Mâu thuẫn lợi ích, cải tạo chung cư cũ bế tắc suốt 1 thập kỷ

Phi Long Thứ ba, ngày 21/11/2017 07:00 AM (GMT+7)
Cả nước có hơn 2.500 nhà chung cư cũ (CCC), trong đó có đến 600 tòa nhà ở tình trạng xuống cấp, đến lúc phải cải tạo, tuy nhiên dù được triển khai 10 năm qua, phương án cải tạo CCC vẫn bế tắc.
Bình luận 0

img

Hơn thập kỷ cải tạo 2.500 nhà chung cư vẫn bế tắc (Ảnh: IT)

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước có khoảng trên 2.500 nhà chung cư cũ, tương đương khoảng trên 3 triệu m2 được xây dựng từ trước năm 1994 với hơn 100.000 nghìn hộ dân đang sinh sống. Trong đó tại Hà Nội có hơn 1.500 tòa, TP.Hồ Chí Minh có hơn 500 tòa, Hải Phòng có 205 tòa, Nghệ An hơn 20 tòa, Phú Thọ hơn 60 tòa…

 Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, qua rà soát chưa đầy đủ, hiện có trên 600 nhà chung cư nguy hiểm, hư hỏng nặng (chiếm khoảng 25% tổng số nhà chung cư cũ) cần phải kiểm định để có kế hoạch cải tạo, xây dựng lại, chủ yếu tập trung tại một số địa phương nhưng chủ yếu vẫn là Hà Nội, TPHCM.

Nhiều chuyên gia đánh giá, đa phần các nhà chung cư đã xuống cấp, đặc biệt là các tòa chung cư tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trong đó đã có những chung cư xuống cấp nghiêm trọng, có nơi còn từng xảy ra sự cố đổ, sập gây thiệt hại cả về của cải và người.

Thực tế cho thấy, việc cải tạo các chung cư cũ đã được lên kế hoạch triển khai từ 10 năm trước thế nhưng cả một thập kỷ qua, dự án cải tạo chung cư cũ dường như vẫn gặp phải bế tắc.

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, hiện cả nước chỉ mới thực hiện cải tạo, sửa chữa được khoảng hơn 10 nhà chung cư. Ngoài ra, nhiều nhà chung cư đã di chuyển, phá dỡ nhưng cũng chưa thể xây dựng lại do vướng các cơ chế chính sách hoặc do người dân chưa đồng tình thực hiện, do cơ chế ưu đãi chưa cao chưa thu hút được các doanh nghiệp tham gia...

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), khảo sát cho thấy, nhiều dãy nhà chung cư cũ hiện nay đã lún nghiêng, nứt nẻ vẫn phải "oằn mình" cõng thêm hàng chục “chuồng cọp” cơi nới, nhiều người dân thấp thỏm đến mức mỗi lần mưa gió không dám trở về nhà. Mới đây, UBND TP. Hà Nội vừa công bố 42 chung cư đang ở mức độ báo động nguy hiểm, trong đó có 39 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ C, 1 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ B, 2 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ D cần di dân gấp.

Để cải tạo CCC, vai trò của doanh nghiệp là rất lớn nhưng Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, điểm nghẽn chính là ở ở mâu thuẫn về lợi ích. Người dân cũng muốn đi những lại đòi giá đền bù cao, doanh nghiệp thì muốn cải tạo, đầu tư xây mới vì có thể được sở hữu “đất vàng” nhưng nếu không được “chồng tầng” thì sẽ không có lợi nhuận.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây Dựng Việt Nam, người dân muốn ở nhà đẹp, doanh nghiệp muốn có lợi nhuận, nhà quản lý thì muốn có cảnh quan đẹp… tuy nhiên, các bên đều muốn có lợi, không bên nào chịu thiệt hơn, thành ra vẫn chưa thể giải tỏa được những điểm nghẽn lâu nay. Bởi vậy, làm sao minh bạch tài chính trong cải tạo chung cư cũ và đảm bảo hài hòa được lợi ích các bên, lúc đó may ra mới giải thoát được những bí bách lâu nay của đề án cải tạo chung cư cũ.

Bình luận về vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Hiện nay, chúng ta đã đưa ra chủ trương cải tạo cả khu vực là rất đúng. Tuy nhiên, không bao giờ có chuyện đồng thuận 100%. Cũng theo ông Võ, cư dân không đồng ý trong trường hợp nhà nguy hiểm vì họ không nhìn rõ giá trị chung cư cũ tại thời điểm đó, họ cứ hồ nghi là doanh nghiệp trục lợi, nên giải pháp là chúng ta cần minh bạch tài chính trong cải tạo chung cư cũ, ví dụ trả lời các câu hỏi như cư dân được hưởng bao nhiêu, người dân được hưởng thế nào, nhà nước được hưởng ra sao.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem