Máy bay K-7: Quái vật 7 động cơ đi trước thời đại của Liên Xô

PV Thứ bảy, ngày 23/09/2023 21:30 PM (GMT+7)
Không thể phủ nhận rằng thời đại Liên Xô đã sinh ra nhiều nhà phát minh, kỹ sư và nhà thiết kế tài năng có khả năng giải quyết các vấn đề phi thực tế, trong đó có chiếc máy bay K-7.
Bình luận 0

Máy bay K-7 là một ngôi nhà kiêm pháo đài "biết bay" thực sự bởi nó có một trung tâm liên lạc với mặt đất, một phòng vệ sinh, một nhà bếp, 8 khẩu pháo 20 mm và 8 súng máy 7,62 mm, chở được xe tăng, đồng thời mang được tới 19 tấn bom.

Không thể phủ nhận rằng thời đại Liên Xô đã sinh ra nhiều nhà phát minh, kỹ sư và nhà thiết kế tài năng có khả năng giải quyết các vấn đề phi thực tế. Konstantin Kalinin là một trong số đó. Thời thơ ấu, khi quan sát những chiếc máy bay đầu tiên bay lượn trên bầu trời, Kalinin đã nuôi quyết định sẽ dành hết tâm huyết để tạo ra những chú chim sắt thần kỳ như thế.

Máy bay K-7: Quái vật 7 động cơ đi trước thời đại của Liên Xô - Ảnh 1.

Máy bay được thiết kế theo kiểu "cánh bay".

Vào đầu những năm 20 của thế kỷ XX, Kalinin đã trở thành trưởng phòng thiết kế - nơi quy tụ những kỹ sư, nhà thiết kế tài năng. Năm 1925, các nhà phát triển nảy ra ý tưởng xây dựng một con quái vật biết bay thực sự. Và chỉ sau 4 năm làm việc chăm chỉ, dự án đã sẵn sàng trên giấy tờ. Bấy giờ, việc của Kalinin là phải biến các bản vẽ này thành sản phẩm bằng kim loại và nâng được cỗ máy tuyệt vời đó lên không trung.

Máy bay K-7: Quái vật 7 động cơ đi trước thời đại của Liên Xô - Ảnh 2.

Khối lượng riêng của máy bay khi đó sẽ ít hơn nhiều.

.

Về mặt cấu trúc, máy bay được thiết kế theo kiểu "cánh bay" (tiếng Nga: Летающее крыло / tiếng Anh: Flying wing). Vào thời điểm đó, hệ thống này chưa hề được nghiên cứu một cách rộng rãi. Tuy nhiên, các nhà thiết kế đã chấp nhận mạo hiểm khi nhận ra lợi ích của việc thiết kế máy bay không có thân. Khối lượng riêng của máy bay khi đó sẽ ít hơn nhiều, do đó tải trọng có ích của nó sẽ tăng lên, tức là máy bay có thể chở được nhiều hàng hóa hơn. Tuy nhiên, điều này đã phải trả giá bằng việc phân bổ trọng lượng kém khiến máy bay không ổn định.

Máy bay K-7: Quái vật 7 động cơ đi trước thời đại của Liên Xô - Ảnh 3.

Nguyên mẫu đầu tiên được chế tạo vào năm 1933.

Để giúp phi công xoay sở được với tải trọng cực lớn trên tay lái của chiếc máy bay nặng 40 tấn, Kalinin đã phát minh ra hệ thống lái trợ lực điện mà thời đó chưa từng có.

Nguyên mẫu đầu tiên được chế tạo vào năm 1933. Đó là một "cánh bay" có sải cánh dài 53 m, trang bị 7 động cơ, chở được 128 hành khách trên khoang và tầm bay 5 nghìn km. Đây là một ngôi nhà biết bay thực sự bởi nó có một trung tâm liên lạc với mặt đất, một phòng vệ sinh, và thậm chí cả một nhà bếp.

Máy bay K-7: Quái vật 7 động cơ đi trước thời đại của Liên Xô - Ảnh 4.

Máy bay được trang bị vũ khí phòng thủ bao gồm 8 khẩu pháo 20 mm và 8 súng máy 7,62 mm.

Máy bay được chế tạo theo nguyên tắc "all-in-wing", cho phép thợ máy tiếp cận động cơ để sửa chữa trực tiếp khi máy bay đang bay.

Khả năng sử dụng nó với vai trò "pháo đài bay" và máy bay ném bom cũng đã được tính đến. Trong phiên bản này, nó được trang bị vũ khí phòng thủ bao gồm 8 khẩu pháo 20 mm và 8 súng máy 7,62 mm, đồng thời mang được tới 19 tấn bom. Con số này thực sự là rất nhiều ở thời điểm cách đây cả thế kỷ!

Máy bay K-7: Quái vật 7 động cơ đi trước thời đại của Liên Xô - Ảnh 5.

Máy bay được thiết kế để vận chuyển 112 lính dù.

Trong phiên bản phục vụ đổ bộ đường không, máy bay được thiết kế để vận chuyển 112 lính dù, chở một chiếc xe tăng nặng 8,4 tấn hoặc các thiết bị khác ở giữa khung gầm để thả xuống bằng dù.

Máy bay K-7: Quái vật 7 động cơ đi trước thời đại của Liên Xô - Ảnh 6.

Các cuộc thử nghiệm bay đầu tiên của máy bay K-7 rất xuất sắc.

Vào thời điểm đó, chiếc máy bay này là lớn nhất ở Liên Xô và khổng lồ đến nỗi nó được báo chí gọi là "Air Gosprom". Nên biết, Gosprom là một trong những tòa nhà chọc trời đầu tiên của Liên Xô với chiều cao 108 m, được xây dựng vào năm 1925-1928 trên quảng trường lớn nhất ở Kharkov - Quảng trường Dzerzhinsky (từ năm 1996 đổi tên thành Quảng trường Tự do).

Máy bay K-7: Quái vật 7 động cơ đi trước thời đại của Liên Xô - Ảnh 7.

Máy bay được chế tạo theo nguyên tắc "all-in-wing".

Các cuộc thử nghiệm bay đầu tiên của máy bay K-7 rất xuất sắc. Tất cả đều có sự tham gia trực tiếp của K. Kalinin và ông luôn chọn ngồi ghế của phi công phụ.

Sau 2 tháng, những người thử nghiệm quyết định kiểm tra xem máy bay sẽ hoạt động như thế nào ở tốc độ tối đa.

Máy bay K-7: Quái vật 7 động cơ đi trước thời đại của Liên Xô - Ảnh 8.

Chiếc máy bay nguyên mẫu đầu tiên bị rơi trong cuộc thử nghiệm vào ngày 21 tháng 11 năm 1933.

Chiếc K-7, giống như nhiều máy bay thời đó, bị rung. Lý thuyết đối phó vẫn chưa được phát triển, vì vậy phi công thử nghiệm Snegirev đã sử dụng trực giác để chống lại các dao động và sự thay đổi chế độ hoạt động của bảy động cơ. Nhưng sức người có hạn, và điều này đã không cứu được máy bay. Chiếc máy bay nguyên mẫu đầu tiên bị rơi trong cuộc thử nghiệm ở tốc độ tối đa vào ngày 21 tháng 11 năm 1933, kéo theo đó là 15 trong số 20 người trên khoang bị thiệt mạng.

Máy bay K-7: Quái vật 7 động cơ đi trước thời đại của Liên Xô - Ảnh 9.

Năm 1935, dự án bị đình chỉ và sau đó đóng cửa hoàn toàn.

Tuy nhiên, một thất bại đơn lẻ không ngăn được những nhà chế tạo máy bay táo bạo. Họ tiếp tục bắt tay vào việc tạo ra thêm hai mẫu nữa. Nhưng vào năm 1935, dự án bị đình chỉ, và sau đó đóng cửa hoàn toàn.

Hai mẫu sửa đổi chưa được hoàn thành, vì vậy giờ đây, ý tưởng về thiết kế và ngoại hình của K-7 chỉ có thể được rút ra từ tài liệu kỹ thuật còn sót lại, những tấm ảnh và ký ức của những người tham gia cùng nhân chứng của các cuộc thử nghiệm.

Bản thân người thiết kế chính đã bị trù dập và qua đời vào năm 1938. Tuy nhiên, đứa con tinh thần của ông vẫn tồn tại cho đến ngày nay dưới dạng mô hình máy bay cỡ lớn, trong phim ảnh và trò chơi máy tính.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem