Tập thơ có 4 câu đề từ và gồm 50 bài thơ, chủ yếu viết theo thể lục bát, và phần lớn là ngắn, nhiều bài chỉ 4 câu. Các bài không có tên, đánh số từ 1 đến 50. Mở đầu là bài lục bát cho mẹ. Kết thúc là bài lục bát cho mình. Toàn bộ tập thơ từ tên sách đến các bài ở trong đều in chữ thường, không viết hoa. Phần ảnh in đen trắng là những tác phẩm độc lập bên cạnh các bài thơ.
Đây là một tập thơ đặc biệt. Nguyễn Duy Sơn là con trai thứ của nhà thơ Nguyễn Duy. Anh là một họa sĩ đồ họa, đã tham gia thiết kế, trình bày cho các hoạt động thơ của bố mình suốt nhiều năm qua như chuỗi lịch thơ và các triển lãm thơ Nguyễn Duy, như các sách thơ-ảnh về thơ thiền Lý-Trần, Lê-Nguyễn. Trong những cuộc hành trình rong chơi làm việc của bố, anh lặng lẽ khiêm nhường tham gia theo cách của mình, như không muốn ai để ý, không muốn làm phiền ai. Năm 2018 anh đột ngột qua đời ở tuổi 42.
Sau khi bình tâm trước nỗi đau mất con, nhà thơ Nguyễn Duy mở máy tính của con ra và bất ngờ thấy có những bài thơ trong đó. Ông không hề biết con mình có làm thơ vì Sơn không bao giờ nói, càng không đưa thơ cho bố đọc. Những bài thơ của Sơn lưu lại trong máy tính đã làm ông xúc động, vừa với tình cảm xót thương của một người bố cho con, vừa với sự trân trọng của một nhà thơ cho những bài thơ đúng nghĩa. Nhân dịp giỗ con lần hai, nhà thơ Nguyễn Duy đã tập hợp các bài thơ để lại của Nguyễn Duy Sơn và những bức ảnh nghệ thuật anh chụp làm thành tập thơ & ảnh "Con đường trong giọt sương". Cấu trúc và trình bày cuốn sách như vậy nhà thơ - người bố Nguyễn Duy đã làm nên một ấn phẩm đẹp tưởng nhớ người con và tự tin để mọi người biết có một người thơ Nguyễn Duy Sơn.
Màu Người. Bạn đã bao giờ nghe đến cái màu ấy chưa? Loài người sinh ra trên quả địa cầu có mấy màu da và sự khác biệt màu da đã gây nên sự phân biệt chủng tộc đẩy con người vào những cuộc chiến tranh chém giết nhau. Sao con người không biết bất luận màu da gì thì đó cũng là màu da của người. Màu Người! Chữ này, tiếng này là của riêng Nguyễn Duy Sơn phát ra. Anh đã chỉ cho ta thấy nhân loại trên trái đất chỉ có một màu da chung. Màu Người!
Trắng-Vàng-Đen-Đỏ khác chi
Đỏ-Đen-Vàng-Trắng có gì khác đâu
màu da bọc quả địa cầu
Đen-Vàng-Trắng-Đỏ một Màu Người thôi.
(Bài số 9)
Tôi đọc tập thơ của Sơn giữa mùa đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới mà sửng sốt với hai tiếng Màu Người của anh. Con corona virus không chừa một màu da nào.
Sơn nhìn ra được Màu Người bao trùm mọi màu da khác nhau của con người là vì trong khoảng thời gian tại thế của mình anh đã thấy mình hòa cùng tự nhiên. Anh thấy mình "ta vô hình giữa bao la" (33). Với anh, được sinh Là Người trong cõi trần là như giọt sương giữa đất trời. Và sống Làm Người là mang giọt sương mong manh, trong trẻo, hư ảo ấy đi trọn một con đường trần một cách nhẹ thênh. Đi như một "bóng hồn hoa mé vườn" (13). Đi như một "giọt nắng bên thềm mù sương" (bài 14). Đi như "con đường là để vừa dừng vừa đi" (43). Đi như "vết đau tự chữa… con đường tự đi" (44). Đi sống đơn giản cho đời thanh thản. Đi để trở về, vì ai rồi cũng trên đường về với thiên thu cả. Liên tiếp những bài 37, 38, 39, 40, 41 Sơn nhẹ nhõm bước thong dong trở về nguồn cội, về cái bản thể trước thuở sinh ra đời, về với cái chân như tự nhiên. Và ở bài 50 kết lại tập thơ Sơn hát bài ca giã từ:
nếu như ta đã chết rồi
ai ơi… còn sống qua đời sau ta
vui buồn… tiên cũng như ma
hóa ra sự sống để mà cho đi.
Giọt sương của Nguyễn Duy Sơn nhắc tôi nhớ tới giọt sương của Vạn Hạnh thiền sư thời Lý trong bài kệ "Thị đệ tử": "Thân như điện ảnh hữu hoàn vô / Vạn vật xuân vinh, thu hựu khô / Nhậm vận thịnh suy vô bố úy / Thịnh suy như lộ thảo đầu vô" (Thân như bóng chớp, có rồi không / Cây cối xuân tươi, thu não nùng / Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi / Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông – bản dịch Ngô Tất Tố). Có thể chăng, lúc sinh thời giúp bố làm tập thơ thiền Lý – Trần anh đã có đọc bài thơ này và đã thấm tinh thần thiền tông ấy.
CON ĐƯỜNG TRONG GIỌT SƯƠNG
Tác giả: Nguyễn Duy Sơn
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020
Số trang: 105
Số lượng: 500
Giá bán: 100.000đ
Bên trong dáng vẻ gầy gò của chàng trai Nguyễn Duy Sơn giữa cõi nhân sinh là một tâm hồn bay lượn phiêu du ở những cõi trời thanh sạch, ở "thiên đường chỉ có nơi chưa có người". Anh cũng trần gian như ai. Một con người thấy mình "giã từ vũ trụ mênh mông / ta rơi làm kẻ lông nhông cõi trần" (37) sung sướng như người trai ca dao "vốn xưa ta ở trên trời / đứt dây rơi xuống làm người trần gian". Nguyễn Duy Sơn có thể vận cho mình câu hát Trịnh Công Sơn "ta rong chơi giữa đời". Anh cứ muốn rong chơi hồn nhiên như khi chưa là chưa gì: "ước hồn nhiên sống thời chưa biết gì" (2), "nhớ khi hai đứa còn chưa có gì" (12). Anh ngộ ra "nỗi niềm ai cũng ngang mây / mà sao ai cũng chau mày với nhau" (11) cho khổ lụy phận người, cho tan vỡ giọt sương. Anh chỉ muốn làm cây mai, đóa mai vàng để tạ lỗi mẹ như lính tính đã mách anh bỏ mẹ mà đi sớm, "con xin tặng mẹ mai vàng / còn con đành để mộng tan giữa trời" (1). Mẹ anh cũng đã ra đi sau anh một năm, "mai vàng nhan sắc thắm tươi / mẹ ơi xin mẹ nhận rồi hãy đi" (1).
Nhà thơ Nguyễn Duy đã thay con trai đặt tên cho tập thơ là "Con đường trong giọt sương" và lấy bốn câu này làm đề từ:
có con đường
trong giọt sương
có thiên đường
trong mù sương
Giờ đây Nguyễn Duy Sơn đã lại làm giọt sương mỗi sớm mai trong veo trong hoa cỏ, để lại mù sương cho người đi tìm thiên đường trên mặt đất. Không, Sơn không nói thế đâu, Sơn chỉ có những câu thơ để lại, những câu thơ Sơn chưa bao giờ lộ ra mà viết để cho mình. Tôi nhớ những lần đi cùng hai cha con Sơn chỉ thấy Sơn hiền lành lặng lẽ chụp ảnh giữa lúc người cha cùng các bạn bè văn thơ náo nhiệt tưng bừng chuyện và thơ, thơ và rượu. Những bức ảnh Sơn chụp đen trắng được in cùng thơ trong sách này là những vệt sáng chiếu nhòe khung cảnh, vật thể, để lại trong mắt nhìn những khoảng mờ tâm tưởng. Bảng lảng, nhòe mờ, thơ và ảnh Nguyễn Duy Sơn nói bằng vô ngôn những điều mang chứa của một người tự nhận "còn ta sống giữa nhạt nhòa hư không" (31).
Sơn bảo ta: Hãy đi con đường trong giọt sương mới thấy được các màu da người chỉ là một màu - Màu Người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.