tính đến quyền lợi của người dân. Chính vì thế quy định đặt ra không mang tính khả thi, có cái bị bãi bỏ, có những cái dù đang tồn tại nhưng tự nó bị rơi vào quên lãng, mất hiệu lực. Kiểu ban hành những quy định không khả thi sẽ làm giảm niềm tin của người dân; gây lãng phí tiền bạc của Nhà nước.

Theo TS Lê Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp), các quy định về bồi thường thiệt hại khi ban hành VBQPPL không khả thi hiện chưa có. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng không xác lập trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi ban hành VBQPPL sai. Đây là vấn đề cần phải nghiên cứu để bảo đảm nguyên tắc nhà nước pháp quyền, xác định trách nhiệm đầy đủ của cơ quan Nhà nước, cá nhân công chức khi ban hành, thể chế pháp luật sai trái cho xã hội, cho công dân. Có như vậy mới hạn chế tình trạng ban hành văn bản, thể chế sai gây hậu quả cho xã hội.
Lương Kết – Thắng Quang (Lương Kết – Thắng Quang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem