“Mất tích” 5 năm, Alphanam của ông Nguyễn Tuấn Hải “trở lại” vẫn lỗ luỹ kế hơn 200 tỷ

Tống Linh Linh Thứ hai, ngày 09/07/2018 08:58 AM (GMT+7)
Mất tích 5 năm và trở lại với kết quả lỗ luỹ kế hơn 200 tỷ đồng của Alphanam do ông Nguyễn Tuấn Hải làm chủ tịch HĐQT. Điều đáng chú ý là động thái giảm tỷ lệ sở hữu Địa Ốc Alphanam xuống còn 46%. Bút toán này đã giúp Alphanam không phải “gánh” những khoản nợ từ công ty này?
Bình luận 0

Những thông tin dần được hé lộ

Ngày 2.12.2014, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) đã có thông báo hủy niêm yết đối với hơn 192 triệu cổ phiếu ALP theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2013 của công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam thông qua việc hủy niêm yết tự nguyện cổ phiếu ALP.

Lý do hủy niêm yết của ALP lại ở khía cạnh khác liên quan đến đặc thù hoạt động đầu tư tài chính. Theo chủ tịch HĐQT Nguyễn Tuấn Hải, các khoản lỗ là do trích lập dự phòng khi thâu tóm những doanh nghiệp thua lỗ để tập trung cho chiến lược dài hạn. Trước mắt, hoạt động này trong ngắn hạn luôn phải nhận lỗ hợp nhất nên ALP rời sàn để không phải chịu áp lực ngắn hạn. Sau khi huỷ niêm yết, Alphanam trở thành công ty gia đình để bảo mật thông tin.

Sau khi hủy niêm yết, tên tuổi Alphanam gần như biến mất khỏi thị trường, các thông tin về doanh nghiệp cũng khó tiếp cận. Thông tin tài chính cuối cùng mà ALP công bố là báo cáo quý III.2014. Tính đến cuối quý này, trên bảng cân đối kế toán của ALP thể hiện khoản lỗ lũy kế là hơn 385 tỷ đồng, tăng thêm gần 144 tỷ so với thời điểm đầu năm. Sau đó, Công ty không hé lộ về tình hình sức khỏe tài chính, cả năm 2014, 2015 và 2016.

Tuy nhiên, từ năm 2017, các thông tin tài chính của ALP bắt đầu xuất hiện trở lại. Mới đây ALP đã nộp lên UBCKNN một bản báo cáo tài chính năm 2017. Theo báo cáo này, tính đến cuối năm 2016, ALP vẫn còn lỗ lũy kế tới 657 tỷ đồng, gần gấp đôi khoản lỗ tính đến quý III.2014.

img

Như vậy, trong năm 2015-2016, ALP vẫn tiếp tục lỗ. Khoản lỗ ghi nhận trong riêng năm 2016 là hơn 134 tỷ đồng. Tới năm 2017, ALP ghi nhận khoản doanh thu thuần lên tới 1.610 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần năm 2016. Ngoài ra, lợi nhuận từ công ty liên doanh - liên kết đưa về gần 6 tỷ đồng cùng khoản doanh thu tài chính hơn 12,8 tỷ đồng đã giúp ALP báo lãi hợp nhất sau thuế đột biến lên tới 444,8 tỷ đồng vượt qua cảnh thua lỗ triền miên trong những năm trước đó. Nhờ đó, lỗ lũy kế đến cuối 2017 đã giảm xuống còn hơn 191,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang quý I.2018, ALP lại tiếp tục lỗ 9,6 tỷ đồng. Như vậy, khoản lỗ lũy kế của ALP vẫn còn hơn 201,4 tỷ đồng

Thoát gánh nợ của công ty Địa ốc Alphanam

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017, danh mục đầu tư của ALP đã thay đổi rất nhiều kể từ sau khi hủy niêm yết. Danh sách đầu tư của ALP đã lên tới hơn 20 doanh nghiệp so với 8 công ty tại thời điểm 2013. Danh mục này của ALP chủ yếu hướng đến bất động sản với những công ty bất động sản như Công ty CP Địa ốc Alphanam, Công ty CP Địa ốc Foodinco, Công ty CP Đầu tư Công viên văn hóa Mường Hoa, hệ thống Foodinco, công ty Cổ phần Đô thị Hanel - Alphanam, công ty CP BĐS Hoa Anh Đào …

Chính vì vậy, xây dựng và bất động sản là mảng nổi bật đem lại doanh thu chủ yếu cho ALP. Năm 2017, doanh thu từ hợp đồng xây dựng đóng góp 860,8 tỷ đồng cho ALP (chiếm trên 50% cơ cấu doanh thu), trong khi năm 2016 chỉ đưa về hơn 61 tỷ đồng nhưng cũng chưa có một sự giải thích rõ ràng, chi tiết như thế nào?

Hơn nữa, nếu so sánh biên lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của ALP với CTD – Công ty CP xây dựng Coteccons (ông lớn trong ngành xây dựng) cho thấy thấy sự khập khiễng khá lớn. Trong khi biên lợi nhuận của CTD qua các năm cũng chỉ ở mức 7 – 8% còn biên lợi nhuận của ALP lên tới gần 38%, một con số quá ấn tượng.

img

Nhìn tổng thể, nhà đầu tư liệu có đặt câu hỏi về sự minh bạch trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận như này? Trong cơ cấu tài sản của ALP, nổi bật vẫn là các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng lên 794 tỷ đồng, tăng 575 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Khoản phải thu này chủ yếu từ công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Đông Á khi chiếm 565 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính dài hạn cũng tăng đột biến hơn 500 tỷ do đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết là công ty Cổ phần Địa Ốc Alphanam.

Đáng chú ý, tại thời điểm 1.9.2017, công ty CP Địa Ốc Alphanam không còn là công ty con của ALP nữa, các khoản đầu từ vào công ty Cổ phần Địa Ốc Alphanam chuyển sang khoản đầu tư vào công ty liên kết do trong năm công ty CP Đầu tư Alphanam của ông Nguyễn Tuấn Hải đã chuyển nhượng 30.600.400 cổ phiếu tại công ty CP Địa Ốc Alphanam và chỉ còn nắm giữ 27.803.338 cổ phần, tương ứng 46%vốn điều lệ tại công ty này.

Liệu có liên quan gì với khoản chuyển nhượng này không khi mà chi phí xây dựng dở dang từ tổ hợp căn hộ, thương mại và và dịch vụ khách  sạn Alphanam Luxury ở thời điểm cuối năm đã được tất toán trong khi thời điểm đầu năm vẫn là hơn 500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các khoản vay và nợ thuê tài chính giảm mạnh từ gần 960 tỷ đồng thời điểm đầu kỳ xuống còn 363 tỷ đồng tại thời điểm cuối kỳ.

Bằng bút toán này có phải ALP của ông Nguyễn Tuấn Hải muốn làm “mượt” báo cáo tài chính của mình khi không phải “gánh” những khoản nợ từ công ty CP Địa Ốc Alphanam?

Từ điểm “gợi mở” về kết quả kinh doanh 2017, ALP liệu có hồi phục và trở lại sàn? Nhiều cổ đông cầm cổ phiếu ALP đã hy vọng như vậy, song với những con số có phần “mơ hồ” trên báo cáo tài chính như này thì con đường quay trở lại của ALP vẫn còn bỏ ngỏ!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem