Thị trường tài chính thế giới đang trải qua những ngày cuối năm 2018 một cách tồi tệ khi hầu hết các chỉ số chứng khoán hàng đầu đều lao dốc khủng khiếp. Dow Jones của Mỹ trong đêm qua đã sụt tới 653 điểm (2,91%), chính thức đánh mất mốc 22.000 điểm xuống còn 21.192 điểm. Đây là ngưỡng giá thấp nhất của chỉ số này kể từ tháng 9 năm 2017. S&P 500 cũng bốc hơi tới 2,71%. Tổng thống Donald Trump cho rằng động thái tăng lãi suất lần thứ 4 trong năm 2018 của FED vào tuần trước là nguyên nhân chính đẩy thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc.
Trên thị trường châu Á, Nikkei 225 của Nhật Bản còn mất tới 988,16 điểm (4,9%) trong phiên hôm nay. Shanghai Composite của Trung Quốc, Hang Seng của Hồng Kông hay Kospi của Nhật Bản cũng đều chìm trong sắc đỏ. Giá dầu WTI thậm chí còn đang mất tới hơn 6,3% giá trị chỉ trong một ngày, xuống chỉ còn gần 43 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2016.
Thị trường chứng khoán Việt tiếp tục chìm sâu cùng thị trường thế giới
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng tiêu cực này. Trong phiên 25/12, nhà đầu tư đã lập tức bán tháo cổ phiếu ngay từ đầu giờ giao dịch, chỉ số có lúc đã mất tới hơn 28 điểm (hơn 3%). Sau đó, dòng tiền bắt đáy ồ ạt chảy vào đã giúp thị trường nhanh chóng hồi phục. Kết phiên, VN-Index chỉ còn giảm 10,62 điểm (1,17%) xuống 897,94 điểm, đánh dấu phiên lao dốc thứ 9 liên tiếp. Điểm tích cực là lượng tiền đổ vào thị trường hôm nay đã tăng lên hơn 6.500 tỷ đồng.
Sắc đỏ bao trùm trên toàn thị trường, trong đó giảm mạnh nhất vẫn là cổ phiếu của nhóm ngành tài chính ngân hàng và dầu khí. 14/17 mã ngân hàng giảm giá, trong đó sụt mạnh nhất là MBB, BID, VPB, TPB. Trong nhóm dầu khí, GAS tiếp tục mất 3.200 đồng (3,6%) xuống 85.800 đồng/cổ phiếu. PVD và PVS đều giảm sâu.
Nhóm cổ phiếu của hàng loạt đại gia đình đám cũng ghi nhận đà sụt giảm mạnh. Điển hình như VHM (Vinhomes) giảm 900 đồng, VNM (Vinamilk) giảm 1.000 đồng, MWG (Thế giới di động) giảm 1.100 đồng. VJC của Vietjet Air đã bị nhà đầu tư bán mạnh và mất 2.400 đồng (1,9%) xuống 121.900 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý, ngày 24/12 hôm qua, chuyến bay VJ861 hành trình dự kiến từ sân bay Incheon (Hàn Quốc) đi sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phải hạ cánh xuống Đài Bắc (Đài Loan) sau 2 tiếng cất cánh. Nguyên nhân là tổ bay đã phát hiện cảnh báo kỹ thuật tại buồng hàng sau. Sau khi kiểm tra kĩ thuật, tổ bay đã tiếp tục thực hiện hành trình và về đến sân bay Tân Sơn Nhất lúc 5 giờ 20 phút ngày 25/12. Theo thông tin chính thức từ Cục hàng không Việt Nam, đây chỉ là lỗi cảnh báo giả của truyền cảm báo khói buồng sau. Trước đó các máy bay số hiệu VJ356 (ngày 29/11) và VJ198 (ngày 19/11) của Vietjet Air cũng đã gặp sự cố nghiêm trọng và phải hạ cánh khẩn cấp.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – TGĐ Vietjet Air
Như vậy, cổ phiếu VJC của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo không chỉ chịu tác động tiêu cực bởi xu hướng thị trường chung, mà còn bởi liên tiếp những sự cố mà Vietjet Air gặp phải trong thời gian gần đây. Với hơn 139,57 triệu cổ phiếu đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã mất khoảng 335 tỷ đồng trong ngày hôm nay. Hiện khối tài sản chứng khoán của bà Thảo đang đạt khoảng 18.047 tỷ đồng, đứng số 2 trong danh sách người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong khi đó thị trường vẫn ghi nhận một số cổ phiếu tăng giá bất chấp chỉ số. Ví dụ như ROS (FLC Faros), MSN (Masan), NVL (Novaland), VRE (Vincom Retail). Trong đó, nổi bật nhất là cổ phiếu HNG (Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai) của bầu Đức đã bất ngờ tăng sát trần thêm 1.000 đồng lên 16.050 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản tại HNG đạt hơn 1,3 triệu đơn vị, trong đó khối nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 100 ngàn đơn vị.
Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận phiên giảm điểm thứ 8 liên tiếp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.